Người mua thay đổi quan niệm, vàng mã cúng rằm tháng 7 ế ẩm

Không như mọi năm, đồ vàng mã cúng rằm tháng 7 năm nay ế ẩm hơn hẳn, nguyên nhân chính là do người mua đã không còn chuộng đốt như trước.

Rằm tháng 7 (còn gọi là Tết Vu lan) hằng năm luôn là dịp mà các mặt hàng vàng mã được mua bán tấp nập nhất. Với quan niệm "trần sao âm vậy", không ít người rất cầu kỳ trong việc mua sắm đồ lễ cho "người âm". Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, tình hình năm nay hoàn toàn khác. Tại phố Hàng Mã, Hà Nội, nơi tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh đồ cúng lễ, không khí khá trầm lắng, dù chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày rằm.
Theo quan sát, dễ dàng nhận thấy còn rất ít cửa hàng bán đồ vàng mã. Thay vào đó là các cửa hàng bày bán đồ phục vụ Tết Trung thu. Nhiều tiểu thương tại đây tiết lộ, người dân giờ đã quan niệm khác, không còn chuộng mua sắm "hàng khủng" cho ngày lễ Vu lan nữa nên nhu cầu mua sắm giảm hẳn. "Nhiều người bây giờ cho rằng đốt vàng mã là lãng phí, gây mất vệ sinh môi trường. Hơn nữa, báo hiếu cha mẹ, tổ tiên là phải từ tâm, chứ không chỉ là mua sắm lễ lớn. Do đó, ngày càng ít người sắm vàng mã cầu kỳ như trước", một chủ quán nói.
Các mặt hàng vàng mã đồ sộ, "xa xỉ" trước kia như ôtô, biệt thự, xe máy... không còn nhiều nữa. 
Thay vào đó, chỉ còn những món hàng đơn giản như quần áo, giày dép, với giá khá phải chăng, tầm từ 40.000 - 200.000 đồng/bộ.
Thay vào việc đốt vàng mã thì nhiều người năm nay lại có xu hướng lên chùa để cúng rằm tháng 7. Điều này khiến nhu cầu mua quần áo phật tử nhiều hơn hẳn so với ngày thường.
  Chị Lan, chủ một cửa hàng chia sẻ: "giới trẻ giờ cũng rất chuộng áo phật tử khi lên chùa nên những bộ quần áo này rất hút khách. Tôi bán hàng quanh năm nhưng tháng 7 âm lịch là đông khách nhất , nhiều bạn trẻ còn đặt hàng cho cả nhóm luôn". Giá bán mỗi bộ quần áo dao động từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Trong lễ Vu Lan, những món đồ ăn chay luôn là mặt hàng bán chạy. Nắm bắt được xu hướng của thị trường, thời điểm này, nhiều cửa hàng đồ ăn chay tại Hà Nội giới thiệu những mâm cỗ chay phong phú, đa dạng.
Tuy là cỗ chay nhưng giá tiền không hề thua kém những mâm cỗ sang trọng bình thường. Giá mỗi mâm từ 600.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Do dịp lễ Vu Lan năm nay diễn ra vào ngày giữa tuần nên rất nhiều gia đình bận công việc, vì thế dịch vụ nấu cỗ chay càng được ưa chuộng. Nhiều cửa hàng cho biết, đến thời điểm này, họ đã "khóa sổ" không nhận khách nữa vì quá tải. 
 Bên cạnh vàng mã và đồ ăn chay thì hoa quả cũng là mặt hàng được tiêu thụ lớn trong dịp lễ sắp tới. Do đây là món đồ không thể thiếu để thờ cúng gia tiên. Theo ghi nhận của PV thì trên các tuyến phố Hà Nội, xuất hiện dày đặc các sạp bán hoa quả.
Giá cả những món hàng này đã tăng nhẹ so với thời điểm trước. Tuy vậy, khách hàng vẫn mua rất đông.
Hoa tươi cũng là mặt hàng đã tăng giá trong thời gian này. Cụ thể hoa cúc vàng có giá 7.000 đồng/bông, hoa hồng giá 10.000đồng/bông... Nhiều tiểu thương cho biết, hoa tăng giá nhẹ không chỉ là do nhu cầu của người tiêu dùng cao trong dịp Tết Vu lan mà còn do các làng trồng hoa vừa trải qua một đợt nắng nóng khiến lượng hoa giảm mạnh.

 

Bài cúng rằm tháng 7 tại nhà theo Tập văn cúng gia tiên
Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng 7
Bài cúng Rằm tháng 7 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
/ vtc.vn