Không chỉ phục hồi thành công nhiều mũ của các vị vua và nhiều quan lại triều Nguyễn, ông Lộc còn là nghệ nhân cuối cùng theo đuổi công việc làm mũ Mã Vĩ đã thất truyền gần 100 năm.
Ông Vũ Kim Lộc vốn là một gương mặt quen thuộc trong giới đồ cổ ở TP.HCM. Không chỉ say mê với những cổ vật, ông còn được biết đến là đồng tác giả của cuốn sách “Hồi sinh” viết về câu chuyện phục hồi 4 mũ vua triều Nguyễn.
Nhưng ít ai biết, ông chính là nghệ nhân cuối cùng của nghề làm mũ Mã Vĩ đã thất truyền từ những năm 1930.
Cơ duyên với nghề làm mũ Mã Vĩ
Cơ duyên đưa ông Lộc đến với nghề làm mũ Mã Vĩ rất tình cờ. Ban đầu, ông vào TP.HCM lập nghiệp bắt đầu bằng nghề thợ bạc. Nhưng đam mê thật sự của ông lại là đồ cổ, nhất là các tác phẩm mỹ thuật.
Theo lời ông Lộc, nghề làm mũ Mã Vĩ vốn có nguồn gốc từ Hà Nội, tồn tại từ hàng ngàn năm nay theo chiều dài lịch sử dân tộc.
Nhưng từ gần 100 năm trước, một con phố mang tên Mã Vĩ tại Hà Nội vốn sầm uất với nghề làm mũ dần biến mất đi. Nghề làm mũ Mã Vĩ cũng thất truyền từ đó.
Ông Lộc với việc phục hồi những chiếc mũ triều Nguyễn. (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Làm mũ Mã Vĩ là nghề mà người thợ thủ công lấy lông đuôi ngựa làm nguyên liệu chính, cùng các chất liệu khác để thêu và thao, tạo nên mũ vua, quan lại ngày xưa.
Tôi thường chú ý đến những trang trí mỹ thuật trên các bức tượng cổ, đặc biệt là phần mũ miện của các bức tượng ấy. Tôi tìm trong các bức tranh, ảnh ngày xưa còn lưu lại, tham khảo thêm sách và tài liệu để xây dựng cho mình những tư liệu về mũ mão. Rồi đam mê thấm dần vào máu và cuộc sống của tôi lúc nào không hay", ông Lộc chia sẻ.
Trải qua thời gian dài tìm hiểu, những gì liên quan đến mũ mão đều được ông ghi lại để hình thành một kho dữ liệu về mũ miện, đặc biệt của triều Nguyễn.
“Nghề này độc đáo ở chỗ là sự kết hợp nhuần nhuyễn của đa ngành nghề với rất nhiều kỹ thuật, mỹ thuật truyền thống.
Tôi đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn một số mẫu mũ miện, những dạng thức, các kiểu mũ xưa của giới vua chúa và quan lại qua nhiều thời kỳ của lịch sử Việt Nam để viết một quyển sách có tên Mũ miện của triều Nguyễn", ông Lộc nói.
Câu chuyện phục hồi 4 mũ vua triều Nguyễn
Hơn 10 năm trước, trong lần tình cờ, một nhà sưu tập đồ cổ ở TP.HCM đưa cho ông chiếc mũ bằng vàng của vua Chăm nhờ phục hồi. Chiếc mũ lúc này chỉ còn lại một mớ mảnh vàng được chạm khắc, còn phần cốt mũ đã mục.
Sau đó, một hội đồng khoa học được thành lập để nghe ông Lộc trình bày về phương án phục hồi mũ. Qua nhiêu lần mày mò nhưng thất bại, cuối cùng chiếc mũ của vua Chăm cũng được ông Lộc phục hồi thành công, làm hài lòng tất cả hội đồng khoa học.
Những chiếc mũ vua khi ông Lộc nhận chỉ còn là mớ hỗn độn, vo nát, rời rạc. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Từ thành công bước đó, ông bắt đầu được nhiều nhà nghiên cứu biết đến. Rồi một ngày ông bất ngờ khi được các vị lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đề nghị phục hồi 4 chiếc mũ của các vị vua triều Nguyễn.
Chia sẻ về cảm xúc khi nhận được đề nghị phục hồi lại mũ vua, ông Lộc cho biết rất ngỡ ngàng và xúc động. “Lúc đó 4 chiếc mũ được đựng trong 2 túi, tất cả các loại hình trang trí bằng vàng và đá quý trên mũ đều bị tháo rời, vo cuộn lại.
Không những vậy, các loại hình hài bị gãy nát, cốt mũ không có, chỉ còn lại một mớ hỗn độn với hơn 2000 chi tiết vàng, bạc, châu báu lẫn với đất và chất thải của mối. Tôi hơi thấy bàng hoàng và lo lắng trước công việc mình nhận, bởi lần phục hồi này rất trọng đại”, ông Lộc nói.
Những ngày thực hiện công việc phục hồi là khoảng thời gian ông mất ăn mất ngủ. Sự lo lắng và căng thẳng khiến ông toát mồ hôi, nhiều lúc muốn bỏ cuộc.
2 trong 4 chiếc mũ được ông Lộc phục hồi thành công. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sau hơn 11 tháng ròng rã thực hiện việc phục hồi, 4 vương miện triều Nguyễn nguy nga, lộng lẫy, sống động được hồi sinh thành công.
Sau đó ông còn nhiều lần được tin tưởng giao nhiệm vụ phục hồi nhiều mũ của các quan lại khác của triều đình nhà Nguyễn.
Hiện nay ông đang mở rộng phạm vi việc nghiên cứu mũ mão của mình tại nhiều thời kỳ khác nhau của vương triều Nguyễn.
Cho dù có nhiều khó khăn, nhất là về tư liệu, hiện vật hầu như rất hiếm, nhưng ông Lộc luôn quyết tâm theo đuổi công việc này, với mong muốn giữ và phục hồi được một nghề xưa của cha ông nay đã thất truyền.
“Tôi chỉ mong các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục có cách gì để tiếp tục duy trì cái nghề độc đáo này. Và tôi cũng rất mong mình có cơ duyên tìm được người học trò tâm huyết để nghề mũ mã vĩ, sau khi tôi chết đi, sẽ không trở thành dĩ vãng", ông Lộc chia sẻ.
Kẻ chăn trâu kiệt xuất nhất triều Nguyễn và bài học cho hậu thế
Dù có lúc công danh sự nghiệp rơi vào bước đường cùng, bằng ý chí, nghị lực, Đào Duy Từ đã phát huy tài năng ... |
Ba lăng tẩm những vị vua triều Nguyễn nổi tiếng
Các lăng tẩm vua Khải Định, Minh Mạng hay Tự Đức ở Thừa Thiên Huế đều mang những nét kiến trúc riêng biệt, đồ sộ ... |
Vụ án tù nhân nổi loạn gây chấn động thời vua Minh Mạng
Năm 1837, một viên quan đã bị trị tội thắt cổ khi để xảy ra việc 42 tù nhân gây bạo loạn, đánh binh lính, ... |