Người nhập cảnh được giám sát ra sao trong cơ sở lưu trú, khách sạn?

Thời gian qua, số ca mắc mới tại Việt Nam hầu hết là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Mới đây, 2 nhân viên của khách sạn Mường Thanh phải cách ly do tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 từ nguồn nhập cảnh, sau đó là vụ việc cách ly người nhập cảnh tại Quảng Ninh khiến tỉnh này phải rà soát, điều tra và lập danh sách toàn bộ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với SARS -CoV-2.

Hai sự việc trên là những hồi chuông báo động việc kiểm soát khu vực cách ly người nhập cảnh, không đảm bảo khi quy trình kiểm tra không đồng bộ, lực lượng chức năng không sử dụng đồ bảo hộ để kiểm tra dẫn tới 1 trường hợp kết quả dương tính khiến cả chục người khác bị cách ly theo.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, về nguyên tắc, những nhân viên tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) phải giữ khoảng cách, đồng thời phải đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt khi tiếp xúc với những người cách ly ở khách sạn.

5905 cach l 1580643953705623167769

“Thời gian qua, có những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về nhưng chưa có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngay mà phải qua 2-3 lần xét nghiệm mới có kết quả dương tính. Vì vậy, không ai đảm bảo trong quá trình họ tiếp xúc mà không lây cho người khác. Bên cạnh đó, những người trong khu cách ly bị lây chéo của những người đã dương tính. Như vậy cũng có hiện tượng chủ quan và cũng ảnh hưởng tới đối tượng đang làm trong các cơ sở lưu trú”- BS Thái nêu rõ.

Vì vậy, theo TS Phạm Quang Thái, kiểm soát và quản lý chặt chẽ những người nhập cảnh tại các khách sạn, cơ sở lưu trú phải là công việc thường xuyên. Bên cạnh đó, phải có những quy trình để tự nhân viên kiểm tra, giám sát lẫn nhau, nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân họ và phải có một đơn vị bên ngoài giám sát.

“Theo điều kiện hiện tại, nếu chỉ ngành y tế thực hiện giám sát sẽ không đáp ứng được đầy đủ mà chắc chắn phải có thêm các đơn vị khác như công an, quân đội, chính quyền địa phương để việc giám sát chặt chẽ, cẩn thận hơn. Bản thân những người giám sát cũng phải được tập huấn kỹ về phòng chống dịch. Khi họ có kiến thức về phòng chống dịch, kỹ năng về giám sát mới đảm bảo phòng chống dịch an toàn”- BS Thái cho biết.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Huy Nga- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, trước hết, việc nhập cảnh, cách ly, theo dõi sức khỏe người nhập cảnh, các đơn vị cần phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, trong khi, chờ một quy trình chính thức được ban hành.

Từ việc xét nghiệm, yêu cầu xét nghiệm bên nước họ ra sao? rồi đến khâu cách ly, vận chuyển từ địa điểm nhập cảnh đến khu cách ly... theo PGS Nguyễn Huy Nga, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, không thể có kẽ hở nào. Khi chuyến bay có bệnh nhân dương tính, mặc dù những người khác trước đó cũng đã được cách ly, nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ cả chuyến bay đó. Khi cách ly tại khách sạn cũng phải tuân thủ các quy định về tiếp xúc, không để ra vào tự do, nhân viên khách sạn tiếp xúc sai quy định... là rất đáng lo ngại.

“Theo tôi phải nhắc nhở những cá nhân, đơn vị vi phạm quy định. Vì hiện nay, ngay việc không đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng cũng đã bị phạt, nói gì những khu vực cách ly, nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh cao như vậy? Bộ Y tế đã chỉ đạo nơi nào sai phạm thì xử phạt nơi đó, vì vậy, phải hết sức nghiêm khắc. Nếu như những người tiếp xúc mặc bảo hộ đầy đủ, tuân thủ quy định thì dịch bệnh sẽ không thể lây lan được”- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thẳng thắn nói.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, tính đến 6h ngày 8.11, Việt Nam có tổng cộng 1.213 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước và 522 ca mắc từ nguồn nhập cảnh, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe lên tới 14.064 người, trong đó 209 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 12.926 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 929 người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế địa phương, đặc biệt là các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với Bộ, ngành liên quan để giám sát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam và tăng cường giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, y tế cơ sở trong công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời và theo dõi sau cách ly...

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sẽ lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch ở các địa phương, trong đó có việc tự đánh giá các cơ sở an toàn như cơ sở y tế an toàn, trường học an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà máy công sở an toàn.

PV (th)

Thêm 2 ca COVID-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Việt Nam Thêm 2 ca COVID-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Việt Nam
Trung Quốc tạm dừng nhập cảnh với công dân nước ngoài đi từ Ấn Độ Trung Quốc tạm dừng nhập cảnh với công dân nước ngoài đi từ Ấn Độ
Sáng 6/11, Việt Nam có 3 mắc COVID-19 nhập cảnh từ nước ngoài Sáng 6/11, Việt Nam có 3 mắc COVID-19 nhập cảnh từ nước ngoài

/ Nghề nghiệp và cuộc sống