Người Hội An sống chung với lũ

Xếp gọn đồ đạc đưa lên tầng hai, mua mì tôm dự trữ, người dân xã Cẩm Kim, TP Hội An, trong tâm thế sẵn sàng sống chung với lũ.

Chiều 8/10, con đường trước nhà ông Lữ Văn Thương, 57 tuổi, ở thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, ngập hơn nửa mét. Phía sau nhà, nước sông Thu Bồn đục ngầu cuồn cuộn đổ về xuôi, tràn vào làng.

4151 14
Chiều 8/10, ông Thương buộc chiếc ghe sau nhà để sử dụng khi lũ lên cao. Ảnh: Đắc Thành.

Toàn xã Cẩm Kim nằm men theo sông Thu Bồn và là một trong những nơi thấp nhất ở thành phố Hội An. Để tránh lũ, đồ đạc trong nhà ông Thương được xếp gọn, khi nào nước mấp mé nền nhà thi sẽ chuyển lên gác.

Ông Thương dự đoán trận lũ này không lớn, vì mưa từ đêm 6/10 nhưng không có gió. Các trận lũ trước, gió từ ngoài biển thổi vào mạnh, đẩy nước biển vào cửa sông và ngăn lũ từ đất liền chảy ra. Đợt này không có gió, nước chảy từ sông ra biển dễ dàng. Các thủy điện thượng nguồn sông Thu Bồn cũng chưa xả lũ.

Tuy vậy, ông Thương vẫn để sẵn chiếc ghe sau nhà, sẵn sàng khi lũ về. "Sống trong vùng rốn lũ Hội An, chúng tôi đã quen. Nước dâng vào nhà thì lên tầng hai ở. Đồ đạc được dọn theo kiểu cuốn chiếu, nước đến đâu thì dọn đến đó", ông nói và cho hay trường hợp có bão kết hợp với lũ thì cả nhà sơ tán.

Cách nhà ông Thương 100 m, anh Đỗ Văn Ba lội nước ngập tới đầu gối ra chợ mua thực phẩm, gồm 20 quả trứng gà, túi mì tôm và nước mắm để chuẩn bị sống chung với lũ. Gia đình có năm người ở trong căn nhà hai tầng nên không di dời.

"Đây là không phải lũ bất thường nên không lo lắm, vì chỉ có mưa mà không có gió bão", anh Ba nói. Có năm lũ vào nhà gần 10 lần nên mọi người đã quen.

4155 15
Anh Ba lội nước lũ ra chợ mua thực phẩm sử dụng trong những ngày mưa lũ kéo dài. Ảnh: Đắc Thành.

Trong thôn Trung Hà nhà nào không xây hai tầng thì có gác lửng để tránh lũ; nhà không có thì đi ghe thuyền sang nhà bên cạnh ở nhờ chờ nước rút.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng, Chủ tịch xã Cẩm Kim, cho biết có 150/1.054 hộ trên địa bàn đang bị ngập nước. Trong đó, hơn 20 hộ đã di dời sang nhà hàng xóm vì nước ngập sâu.

Hiện trung tâm TP Hội An chỉ có đường Bạch Đằng bên sông Hoài nước ngập sâu hơn nửa mét, một số đường khác ngập 20 cm. Tuy nhiên, người dân vẫn sớm thu dọn tài sản, hàng hóa lên cao phòng tránh.

Trên đường Nguyễn Thái Học, anh Đình Thành Long, chủ tiệm buôn bán áo quần cùng vợ mua hàng chục túi bóng loại lớn. Hai người gom hàng hóa cho vào đóng chặt và đưa lên gác. "Đợt lũ cuối năm 2018, nước lên nhanh trở tay không kịp, gây thiệt hại nặng. Lần này tôi phải nhanh chóng thu dọn hàng", anh Long nói.

Nhiều tuyến đường Hội An ngập trên 30 cm được lực lượng chức năng chốt chặn không cho người dân và du khách qua lại. Chính quyền nghiêm cấm ghe thuyền, ca nô, trừ trường hợp làm nhiệm vụ đi lại trên sông.

4159 16
Đường Nguyễn Phúc Chu nằm bên sông Hoài ngập 30 cm chiều 8/10. Ảnh: Đắc Thành.

Mực nước lũ ở Hội An chiều nay đã lên 1,4 m, dưới báo động 2 là 0,9 m. Dự báo đêm nay, lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt đỉnh. Trong đó, lũ trên sông Thu Bồn có khả năng 1,6 m, vượt báo động 2 là 0,1 m.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP Hội An, cho biết đã chuẩn bị phương án sơ tán dân ở vùng trũng. Chính quyền và người dân ở các khu vực như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Thanh Hà, Minh An, Sơn Phong cũng đã sẵn sàng sống chung với lũ.

11 người chết và mất tích, hơn 10.000 dân phải sơ tán do mưa lũ tại miền Trung 11 người chết và mất tích, hơn 10.000 dân phải sơ tán do mưa lũ tại miền Trung

Đến chiều tối 8/10, mưa lũ tại khu vực miền Trung làm 11 người chết và mất tích, hơn 10.000 dân phải sơ tán.

Mưa trắng trời, Huế cho học sinh nghỉ học, thuỷ điện tăng cường xả nước Mưa trắng trời, Huế cho học sinh nghỉ học, thuỷ điện tăng cường xả nước

Trước tình hình mưa lớn dồn dập, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học và yêu cầu 2 thủy điện ...

/ vnexpress.net