Người phụ nữ kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2.9.1945 qua đời ở tuổi 95

Bà Lê Thi - người phụ nữ kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2.9.1945 đã qua đời tại nhà riêng ở tuổi 95.

Ngày 29.8, thông tin từ gia đình bà Lê Thi (người phụ nữ kéo cờ trong ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945 - PV), do tuổi cao, bà Lê Thi đã từ trần hồi 7h50, ngày 28.8.2020 tại Nhà riêng ở tuổi 95.

Tang lễ bà Lê Thi được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) từ 9h30 đến 10h45 thứ Ba ngày 1.9.2020. Sau đó thi hài bà được điện táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội) và đưa về an táng tại nghĩa trang xã Phú Minh (Sóc Sơn, Hà Nội).

Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa (SN 1926, bí danh là Lê Thi). Bố của bà là nhà giáo nổi tiếng, Hiệu trưởng Trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm.

Bà Lê Thi trong một lần trao đổi với PV Lao Động về ngày lễ Quốc khánh 2.9.1945. Ảnh T.Vương
Bà Lê Thi trong một lần trao đổi với PV Lao Động về ngày lễ Quốc khánh 2.9.1945. Ảnh T.Vương

Năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), dù được cha định hướng đi theo ngành sư phạm song bà Lê Thi lại sớm giác ngộ, tham gia cách mạng.

Công việc của bà là cùng với Đội Phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng. Đôi khi bà còn đóng vai trò là người thu thập tin tức về các trận đánh cho báo đưa tin.

Trước buổi lễ 2.9.1945 diễn ra khoảng 1 tuần, bà Lê Thi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề để chờ đến ngày trọng đại.

Mặc dù buổi chiều mới đến giờ tập trung làm lễ, nhưng từ 9h sáng ngày 2.9.1945, bà Thi đã cùng với khoảng 100 phụ nữ, đi bộ qua Cửa Nam, xuống đường Điện Biên Phủ để tiến vào Quảng trường Ba Đình.

Vào ngày tuyên bố độc lập 2.9.1945, bà Lê Thi đi trong đoàn của phụ nữ Liên khu I. Bà đi ở ngoài hàng ngũ, tay cầm gậy để giữ trật tự, chân đi giày bata trắng, mặc áo dài, quần trắng, vừa đi vừa hô khẩu hiệu để chị em hô theo.

Bà Lê Thi vinh dự được là người phụ nữ kéo cờ trong Lễ tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945. Vào ngày lễ trọng đại đó, có một người con gái kéo cờ cùng với bà là một nữ du kích người Tày. Cô du kích người Tày áo chàm, quần bó cạp và cô nữ sinh Hà Nội áo dài quần trắng, đại diện cho phụ nữ Kinh và phụ nữ miền núi.

Hai người không quen nhau, không biết tên nhau, cùng hồi hộp, lo lắng, làm sao kéo lá cờ đỏ sao vàng lên chói lọi trong một ngày trọng đại của dân tộc. Sau đó những người đã cùng kéo cờ trong ngày độc lập lịch sử chia tay nhau, không biết tên ai là gì.

Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mãi đến năm 1989 họ mới gặp lại nhau. Người phụ nữ dân tộc Tày ngày ấy chính là bà Đàm Thị Loan, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, bà Lê Thi vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước.

Bà Lê Thi còn bảo vệ thành công nhiều đề tài khoa học về bình đẳng giới. Tổ chức các chương trình thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia. Bà là nguyên Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam (Ủy ban Khoa học xã hội - Nhân văn Quốc gia).

Vương Trần

Nghi lễ thượng cờ ngày Quốc khánh 2/9 ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Nghi lễ thượng cờ ngày Quốc khánh 2/9 ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thời tiết ngày Quốc khánh 2/9: Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, cả nước mưa to Thời tiết ngày Quốc khánh 2/9: Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, cả nước mưa to
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 5 trong ngày Quốc khánh 2/9 Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 5 trong ngày Quốc khánh 2/9

/ laodong.vn