Người đi đường vẫn ngang nhiên phạm luật là do bị bắt ít quá

Mức phạt rất cao nhưng nhiều người vi phạm bị bỏ sót, từ đó sinh ra nhờn luật; 2 lần đi sai không bị phạt thì sẽ có lần thứ n, thành “văn hóa” giao thông lệch lạc.

Sau hơn ba tháng Nghị định 168/2024/NĐ-CP đi vào cuộc sống, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) bắt đầu ghi nhận tình trạng nhờn luật. Đi qua các tuyến đường nội đô vào giờ cao điểm hay thậm chí cả giờ thấp điểm, không khó để bắt gặp hình ảnh ô tô đi vào làn khẩn cấp hay đường cấm. Xe máy len lỏi, lấn làn, leo cả lên vỉa hè để “né” tắc đường, thậm chí phóng bạt mạng, vượt đèn đỏ như chốn không người.

Cảnh tượng hỗn loạn ấy không chỉ tạo nên một môi trường giao thông thiếu an toàn mà còn phản ánh thái độ coi thường pháp luật một cách đáng ngại.

Các quy định pháp luật đã đủ nghiêm khắc, đó là điều chắc chắn. Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định rõ ràng các mức xử phạt với từng hành vi vi phạm, từ việc không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ cho tới những lỗi nghiêm trọng hơn như lái xe khi đã sử dụng rượu bia, đi ngược chiều, gây tai nạn…

Nhiều mức phạt được đánh giá là rất cao. Thực tế thời gian đầu Nghị định 168 có hiệu lực, bộ mặt giao thông hoàn toàn thay đổi, trật tự thay thế cho hỗn loạn, đó là bằng chứng cho thấy phạt nặng là cách rất hiệu quả; các chế tài hiện hành đủ sức răn đe nếu được thực hiện nghiêm túc.

Không muốn dừng đèn đỏ, một tài xế (trong vòng đỏ) vòng qua lối khác, quay đầu xe đi ngược chiều dẫn tới xung đột giao thông. (Ảnh: Viên Minh)

Không muốn dừng đèn đỏ, một tài xế (trong vòng đỏ) vòng qua lối khác, quay đầu xe đi ngược chiều dẫn tới xung đột giao thông. (Ảnh: Viên Minh)

Tại sao tình trạng nhờn luật diễn ra nhanh đến vậy? Nguyên nhân chính là việc thi hành luật vẫn chưa đủ chặt chẽ, đồng bộ và thường xuyên. Số trường hợp bị xử lý cực lớn, nhưng vẫn có nhiều người vi phạm bị bỏ sót.

Những người vi phạm một lần nếu không bị xử lý sẽ có lần thứ hai, nếu vẫn không sao thì chắc chắn sẽ có lần 3 và cứ thế tiếp diễn đến lần thứ n, trở nên hành động vô pháp cứ như thể các quy định không hề tồn tại.

 

Dần dà, điều sai trái bị coi là bình thường, hành vi phạm luật dần trở thành một phần trong phản xạ giao thông hằng ngày, tạo thành “văn hóa giao thông” lệch lạc hằn sâu vào nhận thức và dẫn dắt hành động.

Ai cũng thấy rõ những đợt cao điểm ra quân kiểm tra, xử phạt của lực lượng chức năng tạo ra một số chuyển biến tích cực; nhưng đáng tiếc là những chuyển biến ấy thường chỉ mang tính ngắn hạn. Sau mỗi đợt kiểm tra rầm rộ, khi lực lượng chức năng rút quân hoặc giảm cường độ, người đi đường lại “rơi vào vết xe đổ”.

Tâm lý “ra quân thì sợ, hết đợt thì lại vi phạm” vẫn luôn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Kèm theo đó là suy nghĩ “quy định vậy thôi chứ phạt hết làm sao được, đen mới bị”.

Phản ứng của người đi bộ sai luật khi bị xử phạt những ngày gần đây cũng cho thấy tâm lý này. Quy định xử phạt người đi bộ vi phạm đã có từ lâu, đến khi CSGT “làm thật” thì nhiều người tỏ ra bất ngờ, ngỡ ngàng như thể... lần đầu nghe đến quy định đó. Điều này chứng tỏ, quy định pháp luật nếu chỉ có trên văn mà không được thực thi nghiêm khắc thì người dân sẽ “nhờn”, sẽ coi là “luật để đó”, không mấy bận tâm.

Việc xử phạt cần được duy trì thường xuyên, không chỉ trong những đợt cao điểm mà phải là một phần trong công tác quản lý giao thông hàng ngày. Cần xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm linh hoạt, đa dạng.

Đặc biệt, phải ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn nữa, từ hệ thống camera giám sát giao thông đến việc dùng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu hành vi vi phạm. Quan trọng nhất, phải tạo được sự nhất quán trong xử lý, để bất kỳ ai cũng đều nhận thức được rằng “đã có quy định, có chế tài thì người vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý”.

Chỉ khi nào mọi cá nhân trong xã hội hiểu rõ và thấm nhuần rằng vi phạm luật giao thông dù là nhỏ nhất cũng đều phải trả giá, thì khi đó luật pháp mới thật sự đi vào đời sống, và văn hóa giao thông văn minh mới có cơ hội hình thành một cách bền vững.

https://vtcnews.vn/nguoi-di-duong-van-ngang-nhien-pham-luat-la-do-bi-bat-it-qua-ar936132.html

Phạm Vinh / VTC News