Khi Hà Nội lần đầu công bố 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, "khí xả thải từ ôtô, xe máy" là thủ phạm đầu tiên được liệt kê.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh chất lượng không khí thủ đô ngày càng tồi tệ, kéo dài liên tục, bắt đầu từ giữa tháng 9. Đó cũng là thời điểm Châm - một nhân viên truyền thông ở Hà Nội - nghiến răng đi làm bằng taxi công nghệ, sau những ngày bầu trời mờ đục như sương giăng.
Cô mất hơn trăm nghìn cho quãng đường 22 km hai lượt đi và về, từ nhà ở Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) đến cơ quan ở Lê Đức Thọ (Bắc Từ Liêm). Nếu đi xe máy, cô phải đánh vật hàng tiếng đồng hồ, vặn mỏi tay ga, chống chân không đếm xuể để luồn lách, tức ngực trước năm làn ôtô dàn hàng ngang cùng tiến. Chen chúc giữa dòng xe cộ, Châm thấy "thở thôi cũng mệt". Chuyển sang đi taxi, sợ mùi, trên tay cô lúc nào cũng lăm lăm chiếc khẩu trang y tế. "Tốn tiền, nhưng ít ra có thể thở được", cô nói.
Từ 2008 - 2018, lượng phương tiện cá nhân ở Hà Nội đã tăng khoảng ba lần. Click để xem biểu đồ. Ảnh: Ngọc Thành. |
"Năm 2011 - 2015, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến, tỷ lệ mắc gia tăng. Các tác nhân gây bệnh đáng kể là khói bụi do khí thải từ các loại xe và bụi mịn trong không khí", Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài Nguyên và Môi trường viết.
Quá trình đốt nhiên liệu xăng, dầu diesel từ động cơ khi phương tiện giao thông vận hành sản sinh ra cacbon monoxit (CO), oxit nito (NOx), lưu huỳnh dioxit (SO2), hơi xăng dầu (Cn Hm, VOCs ), bụi PM10, bụi đường (TSP)... Đây đều là các thành phần gây ô nhiễm không khí.
Xe máy chủ yếu phát thải các chất CO, VOC, TSP. Còn ôtô là thủ phạm chính sinh ra SO2, NO2. Trong khí thải có CO, có thể gây ngạt thở với nồng độ cao. Chất NO2 gây xơ hoá phổi, dễ diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Khí độc NOx không tốt cho những người có tiền sử về hô hấp.
Tỷ lệ phát thải các chất gây ô nhiễm do phương tiện cơ giới đường bộ toàn quốc. Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2013. |
Ông Hùng, chủ cửa hàng đá lạnh ở Cầu Giấy có một con "bình bịch sáu không": không gương, không đèn, không xi-nhan, không yếm, không biển kiểm soát, không giấy tờ. Phía sau xe, Hùng chế thêm một cái thùng sắt đựng đá. Chiếc xe lướt trên phố vài chục lượt mỗi ngày từ Nghĩa Tân đến Phạm Hùng. Tần suất chạy sẽ gấp đôi ba lần vào mùa nóng. Sau lần đề máy, tiếng con bình bịch nổ giòn "ngang ngửa công nông". Thi thoảng từ miệng ống bô xả những luồng khói đen ngòm khiến người đi sau vội bịt mũi.
"Con xe trông bẩn bẩn thế thôi, chứ chạy khỏe phết. Quan trọng là công an chẳng bao giờ bắt loại này", Hùng nói.
"Cảnh sát giao thông gần như không thể xử lý được trường hợp xe máy, ôtô xả khói đen trên đường. Vì việc này không chỉ cảm nhận bằng mắt thường được mà phải có dụng cụ, máy đo các chỉ số ô nhiễm", đại diện Cục Cảnh sát Giao thông nói. Lực lượng chưa được trang bị máy móc để làm việc này.
Hà Nội hiện có hơn 2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000, song cơ quan quản lý các cấp đều "bó tay" khi xử lý phương tiện này. Ảnh: Ngọc Thành. |
Hai năm trước, khi "không khí Hà Nội đã ở mức báo động đỏ", thành phố cũng xác định ô nhiễm phần lớn đến từ nguồn xả thải ôtô, xe máy. Lãnh đạo thành phố khẳng định địa bàn đang có "2,5 triệu xe máy hết hạn sử dụng trước năm 2000". Chính quyền cố gắng thông qua đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào kỳ họp HĐND tháng 6/2017, tiến tới thu hồi xe máy quá đát vào đầu năm 2018. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, Hà Nội đã bỏ nội dung này khỏi đề án do "còn nhiều vấn đề".
Không chỉ Hà Nội, đề án kiểm định toàn bộ xe máy cũ nát để kiểm soát độ an toàn và khí thải ra môi trường của Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông Vận tải) cũng gặp vướng mắc "mưu sinh của người dân" nên chưa được Chính phủ thông qua. "Xe cũ nát, không thể thu hồi hoặc xử lý mạnh tay vì chưa có quy định pháp lý cụ thể", ông Trần Anh Quân, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm cho biết.
Việt Nam hiện chỉ có quy định về khí thải và niên hạn với ôtô. Xe máy chiếm số lượng lớn lại chưa có chế tài quản lý cụ thể, không có niên hạn sử dung. Cơ quan kiểm định chỉ kiểm tra đầu ra với xe xuất xưởng, gồm lượng khí thải cùng các tiêu chuẩn khác, đạt thì cấp chứng nhận sử dụng.
Trong quá trình hoạt động, ôtô thường thải lượng lớn các chất: CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen... vào không khí. Ảnh: Ngọc Thành. |
Các thanh tra giao thông vận tải - cơ quan được phép xử phạt xe xả khói vượt quá quy định cũng bị vướng mắc khi xử lý. Họ không có phương tiện kiểm tra và kiến thức chuyên sâu về khí thải. Hồi tháng 10, lực lượng của thanh tra giao thông và đăng kiểm mở đợt tổng kiểm tra tại các bến xe để kiểm soát ô nhiễm khí thải. Cuộc kiểm tra chưa đầy 100 xe trong tổng số 6,6 triệu phương tiện cơ giới đang lưu hành tại thủ đô. Trong số 94 trường hợp kiểm tra quy chuẩn về khí thải, phát hiện 4 trường hợp vi phạm và phần lớn là xe tải. Quy định hiện hành mỗi phương tiện vi phạm về khí thải bị phạt 1,4 triệu đồng và buộc chủ phương tiện đưa xe vào xưởng duy tu, bảo dưỡng và đi kiểm định lại để đảm bảo an toàn kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường mới được tiếp tục tham gia giao thông.
"Xe buýt, ôtô cũng xả đầy đấy thôi, có phải mỗi xe máy đâu", Hùng xẵng giọng, nói về những thủ phạm nhả khói đen trên đường.
Trong khi chờ các cấp có thẩm quyền tìm hướng xử lý, mỗi ngày trôi qua, Hà Nội lại có thêm 1.000 phương tiện được đăng ký mới. Con "bình bịch" của Hùng vẫn tiếp tục tung hoành trên phố giao đá lạnh. Còn Châm vẫn sẽ ra đường trên taxi với chiếc khẩu trang dày cộm.
Bá Đô - Thái Mạc
Nhà cao tầng ở Hà Nội “mất hút” trong sương mù dày đặc
Sáng 17/12, chất lượng không khí tại Hà Nội tiếp tục ở mức "Rất xấu". Những toà nhà cao tầng như "mất hút" giữa màn ... |
Đâu là nguyên nhân chính sản sinh ra bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội?
Theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn không khí ô nhiễm thường được sản sinh ra từ ... |
Hà Nội ô nhiễm: Cấm than tổ ong có phải là giải pháp?
Người tham gia giao thông dễ dàng cảm nhận được tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội những ngày vừa qua. |