Người dân bất an khi bờ biển liên tục bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp để gia cố các tuyến bờ biển xung yếu, thường xảy ra tình trạng sạt lở. Tuy nhiên do biến đổi khí hậu, mưa bão diễn biến phức tạp đã khiến nhiều đoạn bờ biển các xã thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến nhà cửa, vườn tược và cuộc sống của người dân vùng ven biển.

Phú Hải là một trong những xã biển của huyện Phú Vang có chiều dài bờ biển 2km. Phần lớn người dân ở địa bàn xã sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển và nuôi trồng, khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang. Toàn xã Phú Hải có hơn 40 tàu cá công suất lớn với nhiều tàu hơn 800CV và 180 tàu thuyền đánh bắt vùng biển bãi ngang. Tuy nhiên, theo phản ánh của ngư dân địa phương, tình trạng bờ biển bị sóng biển xâm thực, gây sạt lở nặng nề đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ra khơi đánh bắt hải sản của bà con ngư dân.

Được cán bộ UBND xã Phú Hải dẫn đường, chúng tôi tìm đến tuyến bờ biển đi qua thôn Cự Lại Bắc của xã này. Tại đây, nhà của 8 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng tình trạng sạt lở chỉ cách bờ biển chưa đến 20m. Lúc chúng tôi đến, nhiều ngư dân đang đẩy ghe, thuyền từ dưới bờ biển lên đồi cát cao để tránh ảnh hưởng của cơn bão số 2. Ngư dân Nguyễn Văn Thìn (ở thôn Cự Lại Bắc) cho biết, toàn thôn có hơn 300 hộ dân chuyên sử dụng ghe, thuyền để đi biển đánh bắt tôm, cá ở vùng biển bãi ngang gần bờ. Nghe dự báo thời tiết có bão số 2 sẽ gây ảnh hưởng, sóng biển dâng cao nên bà con ngư dân phải di chuyển ghe, thuyền lên chỗ cao ráo để đảm bảo an toàn.

Người dân bất an khi bờ biển liên tục bị xâm thực, sạt lở nghiêm trọng -0
Bờ biển ở thôn Cự Lại Bắc, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp khu dân cư.

Nằm cách bờ biển không xa là căn nhà của ông Nguyễn Hương và con trai Nguyễn Đợi. Ông Hương cho biết, trước đây bờ biển cách vườn nhà gần 100m. Thế nhưng những năm qua, sau các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới làm sóng biển dâng cao, xâm thực vào đất liền gây sạt lở đồi cát nghiêm trọng. “Đất đai, cây cối trong vườn tược của gia đình tôi và các hộ dân ở khu vực này đều bị cuốn trôi ra biển. Giờ chỉ còn ngôi nhà này là nơi tá túc của cả gia đình nên chúng tôi rất lo lắng, chỉ mong Nhà nước sớm tạo điều kiện để xây kè dọc bờ biển thì khu dân cư mới đảm bảo an toàn”, ông Hương nói.

Tại tuyến bờ biển thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải cũng sạt lở nghiêm trọng, kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào khu dân cư khoảng 10m. Tại khu vực này, trước đây UBND xã Phú Hải đã thực hiện di dời 2 đợt với 64 hộ dân có nhà cửa nằm trong diện sạt lở để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên đến nay, bờ biển vẫn đang bị xâm thực, sạt lở ăn sâu và khu dân cư, ảnh hưởng đến nhà cửa các hộ dân nằm gần mép bờ biển.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải thông tin, qua kiểm tra, đến giữa tháng 7/2024, địa phương xác định hiện địa bàn toàn xã có tổng chiều dài toàn tuyến biển bị sạt lở gần 2km, ăn sâu vào khu dân cư từ 8-10m. Khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là thôn Cự Lại Bắc và Cự Lại Đông với gần 40 hộ dân bị ảnh trực tiếp do nhà cửa nằm sát bờ biển. “Hiện trên địa bàn xã chưa được đầu tư xây dựng kè biển chống sạt lở nên tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là vào mùa mưa bão hiện nay. Trước thực trạng bờ biển ở địa bàn xã bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND xã đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền quan tâm phân bổ kinh phí để đầu tư xây kè biển nhằm giúp người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng an tâm sinh sống, lao động sản xuất”, ông Nguyễn Minh Hải cho biết thêm.

Còn tại địa bàn xã Phú Diên và xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), bờ biển dọc các khu dân cư cũng xảy ra tình trạng sạt lở, sóng biển cuốn trôi rừng phòng hộ, vườn tược và một số công trình nhà cửa, hàng quán kinh doanh của người dân. Ghi nhận tại bờ biển xã Phú Thuận, đoạn từ thôn Tân An đến Xuân An bị sạt lở với chiều dài hơn 1,4km, ăn sâu vào đất liền 20-30m; đoạn bờ biển giáp ranh xã Phú Hải bị sóng biển xâm thực với chiều dài 180m, ăn sâu vào khu dân cư từ 20-30m. Tại khu vực bãi tắm xã Phú Thuận, bờ biển sạt lở ăn sâu vào một số cửa hàng kinh doanh của người dân với chiều dài 300m, gây ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông và hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, thời gian qua địa phương được đầu tư xây dựng khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng. Hiện còn khoảng 1,9km bờ biển chưa xây kè nên nạn sạt lở vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dânvà hạ tầng giao thông, du lịch trong khu vực. Vì thế chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kè biển ứng phó sạt lở, tạo an cư cho người dân và đảm bảo an ninh quốc phòng xã biên giới biển.

https://cand.com.vn/doi-song/nguoi-dan-bat-an-khi-bo-bien-lien-tuc-bi-xam-thuc-sat-lo-nghiem-trong-i738190/

Anh Khoa / cand.com.vn