Cuộc sống của những người dân di cư tự do ở những cánh rừng Tây Nguyên được ví nhưng những “ngọn đèn mong manh trước gió”. Không hiểu biết về pháp luật, họ gặp khó khăn rất nhiều trong việc ổn định nơi ở.
Đem cả gia tài ra... đánh cược
Căn nhà sàn thấp khom khom của ông Sùng Xè Cho (tiểu khu 286 xã Cư M’Lan) được làm bằng đủ thứ vật liệu: từ gỗ, tấm tôn đến cây lồ ô đập nhỏ. Có nghĩa là, cứ vớ được cái gì có thể dựng nhà là ông mang về lắp ghép lại.
Nhìn bề ngoài, căn nhà lắp ghép có vẻ to nhất khu tái định cư nhưng thực chất, nó chả thấm vào đâu so với số nhân khẩu đang trú ngụ bên trong.
Ông Sùng Xè Cho và mảnh giấy viết tay mua 3ha đất giá 120 triệu. Ảnh: K.G
Nhà ông Cho rất đông người gồm vợ chồng ông, vợ chồng anh con trai, vợ chồng cô con gái cùng sinh sống, thêm 3 đứa cháu nội ngoại đang tuổi ăn tuổi lớn. Mỗi chỗ ngủ trong nhà ông chỉ cách nhau đúng một… tấm vải mỏng.
Hiện, tình trạng di dân tự do, tự ý mua bán đất ở Tây Nguyên không chỉ khiến cho chính những người dân tự do phải “khóc dở, mếu dở”. Tình trạng này còn khiến đại ngàn bị khai thác một cách vô tổ chức, nguy cơ hạn hán, lũ lụt trong tương lai gần sẽ làm cho đời sống của người dân ở đây thêm bộn bề khổ sở.
Nhà ông Cho là một gia đình người Mông đặc sệt. Tuy đã di cư vào Tây Nguyên hơn 10 năm, nhưng những phong tục tập quán của người Mông ở Hà Giang thế nào thì ông Cho vẫn duy trì y như vậy ở nơi ở mới. Nhìn đàn gà, đàn lợn vẫn thuần giống Mông, ông Cho phấn khởi khoe: “Lên đây rồi phải mang chúng đi theo chứ, nhìn mọi con vật vẫn y hệt ở quê, nên không cảm thấy nhớ nhà nữa”.
Nhưng, khi đề cập đến diện tích đất 3ha của gia đình ông mới mua được để canh tác, ông Cho đưa tôi xem một mảnh giấy viết tay, ông nói: “Đây, chúng tôi mua của ông Đạt, có phải ai cũng mua bán đất được đâu, chúng tôi nghe ông Đạt nói ông ấy là người nhà của cán bộ UBND xã nên mới bán được. Mà thực ra, ông ấy chỉ đứng tên hộ thôi, chứ đất mà chúng tôi mua phải là đất của cán bộ thì mới tin tưởng được”.
Cũng theo ông Cho, số tiền 120 triệu đồng được gia đình ông tích cóp cả đời. Trong đó, ông Cho phải vay ngân hàng 40 triệu đồng, tháng nào cũng phải trả lãi. Nhưng, nói về tính pháp lý của mảnh đất mình mua, ông Cho bần thần: “Chỉ biết nhà ông Đạt (người bán đất) ở ngoài thị trấn chứ cụ thể ở chỗ nào thì chịu”.
Cũng trong tình trạng mua bán đất bằng giấy viết tay, ông Lý Seo Cồ (78 tuổi) nói: “Con tôi nó bảo về ở thì về ở thôi. Khi dựng nhà chính quyền tới bảo là dựng nhà trái phép không cho làm, rồi phạt 1,5 triệu đồng. Nộp xong, chúng tôi cứ liều tiếp tục dựng nhà để ở vì cũng không biết đi đâu mà làm nhà nữa”.
"Con tôi bảo về ở thì về ở thôi. Khi dựng nhà chính quyền tới bảo là dựng nhà trái phép, không cho làm, rồi phạt 1,5 triệu đồng. Nộp xong, chúng tôi cứ liều tiếp tục dựng nhà để ở vì cũng không biết đi đâu mà làm nhà nữa”.
Ông Lý Seo Cồ
Ông Cồ cũng cho hay, ở đây dân cư đông nên cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều các nơi khác. Nếu vào mùa trồng cây thì đi trồng cây, còn không thì đi làm thuê chặt mía, làm cỏ, đốn cây. Ông Cồ giải thích: “Người ta giàu thì cần sức, còn mình thì chỉ cần kiếm đủ ăn nên cũng dễ hơn rất nhiều. Nhưng, trẻ con thì khổ quá! Không trường, không lớp, cuộc sống không có điện cũng không có nước sạch, tương lai chúng mờ mịt lắm, chẳng nói trước được điều gì?”
Chính quyền lúng túng
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 103 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu ồ ạt tập kết về Tiểu khu 286 xã Cư M’Lan, làm cho chính quyền từ xã đến huyện vô cùng lúng túng.
Trong báo cáo được chủ tịch UBND huyện Ea Súp ký có nêu rõ: UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo ráo riết các ngành chức năng huyện triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng, tuyên truyền phá dỡ lều trại, hoa màu, tuy nhiên tình trạng dân di cư ngày một tăng.
Không những thế, lãnh đạo huyện đã từng chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức làm việc với từng hộ dân tự ý khai hoang, mua bán đất tại Tiểu khu 286. Không ít vụ việc đã được thiết lập hồ sơ, xử lý về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, bảo vệ rừng, an ninh chính trị.
Ông Phạm Văn Dông - Phó Chủ tịch xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp tỉnh Đăk Lăk). Ảnh: K.G
Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Dông - Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’Lan cho biết: “Hiện nay xã rất lúng túng, khó xử đối với tình hình bà con di cư “đổ bộ” về đây. Vừa qua, đại diện cho các hộ dân đã viết đơn xin thành lập thôn, lấy tên là Bình An. Xã cũng đã báo cáo lên huyện, nhưng xét tình hình phức tạp huyện đã không đồng ý để họ thành lập thôn. Xã đã 2 lần tổ chức cưỡng chế, tuyên truyền và vận động bà con nhưng bà con vẫn kiên quyết không trở về địa phương cũ. Nhiều người không nói được tiếng phổ thông nên cũng rất khó để truyên truyền cho họ hiểu được...”.
Đến xứ sở đại ngàn Gia Lai để quên hết bao muộn phiền
Gia Lai nổi tiếng với vẻ đẹp đậm chất núi rừng hoang sơ, nơi mà khách du lịch có thể cảm nhận được vẻ đẹp ... |
Sắc xuân ở bản người Mông
Khác với người Kinh và đồng bảo dân tộc khác, người Mông ăn tết vào mùng 1 tháng Chạp. Người Mông là một trong những ... |