Người sót lại của Tràng Sòi

Tràng Sòi (Quảng Trị) từng có 40 hộ dân nhưng người ta lần lượt bỏ đi vì không chịu nổi cảnh sống thiếu thốn, khắc nghiệt. Tràng Sòi bây giờ trên giấy tờ có 5 hộ, nhưng thực tế chỉ còn 1 hộ.

Những ngày mưa gió, chẳng ai dám vào Tràng Sòi (xã Triệu Ái, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Mà có muốn vào cũng chẳng được vì đường nhão nhoẹt bùn đất. Ở đó, chẳng có nước, điện, chỉ vài mái nhà lúp xúp, đóng cửa im ỉm, nằm lạc lõng giữa đồi núi mênh mông. Muốn có ai đó trò chuyện phải tới điểm duy nhất: nhà ông thôn trưởng với tên họ ngắn gọn Nguyễn Các.

Thôn 1 hộ dân

Hồi xưa mới lên, cực như rứa mà tôi còn chưa bỏ nữa là

Ông Nguyễn Các

Sự tồn tại của thôn Tràng Sòi được ghi rõ trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Ái. Đây là 1 trong 3 thôn kinh tế mới (cùng với Liên Phong và Trung Long) thành lập năm 1992 thuộc dự án kinh tế mới Tây Triệu Phong, với mục đích từng bước hình thành các điểm dân cư mới, thực hiện trồng rừng phủ trống đồi trọc. Ngày đó, 40 hộ dân từ

2 xã đồng bằng chật chội là Triệu Độ và Triệu Thuận (H.Triệu Phong) dắt díu nhau lên vùng bán sơn địa này để lập nghiệp, mơ gầy dựng cuộc sống mới.

nguoi sot lai cua trang soi

Tuy nhiên, sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền và những nỗ lực của người dân như muối bỏ bể. Cây rừng ở Tràng Sòi vẫn mọc lên xanh tốt, cao lớn nhưng cái cực, cái khổ lại không chịu buông bỏ mảnh đất này. Chủ tịch UBND xã Triệu Ái bây giờ, ông Đặng Sỹ Dũng, thừa nhận rằng sau 25 năm Tràng Sòi vẫn là vùng đất đi lại cách trở, y tế, giáo dục vẫn chưa được chăm lo, điện nước không có... Mà có xa xôi gì, tính theo đường chim bay, Tràng Sòi chỉ cách trung tâm xã Triệu Ái 10 km và cách địa giới TP.Đông Hà vỏn vẹn 6 km. “Đó là câu chuyện có yếu tố lịch sử”, ông Dũng thở dài.

Nên thật dễ hiểu khi người dân Tràng Sòi lần lượt bỏ về quê cũ hoặc sống kiểu “một cảnh hai quê”, “chân đồi chân ruộng”. Giấc mơ lập nghiệp không đủ lãng mạn để họ tiếp tục bám giữ với cảnh sống quá ngặt nghèo. Nhiều người thậm chí sẵn sàng “hy sinh đời bố”, nhưng ngoảnh lại đâm lo vì con cái họ rồi sẽ học hành ra sao nếu cứ bám trụ chốn này. Năm 2000, Tràng Sòi chỉ còn 15 hộ. Từ năm 2012 đến nay, trên danh nghĩa sót lại 5 hộ nhưng thực chất chỉ mỗi gia đình ông Các bám trụ.

Người “vác tù và” lạ lùng

“Ông già gân” Nguyễn Các năm nay đã 72 tuổi, đủ trải nghiệm để biết mình muốn gì và sống như thế nào, sống ở đâu. Thế mà ông vẫn chọn Tràng Sòi để ở lại, cùng vợ và con.

Trước khi làm con dân Tràng Sòi, ông Các từng chọn vùng đất dữ dội không kém để lập nghiệp: vùng Tân Độ nay thuộc TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa). Ông cùng với hàng ngàn hộ dân Triệu Phong ngược lên vùng biên viễn xây dựng kinh tế mới những năm sau 1975. Ngày đó, khu vực này là bình địa, nhưng dưới vài tấc đất lại chi chít bom đạn. Đã có nhiều người tử nạn chỉ sau vài nhát cuốc... Ông Các không chết ở đất này nhưng cũng có trải nghiệm kinh hoàng và mất đi 1 con mắt sau nhát cuốc định mệnh vướng vào quả mìn hồi năm 1983. Tưởng rằng mình đã trở thành phế nhân, ông trở về quê hương Triệu Độ, kiếm con tôm, con tép nơi dòng Thạch Hãn cho qua ngày. Nhưng cũng chỉ được mấy năm, năm 1992, ông Các lại thủ thỉ với vợ để gồng gánh lên Tràng Sòi với một giấc mơ đổi đời nhờ rừng.

Thế mà cũng đã ngót chục năm, ông Các ngồi vào cái ghế trưởng thôn kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn Tràng Sòi dù thôn này lúc đông đủ nhất cũng chỉ có 5 hộ, còn khi hẻo nhất thì thôn trưởng chỉ quản lý mỗi... gia đình mình. Vậy mà ông vẫn hóm hỉnh “khoe” rằng các hộ trong thôn đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia không thiếu bất kỳ hoạt động gì. “Công việc của tôi rất nhàn hạ, phần vì trong thôn quá ít nhân khẩu, phần bà con ý thức và có thu nhập nhờ vào rừng. Mỗi lần báo tin có việc hoặc đóng góp các khoản, tất cả đều rất đầy đủ”, giọng ông Các pha chút tự hào.

"Nhân sự" Tràng Sòi xem ra khá gọn ghẽ. Ngoài trưởng thôn Các kiêm trưởng ban mặt trận với phụ cấp 1,5 triệu đồng/tháng, một công an viên tên Phong (đã về tạm trú ở thôn Hà Xá gần QL1) phụ cấp 1,1 triệu đồng/tháng, chị Ba tổ trưởng tổ phụ nữ kiêm chi hội trưởng nông dân thôn hưởng phụ cấp 450.000 đồng/tháng. Để “làm gương” cho 4 hộ còn lại, ông thôn trưởng Các chăm chỉ làm kinh tế. Còn nhớ, khi nhiều hộ dân Tràng Sòi lũ lượt về quê cũ, vợ con nhấp nhổm không yên, vậy mà “ông già gân” trưởng thôn vẫn bình chân như vại, thản nhiên bổ những nhát cuốc khai hoang nơi mảnh đất cằn. Lúc chỉ còn mỗi gia đình mình "sót" lại, ông vẫn động viên vợ con hãy cứ chăm vào mảnh rừng, ruộng vườn và đeo đuổi những ý tưởng, dự án nông nghiệp xem nuôi con gì, trồng cây gì hợp với đất Tràng Sòi...

Người tiên phong của xã Triệu Ái đưa măng bát độ về trồng không ai khác chính là trưởng thôn Các. Ông Đặng Sỹ Dũng xác nhận trưởng thôn Các còn giỏi trồng tràm, cao su, trồng rừng có chứng chỉ FSC (tiêu chuẩn rừng quốc tế do Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp), mới đây lại còn trồng thêm dứa... Nhiều bằng khen về sản xuất giỏi, quản lý bảo vệ rừng tốt... đã xác tín thôn trưởng Các như một “lão nông tri điền” chính hiệu trong mắt người dân. Nhiều người tìm đến ông để nghe lời khuyên hay tham khảo kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Gặp thôn trưởng Các tại trụ sở UBND xã Triệu Ái hồi đầu tháng 11 khi ông vừa băng rừng ra trung tâm xã tham gia bàn kế hoạch triển khai ngày hội đoàn kết toàn dân, nhận ra trong ông vẫn cuồng nhiệt mối lo cho tập thể dù thôn chỉ có 5 hộ trên danh nghĩa. Chỉ kịp rũ vội đôi ủng dính đất đỏ lòm, quệt mồ hồi trên trán, ông khoe: “Thôn tôi ít người nhưng chất lượng, ngày hội đoàn kết nào cũng vui vẻ và văn minh”. Hỏi liệu có bỏ Tràng Sòi mà đi không, ông Các cười phá lên: “Hồi xưa mới lên, cực như rứa mà tôi còn chưa bỏ nữa là. Sướng tới nơi rồi, bao nhiêu dự định của tôi ở Tràng Sòi chỉ lo không đủ sức làm”.

Gần lại với Tràng Sòi

Xã Triệu Ái có diện tích tự nhiên gần 11.000 ha, thì Tràng Sòi đã chiếm đến 4.000 ha, chủ yếu là đất rừng, lại giáp ranh với H.Cam Lộ và có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo Chủ tịch UBND xã Đặng Sỹ Dũng, Tràng Sòi hiện đang được chính quyền quan tâm đặc biệt trong xây dựng cơ sở hạ tầng, khác với trước. “Khi đường, điện vào tới thôn thì Tràng Sòi sẽ thu hút dân cư đông đúc. Đang triển khai đường điện vào thôn, mong sớm có dự án đường giao thông thuận lợi nữa. Được như rứa thì không lâu tới, Tràng Sòi từ xa hóa gần”, ông Dũng kỳ vọng. Riêng ý định sáp nhập 3 thôn (Liên Phong, Trung Long, Tràng Sòi) vẫn đang để ngỏ, vì vẫn chưa đủ 200 hộ để thành lập thôn theo quy định mới.

nguoi sot lai cua trang soi Lấn biển, băm nát làng chài

Thời gian qua, làng chài Hàm Ninh, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang bị băm nát để mở nhà hàng, quán nhậu và xây công ...

nguoi sot lai cua trang soi Cuộc sống không điện nước của xóm miền Tây ở Sài Gòn

Nhiều năm nay, xóm của dân ngụ cư từ miền Tây lên Sài Gòn làm rẫy vẫn sống trong những căn chòi, chịu cảnh không ...

/ Thanh niên