5h sáng, điện thoại rung, BV Nhi đồng 1 báo tin có gia đình Hưng Yên không đủ tiền đưa xác con về quê, Nghị nói 'em tới liền'.
Trước khi ra khỏi nhà, Võ Thanh Nghị (29 tuổi) đã đăng ngay thông tin hoàn cảnh gia đình cần giúp đỡ lên trang Facebook cá nhân của mình, vận động bạn bè, người thân và những mạnh thường quân anh quen biết nhờ giúp đỡ. Không đợi nhận đủ tiền, anh lấy 10 triệu đồng tiền túi, chạy xe máy đến nhà đại thể Bệnh viện Nhi Đồng 1 khi trời vừa sáng.
Nửa tiếng sau, Nghị đã ngồi trước cửa nhà tang lễ lo hoàn tất thủ tục với nhà xe, bên trong, cặp vợ chồng trẻ mắt đỏ hoe ngồi cạnh thi hài con gái. Đó là gia đình chị Đậu Thị Hồng Xiêm (Hưng Yên) có con gái 7 tháng tuổi vừa qua đời sau hơn 20 ngày điều trị tim bẩm sinh ở đây. Hai vợ chồng làm công nhân tại Sài Gòn, vét túi chỉ còn gần 5 triệu đồng, trong khi chuyến xe đưa con về quê tới 15 triệu.
"Tặng bé chuyến xe cuối cùng, để bé về quê an nghỉ nhẹ nhàng và bớt gánh nặng cho gia đình, là điều tôi thấy cần thiết và ý nghĩa", Nghị nói, giống như anh đã làm 2 năm nay với hơn 100 gia đình không đủ tiền thuê xe đưa con về quê.
Cơ duyên làm việc này đến với Nghị cuối năm 2017, khi anh cùng nhóm bạn phát quà ở bệnh viện. Có bà cụ dáng thất thểu, tiến lại hỏi "tui thấy cậu giúp nhiều người ở đây, bây giờ cậu giúp tui được không?"
"Bà cần cháu giúp gì", Nghị hỏi lại. Bà dẫn Nghị đến nhà xác bệnh viện, chỉ vào chiếc túi du lịch trên băng ca, bên cạnh là đôi vợ chồng trẻ dựa đầu vào nhau mệt mỏi, dường như không còn nước mắt để khóc. Bà cụ tiến tới mở chiếc túi, lấy ra nhiều lớp khăn lông chèn chặt, rồi bế đứa cháu mới hơn 2 tháng tuổi của mình ra ngoài.
Nghị (áo hồng) nán lại với gia đình, chờ đến lúc đưa quan tài bé lên xe. Ảnh: Diệp Phan |
Đó là cháu ngoại của bà, đã mất sau một thời gian điều trị. Cả nhà chỉ còn vài trăm ngàn đủ tiền đi xe đò về An Giang, họ không còn tiền thuê xe riêng đưa đứa trẻ về. "Tui phải quấn cháu kỹ trong giỏ, bởi sợ nhà xe biết, đuổi xuống dọc đường", Nghị nhớ lại lời bà cụ.
Dù đã quen làm thiện nguyện, tiếp xúc nhiều hoàn cảnh khó khăn từ thời còn sinh viên, Nghị vẫn sốc. Anh quay mặt đi lau nước mắt. "Thời buổi này, vẫn còn những gia đình không có nổi vài triệu để thuê xe chở thi hài con, cháu mình về quê sao!"
Nghị trấn an bản thân và bà cụ, rồi gom góp từ bạn bè cộng với tiền túi, thuê một chiếc xe đưa bé về An Giang ngay trong đêm. Đó là 'chuyến xe an nghỉ' đầu tiên của Nghị, mở đầu cho chuỗi chuyến đi về khắp các tỉnh miền Tây, lên Tây Nguyên, ra miền Trung và thậm chí là miền Bắc sau này.
"Mỗi lần nhận được điện thoại từ phòng công tác xã hội báo có người cần giúp xe về quê, bất kể lúc nào Nghị cũng có mặt, kể cả nửa đêm", bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng 1, chia sẻ.
Có khi 5-7 ngày mới có một cú điện thoại, nhưng có ngày có 2 ca cần giúp, vì thế Nghị lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng.
Ngoài vận động 10 triệu tặng gia đình chuyến xe, Nghị còn xin thêm một chiếc quan tài nhỏ tặng em bé. Ảnh: Diệp Phan |
Gia đình, bạn bè từng nói anh "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", bởi mức lương văn phòng chỉ giúp Nghị đủ lo cho bản thân và cha mẹ. Anh không buồn, mà bảo "nếu thời gian rảnh gặp bạn bè, tụ tập ăn uống, đi chơi cũng tốn tiền, thay vì vậy dành thời gian và số tiền đó đi giúp những hoàn cảnh khó khăn hơn".
Nghị cũng chưa nghĩ tới việc lập gia đình, bởi sợ khi đó không còn đủ thời gian cho những chuyến xe an nghỉ. "Tôi chỉ ước mình có một ông anh trai để chia sẻ gánh nặng gia đình, khi đó chắc tôi chỉ đi làm từ thiện thôi", anh chia sẻ.
2 năm qua, cũng có những chuyến xe khiến anh buồn, bởi có những người không thật sự khó khăn. Lại có những lần Nghị thấy xúc động khi người nhà trả lại số tiền anh tặng: "Họ dúi lại tiền vào tay tôi và nói: 'Cậu để dành cho các bé sau'". Mới đây, chuyến xe về miền tây dừng lại ở một ngôi nhà rách nát, tưởng chừng mưa đến thì không còn chỗ trú thân. Người nhà khi về đến chạy quanh mượn được 500 nghìn tặng tài xế. Bác tài không nỡ nhận tiền, gia đình ra chuồng gà, gói hơn chục trứng gà gửi tặng tài xế và Nghị.
"Hưng Yên lần này có lẽ là chuyến đi xa nhất", Nghị lẩm bẩm, không quên dặn dò tài xế lái xe cẩn thận, bởi quãng đường lần này hơn 1.600 km.
Xem điện thoại, thấy con số quyên góp lên 9 triệu 400 nghìn đồng, Nghị lập tức đăng lên trang cá nhân dòng chữ "Đã nhận đủ tiền, xin mọi người ngưng chuyển khoản". "Thiếu thì mình bù vô", anh nói.
Rồi anh trao cho cha em bé 10 triệu đồng và nói rõ đây là số tiền quyên góp được từ cộng đồng. "Chúc gia đình và em bé bình an về đến quê nhà", Nghị lúng túng không biết nói thêm gì. Người cha cầm tiền nhưng gương mặt thẫn thờ, mắt rưng rưng, chỉ nói được hai từ: "Cám ơn!".
Đúng 11 giờ trưa, bé gái quê Hưng Yên được gia đình cho khâm liệm. Cặp vợ chồng cầm tay nhau nhìn Nghị nghèn nghẹn như muốn nói cám ơn lần nữa. Xe lăn bánh, tiếng còi cấp cứu vang lên, đưa em bé về quê.
"Chuyến xe an nghỉ là điều tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại", Nghị nói rồi nổ máy trở về nhà, dáng anh hòa vào dòng người trên đường.
Diệp Phan
Người đông con nhất TP.HCM tặng trẻ mồ côi 100 tỉ: Thuyết phục gia đình
Ông Bùi Công Hiệp (62 tuổi, ngụ phường Long Trường, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh) đã làm thủ tục tặng 2500m2 đất và căn ... |
Quán cơm chay 0 đồng đắt khách giữa trưa nắng Sài Gòn
Giữa trưa, được trao một hộp cơm, các cụ ông cụ bà miệng cười tươi, dùng hai tay nhận. |