Các cơ sở kinh doanh ở Hong Kong tuyên bố đóng cửa để thể hiện đoàn kết và ủng hộ cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ sang Trung Quốc.
Người Hong Kong xuống đường biểu tình hôm 9/6. Ảnh: Reuters. |
Đại diện hơn 100 cơ sở kinh doanh ở Hong Kong bao gồm nhà hàng, tiệm cà phê, cửa hàng bán camera, bán đồ chơi, tiệm làm móng, phòng tập yoga, thậm chí là cửa hàng giải trí cho người lớn, sáng nay tuyên bố sẽ đồng loạt đóng cửa vào ngày 12/6.
Trước đó, họ đã tổ chức một chiến dịch trên mạng xã hội với từ khóa "Đình công 612", ám chỉ ngày 12/6, ngày dự luật dẫn độ sang Trung Quốc được đưa ra tranh luận tại cơ quan lập pháp Hong Kong. Hành động đóng cửa tiệm hàng loạt này nhằm thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ phong trào biểu tình phản đối dự luật.
Đa số các cơ sở kinh doanh này có quy mô nhỏ, theo kiểu cha truyền con nối và là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Hong Kong. Trước đây, họ ít khi tham gia vào các hoạt động chính trị trên đường phố.
"Hong Kong được xây dựng bởi mồ hôi nước mắt của ông cha chúng tôi", chủ phòng tập yoga có tên Meet Yoga viết trên Instagram. "Một Hong Kong mất tự do, tại sao chúng ta không xóa tên nó hoàn toàn khỏi bản đồ và gọi nó là Trung Quốc?"
Cô chủ một cửa hàng bán hoa tham gia đình công cho biết mình chỉ là người bình thường không biết nhiều về chính trị và dễ hài lòng với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng bày tỏ rằng "chính trị thực ra ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống".
Luật sư Michael Vidler cho hay ông đã đồng ý cho 12 nhân viên văn phòng luật của mình nghỉ làm vào ngày mai để "hành động theo lương tâm" và tham gia đình công. Hơn 1.600 nhân viên hàng không đã ký bản kiến nghị kêu gọi công đoàn đình công, trong khi hiệp hội lái xe buýt cho hay họ khuyến khích nhân viên lái xe thật chậm vào ngày mai để ủng hộ biểu tình. Một số giáo viên, y tá, nhân viên xã hội cũng khẳng định sẽ tham gia đình công.
Dự luật sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" khiến người Hong Kong bức xúc và đổ xuống đường biểu tình hôm 9/6. Tuy nhiên, cuộc biểu tình bị giải tán vào sáng 10/6 và giới lãnh đạo Hong Kong tuyên bố sẽ không trì hoãn hoặc rút lại dự luật.
Các nhóm biểu tình khẳng định sẽ tổ chức tuần hành vào sáng 12/6 trước trụ sở cơ quan lập pháp, dù chưa rõ có được cảnh sát cho phép hay không. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm nay cảnh báo biểu tình không đem lại lợi ích gì cho thành phố.
"Tôi kêu gọi các trường học, phụ huynh, các nhóm xã hội, doanh nghiệp và công đoàn xem xét cẩn thận, việc thực hiện những biện pháp kích động như thế này có lợi gì cho xã hội và thanh niên Hong Kong", bà đặt câu hỏi.
Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc năm 1997 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được quyền duy trì một hệ thống pháp lý riêng biệt, độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên cũng không ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào.
Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Nhiều người gọi đây là động thái thân Bắc Kinh và bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Hồng Hạnh (Theo AFP)
Tương lai của Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua
Dự luật có nguy cơ khiến Hong Kong mất sức hấp dẫn với giới tài chính, trong khi người dân lo ngại về ảnh hưởng ... |
Vị thế đặc biệt của Hong Kong lung lay vì dự luật dẫn độ
Dự luật dẫn độ, nguyên nhân của cuộc biểu tình lịch sử ở Hong Kong hôm 9/6, có thể tổn hại đến môi trường kinh ... |