Người Tây Bắc Syria "chết mòn" chờ cứu hộ

Dù hứng thiệt hại nặng nề sau các trận động đất xảy ra tuần trước, nhưng hàng ngàn người dân trong vùng thảm họa ở Tây Bắc Syria chưa nhận được sự giúp đỡ cần thiết do bất ổn và bất đồng.

Đúng một tuần từ sau trận động đất 7.8 độ Richter đầu tiên tấn công khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, giới chức hai quốc gia này hôm nay (13/2) xác nhận số người thiệt mạng đã vượt con số 34.000, trong đó 29.605 người ở Thổ Nhĩ Kỳ, 4.574 người bên quốc gia láng giềng, CNN đưa tin.

Người Tây Bắc Syria chết mòn chờ cứu hộ sau động đất -0
Một tòa nhà sập vì động đất ở Syria. Ảnh: Guardian

Tuy vậy, số liệu thiệt hại ở Syria được đánh giá là khó mô tả chính xác tình hình thực tế do tình hình chính trị bất ổn và việc nhiều khu vực ở vùng Tây Bắc nước này vẫn nằm trong tay các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan hoặc các nhóm vũ trang ly khai thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau hơn một thập kỉ giao tranh, một nửa cơ sở y tế do chính phủ Syria nắm giữ không thể hoạt động đầy đủ. Tại vùng Tây Bắc Syria, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều, đó là chưa kể tác động của trận động đất hôm 6/2, khiến nhiều người bị thương không được chăm sóc y tế cần thiết.

Cách đây vài ngày, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ và chuyển hàng viện trợ vào cả những khu vực thuộc quyền kiểm soát của các tay súng đối lập. Tuy nhiên, việc phân phối rõ ràng phụ thuộc vào các lực lượng kiểm soát trên thực tế.

Cuối tuần vừa qua, ít nhất 12 xe cứu trợ của LHQ đã lên đường tiến vào khu vực Tây Bắc Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chừng đó được mô tả "như muối bỏ bể". Giám đốc cơ quan cứu trợ LHQ Martin Griffiths khẳng định, người dân Tây Bắc Syria cần thêm rất nhiều hàng hóa khác.

Người Tây Bắc Syria chết mòn chờ cứu hộ sau động đất -0
Một đoàn xe cứu trợ của LHQ chuẩn bị tiến vào biên giới Syria. Ảnh: CNN

"Đến nay chúng ta đã khiến người dân ở Tây Bắc Syria thất vọng. Họ cảm thấy thực sự bị bỏ rơi. Họ trông mong sự giúp đỡ quốc tế nhưng vẫn chưa thấy", ông Griffiths viết trên Twitter. "Chúng ta cần mở thêm nhiều điểm truy cập và nhanh chóng nhận được nhiều viện trợ hơn".

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/2 thông báo họ vẫn đang chờ sự phối hợp của các nhóm vũ trang địa phương để thực hiện kế hoạch cứu trợ. "Chúng tôi lên kế hoạch ( thực hiện cứu trợ) trong vài ngày nữa. Chúng tôi vẫn đang đàm phán", quan chức WHO phụ trách tình trạng y tế khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải Rick Brennan nói, thừa nhận WHO được chính phủ Syria ủng hộ, nhưng đang "chờ sự chấp thuận của các thực thể phía bên kia".

Theo CNN, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus kì vọng ông có thể sớm đến được các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất do phe đối lập nắm giữ ở Tây Bắc Syria trong ngày 13/2.

Người Tây Bắc Syria chết mòn chờ cứu hộ sau động đất -0
Phái đoàn của WHO tại Aleppo hôm 12/2. Ảnh: Twitter/Tedros Adhanom Ghebreyesus

Ông Tedros và các quan chức WHO có mặt tại thành phố Aleppo do quân đội Syria kiểm soát hồi tuần trước. Aleppo cũng là khu vực chịu ảnh hưởng từ trận động đất. WHO đã viện trợ khoảng 300.000 USD vật tư y tế tại địa phương này.

Từ trước khi động đất xảy ra, LHQ đã ước tính 90% trong số 18 triệu người Syria đã sống trong cảnh nghèo đói, do nền kinh tế bị tàn phá, hạn hán và đại dịch COVID-19 cũng như tình hình bất ổn ở các nước láng giềng. Một dự báo khác cũng của LHQ chỉ ra rằng, khoảng 5,3 triệu người Syria có thể mất nhà cửa do hậu quả của động đất.

Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, hàng ngàn người được cho là vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà khắp vùng Tây Bắc Syria và hàng trăm ngàn người khác sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ. Mỗi giờ trôi qua, cơ hội sống của họ lại giảm xuống.

Mỹ "hoãn" trừng phạt Syria

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố miễn trừ trừng phạt trong vòng 180 ngày cho Syria đối với “tất cả giao dịch liên quan đến các nỗ lực cứu trợ động đất”, động thái được mô tả là nhằm trấn an các tổ chức quốc tế họ sẽ không bị trừng phạt vì đã hỗ trợ Syria, Guardian đưa tin.

Syria bị Mỹ trừng phạt từ năm 1979, khi Washington cáo buộc nước này tài trợ một số nhóm vũ trang cực đoan. Nhà Trắng thắt chặt các biện pháp cấm vận trong thời gian chiến tranh Iraq và ngày càng khắt khe hơn từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria vào năm 2011.

"Hoãn" trừng phạt, nhưng Mỹ vẫn khước từ hợp tác với chính phủ Syria trong nỗ lực cứu trợ. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Áo hôm 8/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, "ở Syria, chúng tôi có các đối tác nhân đạo do Mỹ tài trợ đang phối hợp hỗ trợ cứu nạn", dù không nêu tên các "đối tác nhân đạo" kể trên.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ người Syria vượt qua thảm họa. Chúng tôi luôn là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu của người Syria kể từ khi cuộc chiến bắt đầu", ông Blinken nói. "Nhưng khoản tiền đó là dành cho người Syria chứ không phải chính quyền. Quan điểm này không đổi".

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nguoi-tay-bac-syria-chet-mon-cho-cuu-ho--i683347/

Thái Hà / cand.com.vn