Tôi hỏi thăm người mẹ có đứa con khi nổi cơn vác mẹ ném thẳng vào tường, bà chỉ mong nó "đừng làm gì quá tay để mình sống mà nuôi nó".
Tôi hỏi thăm người mẹ có đứa con khi nổi cơn vác mẹ ném thẳng vào tường, bà chỉ mong nó "đừng làm gì quá tay để mình sống mà nuôi nó".
Hầu hết người có bệnh tâm thần không nhận thức được sự bất thường của mình. Đó là lý do người bị ảnh hưởng nặng nhất của bệnh lại là gia đình họ.
Minh, một thanh niên cùng điều trị chung cơ sở y tế với người nhà tôi, nhiều lần bế mẹ cậu, ném thẳng vào tường khi lên cơn bực tức. Xóm giềng chứng kiến người mẹ chưa đầy 50 kg rơi như quả bóng trước sức lực của cậu con trai 19 tuổi, cao gần 1,8 mét.
Bình thường Minh lầm lì, không nói không rằng, phụ mẹ bán quán cơm bụi. Ai nói gì cậu chỉ cười. Bác hàng xóm vẫn hay chọc Minh, sao chưa lấy vợ, sao vẫn ăn bám mẹ, hay hôm nay xấu trai, đẹp trai... Cho tới một hôm, đang ngồi xem tivi, người đàn ông thấy lạnh toát dưới cổ. Minh đứng ở phía sau, túm tóc, kề con dao thái thịt vào cổ người đàn ông hàng xóm hay đùa.
Cuộc giải cứu mất hàng chục phút với đủ mọi ngọt nhạt của mẹ cậu và mọi người, Minh mới chịu buông dao. Được người ta mách, mẹ cậu đưa Minh đi khám ở trung tâm y tế quận, nơi tôi gặp mẹ con cậu.
Minh có nhiều biểu hiện của bệnh tâm thần nhưng bác sĩ không thể vào các trung tâm y tế tập trung bởi không có bằng chứng "gây hậu quả nghiêm trọng với cộng đồng", và trình trạng bệnh cũng chưa đủ nặng, theo bác sĩ. Giải pháp duy nhất và quan trọng nhất với cậu là phải uống thuốc đều mỗi ngày và sống trong môi trường an hòa.
May thay, từ ngày uống thuốc, cậu thuần tính hơn hẳn, cần mẫn phụ mẹ việc bán cơm, hay cười với mọi người, trò chuyện ôn tồn với bác sĩ khi đến trung tâm y tế.
Nhưng với người mẹ thì không. Mỗi lần tôi hỏi thăm, mắt bà lại dâng lên nỗi niềm không thể bày tỏ, "không biết kiếp trước tôi làm gì sai, chỉ mong Trời cho tôi ráng sống".
Thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới căng thẳng. Ba triệu người trong đó bị rối loạn tâm thần nặng.
Chỉ phần nhỏ trong ba triệu người đó đang được điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần. Phần đông còn lại hiện đang được điều trị tại nhà với sự hỗ trợ của các trạm y tế phường, xã bằng việc cấp phát thuốc định kỳ như Minh.
Việc điều trị tại nhà được đánh giá là tốt hơn cho người bệnh tâm thần so với việc điều trị tập trung. Được sống giữa vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình khiến bệnh dễ thuyên giảm. Chưa kể, việc điều trị tại gia giảm bớt gánh nặng ngân sách, gia tăng kết nối gia đình, giúp người bệnh không còn cảm giác bị phân biệt, bỏ rơi.
Quy định hiện hành của Bộ Y tế và Bộ Lao động thương binh và xã hội, ở trung tâm y tế mỗi huyện, quận, xã có một cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cộng đồng, người mắc bệnh tâm thần tới khám sẽ được cấp thuốc.
Tôi thử hỏi vài người, không ai biết có "cán bộ tâm thần" trực trách tại địa phương mình. Nếu người nhà có vấn đề về tâm thần, họ cũng không sẵn sàng đưa người thân đến bệnh viện tâm thần vì xấu hổ, chỉ khi không còn đường nào khác. Có những người vẫn nhờ thầy cúng "cắt người âm đi theo", tiền mất tật mang mà bệnh càng trở nặng.
Nghị định 64/2011 quy định, việc bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức khi có hành vi vi phạm Luật Hình sự. Đặc biệt, sau khi đưa đi chữa bệnh bắt buộc, sức khỏe ổn định, đối tượng sẽ được trở về gia đình nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn điều 21, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chính khoảng trống pháp lý giữa quy định về việc điều trị tại nhà và tại cơ sở tập trung khiến có những bệnh nhân bỏ uống thuốc theo đơn của bác sỹ, bỏ nhà đi lang thang, gây ra những tai nạn đáng tiếc cho chính họ, bị lợi dụng, lạm dụng, phụ nữ tâm thần bị hãm hiếp có thai... Và chính họ, trong những cơn bệnh, gây nguy hiểm cộng đồng. Chị nhân viên quét rác mới bị tử vong do một kẻ cho là có vấn đề về tâm thần tấn công bằng gạch chỉ là một trường hợp đau lòng.
Theo Liên Hợp Quốc, gom nhốt người thiếu căn cứ pháp lý là vi phạm nhân quyền. Vì chưa có quy định chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần nếu họ "chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội"; bên cạnh đó, Việt Nam chưa có khái niệm đầy đủ bao gồm các tiêu chí cụ thể và thống nhất về "tâm thần", nên việc xác định ai mắc bệnh tâm thần hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các bác sĩ và cơ sở y tế.
Nhưng ngay cả khi bác sĩ kết luận cần đưa một người vào trại tâm thần, vẫn cần phải có sự xác nhận và đồng ý của chính quyền địa phương và gia đình.
Quy trình tưởng chặt mà lỏng trên chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ người tâm thần trong cộng đồng tại Việt Nam cao hơn nhiều nước. Cũng vì khe hở này, nhiều người đã giả tâm thần, lợi dụng hình thức này để trốn án phạt tù và thực hiện các hành vi phi pháp.
Dường như tất cả đều đang làm đúng. Bộ Y tế, Bộ Lao động thương binh và xã hội vẫn đang khám và điều trị cho các bệnh nhân tâm thần nếu họ được đem đến cơ sở y tế, gia đình có người bệnh vẫn cố gắng chăm sóc người thân.
Nhưng, nếu người bệnh không đến nhận đủ, nhận đúng thuốc và uống đúng lịch thì sao? bệnh nhân tâm thần hôm nay chưa gây ra chuyện đau lòng nhưng ai biết được ngày mai? Mức độ gia đình tự quản đến đâu, đều không có quy định. Và thực tế của chuyện "tự quản", ta không khó để bắt gặp những người tâm thần lang thang. Có khi là một cô gái quần áo rách rưới, tóc tai rối bù. Có lúc lại là thanh niên móc rác để ăn. Một ông bà cụ chỉ trỏ, nói lảm nhảm những điều không ai hiểu, mắt nhìn hư không.
Vì thế, nếu các quy định để phát hiện, điều trị và quản lý người tâm thần như hiện nay, tôi e vẫn còn những nỗi đau do người có bệnh "quên chưa uống thuốc" chực chờ, cho chính người bệnh và những người vô tội khác.
Bố trí mạng lưới nhân viên y tế chuyên trách về sức khỏe tâm thần tại mọi đơn vị phường, xã; đồng thời thiết lập lại bộ nhiệm vụ, chức năng chi tiết hơn để họ tham gia nhiều hơn với gia đình trong việc giúp đỡ người có vấn đề tâm thần là việc có thể làm ngay. Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện sinh hoạt được cho là còn bất cập của các cơ sở điều trị tâm thần là một chính sách nhân văn, giúp cộng đồng không coi bệnh viện tâm thần là nơi đáng ngại.
Xung quanh ta, còn biết bao người phải chịu nỗi đau không may có người thân bất thường. Bất hạnh của họ sẽ vơi đi nếu được sự chia sẻ của cộng đồng, sự cải thiện thực chất hơn của chính sách y tế công cộng về sức khỏe tinh thần.
Một xã hội đáng sống đơn giản là nơi ai cũng có cơ hội được làm người bình thường.
Hoàng Anh Tú
(Tên nhân vật trong bài đã thay đổi)