Một cảnh thường thấy thời gian gần đây là những dòng người xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng thực phẩm và các trung tâm trợ giúp ở Milan - Thủ đô tài chính của Italia. Tác hại của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế ngày càng trở nên sâu sắc trước Giáng sinh 2020.
Người dân Milan, Italia xếp hàng chờ phân phát thực phẩm |
Những hàng người chờ cứu trợ
Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên và ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Sau khi các ca nhiễm gia tăng trở lại sau mùa hè, nền kinh tế vốn trì trệ tiếp tục bị giáng một đòn mạnh khi Italia phải đóng cửa để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Ông Luigi Rossi, Phó chủ tịch nhóm cứu trợ địa phương Pane Quotidiano, cho biết, số người xếp hàng chờ hỗ trợ ngày càng kéo dài ở bên ngoài trung tâm ở phía Nam Milan. “Trong lần bùng phát mới này, số người tới đây đã tăng lên. Chúng tôi chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng này càng kéo dài thì càng có nhiều cần trợ giúp”, ông Rossi nói.
Ngay cả ở Milan giàu có và vừa có đợt bùng nổ về bất động sản trước đại dịch, cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng sâu sắc khi các bộ phận lớn của nền kinh tế ngừng hoạt động. Nhiều người xoay xở không nổi đã phải nhờ trợ giúp tại một thành phố vốn tự hào là đầu tàu kinh tế của đất nước. “Có rất nhiều người giống tôi. Đó là những người nghèo mới”, ông Alberto, 66 tuổi nói. Các hội chợ thương mại vốn đóng góp nhiều vào nền kinh tế trước khủng hoảng của Milan giờ đã đóng cửa, vì thế ông Alberto không có việc làm và đã tìm đến trung tâm trong 5 tháng qua. “Tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà, tôi phải mua thức ăn và mặc dù vợ tôi vẫn đi làm, chi tiêu không thể đủ”.
Giống như các trung tâm do các nhóm từ thiện khác điều hành, Pane Quotidiano, đã hoạt động ở Milan hơn một thế kỷ, vẫn hoạt động bình thường, mở cửa 7 ngày một tuần từ 9h sáng đến 11h tối và xử lý trung bình 800 trường hợp mỗi ngày.
Trong khi chính phủ áp đặt lệnh cấm sa thải và hỗ trợ cho các công ty sa thải công nhân, nhiều người phàn nàn về sự chậm trễ kéo dài trong việc thanh toán. Những người nội trợ, nhân viên vệ sinh, nhân viên nhà hàng và những người khác làm việc không chính thức khác hầu hết không được hỗ trợ. Bà Maria-Rosa Mamone, 76 tuổi đến trung tâm để nhận thức ăn và quà Giáng sinh cho cháu của bà. Với 3 người ở nhà và 600 euro tiền thuê nhà phải trả hàng tháng, gia đình bà sống khá chật vật. “Ít nhất thì tôi có thể đến đây, vì họ có thể cấp miễn phí bánh mì, sữa...”.
Lại lao đao sau đợt dịch thứ hai
Ngày 14-12, Italia đã vượt qua nước Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong đứng đầu châu Âu với hơn 65.000 người thiệt mạng kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 2-2020. Các quan chức thừa nhận, nguyên nhân là do Italia có nhiều công dân cao tuổi, những người đặc biệt dễ bị tổn thương trong đại dịch.
Theo dữ liệu của Eurostat trong năm 2019, Italia có dân số già nhất châu Âu, với 22,8% dân số trên 65 tuổi. Nước này cũng được xếp hạng là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất trên toàn thế giới - 83 tuổi. Các bác sĩ cũng nói rằng mặc dù người Italia sống rất lâu nhưng họ đặc biệt không khỏe mạnh. Một báo cáo năm 2017 của hiệp hội sức khỏe Osservatorio Nazionale cho biết, 71% người trên 65 tuổi ở nước này có ít nhất 2 bệnh nền. Gần một nửa nhóm tuổi này dùng ít nhất 5 loại thuốc khác nhau mỗi ngày.
Các bác sĩ hy vọng rằng sẽ rút được kinh nghiệm sau đợt dịch bùng phát đầu tiên nhưng khi làn sóng thứ hai quét qua cả nước, Stefano Centani, giáo sư về bệnh hô hấp tại Đại học Milan, cho biết tỷ lệ tử vong vẫn tăng cao. “Chúng ta đang phải trả giá trong 20 năm hoặc có thể hơn thế nữa khi liên tục cắt giảm các nguồn lực y tế ... Khi đại dịch này bùng nổ, mọi vấn đề của chúng ta đều bị phơi bày”, ông Stefano Centani nói. Giáo sư Speranza cũng phàn nàn về việc cắt giảm chi tiêu từ cách đây hơn 10 năm để kiềm chế nợ quốc gia. “Vấn đề lớn nhất là thiếu bác sĩ. Bạn có thể mua khẩu trang, mặt nạ phòng độc và quần áo bảo hộ trên thị trường quốc tế nhưng bạn không thể mua bác sĩ, y tá hay nhân viên y tế”, ông nói.
Trên khắp châu Âu, các chính phủ đã cảnh báo về khả năng gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 dịp nghỉ lễ Giáng sinh. Cả Đức và Hà Lan đều có kế hoạch hạn chế chặt chẽ hơn trong thời gian nghỉ lễ. Chính phủ Italia có thể áp đặt phong tỏa một phần đất nước từ ngày 24-12 đến ít nhất là ngày 2-1, kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm việc đi lại không cần thiết và đóng cửa các cửa hàng, quán bar, nhà hàng vào cuối tuần và ngày lễ, ngoại trừ những người bán các mặt hàng thiết yếu.
(Theo Reuters)
Italy vượt Anh trở thành nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu
Ngày 13/12, Italy ghi nhận hơn 17.900 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên hơn 1,8 triệu người. |
Biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch bệnh ở Italy và Croatia
Trong khi xu hướng đeo khẩu trang để ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 đang ngày càng lan rộng ở nhiều nước, người dân ... |