Người đàn bà điều hành 6 công ty, cung cấp hóa đơn ‘khống’ cho 17 doanh nghiệp với số tiền hơn 1.200 tỷ đồng

Có 1 tiền án về tội danh liên quan đến gian lận hóa đơn giá trị gia tăng, song Lê Thị Thu Hường sớm tái phạm với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn nhiều lần.

Cơ quan điều tra (Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý, kinh tế, chức vụ) CAQ Hà Đông, Hà Nội đã hoàn tất điều tra vụ ánMua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách; chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND truy tố Lê Thị Thu Hường (SN 1970, trú tại quận Hải An, TP Hải Phòng), về tội Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, quy định tại Khoản 2 Điều 203 Bộ Luật hình sự.

Từ dấu hiệu bất minh

Theo điều tra, ngày 12-12-2023, Cơ quan CSĐT – CAQ Hà Đông nhận được nguồn tin về tội phạm của Chi cục thuế quận Hà Đông về việc Công ty TNHH đầu tư thương mại thép L.K (địa chỉ tại phường Văn Quán, quận Hà Đông) sử dụng hoá đơn GTGT của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế là Công ty TNHH vận tải xây dựng Ánh Dương 86 (địa chỉ tại xã Sài Sơn, Quốc Oai, thành phố Hà Nội).

Bị can Lê Thị Thu Hường

Bị can Lê Thị Thu Hường

Quá trình điều tra xác minh nguồn tin về tội phạm trên, Cơ quan CSĐT – CAQ Hà Đông xác định: đầu tháng 3-2023, do thấy việc mua bán hoá đơn có nhiều lợi nhuận nên Lê Thị Thu Hường đã nảy sinh ý định kiếm tiền bất chính bằng cách mua, thành lập 6 doanh nghiệp để thực hiện việc xuất, bán trái phép hoá đơn GTGT cho các doanh nghiệp có nhu cầu để hợp thức hóa chi phí đầu vào.

Cụ thể, năm 2023, Hường mượn căn cước công dân của Nguyễn Thị Hoà (SN 1968, trú ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng) để đăng ký thành lập Công ty TNHH vận tải xây dựng Ánh Dương 86, và điều hành mọi hoạt động của công ty nhằm mục đích bán hoá đơn GTGT để kiếm lời.

Do Công ty Ánh Dương 86 không có hoạt động kinh doanh, Hường nhờ Nguyễn Thị Hoà đứng tên làm giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty. Công ty Ánh Dương 86 sử dụng tài khoản đăng ký tại ngân hàng BIDV để kê khai thuế, đứng tên Lê Thị Thu Hường. Ngoài ra, Công ty Ánh Dương 86 còn sử dụng tài khoản cá nhân đứng tên Nguyễn Thị Hoà để thu chi nội bộ và sử dụng chuyển tiền hoàn.

Tháng 4-2023, Lê Thị Thu Hường sử dụng căn cước công dân của Nguyễn Thuý Ngà (SN 1972, trú tại Ba Đình, Hà Nội) đăng ký thành lập Công ty TNHH thương mại vận tải Trường Tâm An (địa chỉ Sài Sơn, huyện Quốc Oai); và điều hành mọi hoạt động của công ty nhằm mục đích bán hoá đơn GTGT.

Công ty này cũng do Nguyễn Thuý Ngà đứng tên làm giám đốc, đại diện pháp luật. Hường sử dụng căn cước công dân của Ngà mua sim "rác" và đăng ký mở tài khoản ngân hàng.

Từ cuối tháng 3-2023 đến tháng 6-2023, Lê Thị Thu Hường tiếp tục mua 4 công ty của một người đàn ông không quen biết tên Cường để thực hiện mua bán trái phép hoá đơn, gồm: Công ty TNHH xây dựng vận tải Tuấn Hoàng (địa chỉ tại Sài Sơn, Quốc Oai); do Hoàng Tuấn Anh (SN 1980, quê quán Hải Phòng) đứng tên giám đốc với giá 100 triệu đồng (thanh toán bằng tiền mặt); Công ty TNHH vận tải Lê Lam (địa chỉ Sài Sơn, Quốc Oai), do Lê Thị Nga (SN 1986, quê Hải Phòng) đứng tên giám đốc với giá 100 triệu đồng;

Công ty TNHH đầu tư và thương mại vận tải Tuệ Anh (địa chỉ Sài Sơn, Quốc Oai), do Phạm Thương Thương (SN 1993, quê quán Hải Phòng) đứng tên giám đốc với giá 100 triệu đồng; và Công ty TNHH đầu tư thương mại vận tải Thiên Trang (địa chỉ Sài Sơn, Quốc Oai), do Trịnh Thị Trang (SN 1982, quê quán Hải Phòng) đứng tên giám đốc với giá 100 triệu đồng.

Tinh vi thủ đoạn đối phó

Khi mua bán công ty, đối tượng Cường giao các đồ vật, tài liệu liên quan cho Lê Thị Thu Hường. Bốn công ty vừa thành lập được Hường sử dụng hoá đơn GTGT của Công ty Ánh Dương 86 để xuất khống hoá đơn GTGT, nhằm thể hiện có hoạt động kinh doanh, sau đó các công ty xuất khống hoá đơn GTGT cho nhau để thể hiện có hàng hoá mua vào, mục đích tránh sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Lê Thị Thu Hường đã mua và sử dụng nhiều sim “rác”, điện thoại di động để liên lạc với các đối tượng mua hoá đơn, đối tượng bán công ty. Ngoài ra, Hường lập nhiều tài khoản ứng dụng thông tin liên lạc trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Telegram…Khi bị cơ quan thuế thông báo rủi ro về thuế, bị can lập tức xoá các thông tin trên Web và bán máy tính, điện thoại.

Hường khai thuê 2 người phụ nữ làm kế toán giúp cô ta kê khai, báo cáo thuế và tạo hoá đơn. Hai người này không tham gia giao dịch với khách hàng nên không biết việc Hường có giao dịch mua bán hàng hoá có thật hay không, và bản thân họ, theo yêu cầu của Hường, cũng chưa từng gặp mặt nhau, nhằm tránh việc nhiều người biết, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đổi lại, Hường trả lương mỗi người 8 triệu/tháng.

Kết quả điều tra làm rõ, bị can Hương lập khống 2 doanh nghiệp và mua lại 4 doanh nghiệp gồm: Công ty Ánh Dương 86, Công ty Tuấn Hoàng, Công ty Lê Lam, Công ty Tuệ Anh, Công ty Thiên Trang và Công ty Trường Tâm An.

Với tư cách là người điều hành mọi hoạt động của 6 công ty trên, mặc dù không có hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hoá, Lê Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi bán trái phép 788số hóa đơn GTGT ghi khống hàng hóa, dịch vụ chưa tính thuế là hơn 1.200 tỷ đồng cho 17 doanh nghiệp; thu được số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó Hường sử dụng nộp thuế cho 6 công ty số tiền hơpn 222 triệu đồng; thu lợi bất chính số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Bị can Hường khai chi phí mua 4 công ty và thành lập 2 công ty tổng số 600 triệu đồng (tuy nhiên Hường không xuất trình được tài liệu liên quan đến hạch toán các chi phí); trả lương cho 2 kế toán là 8 triệu đồng/tháng, tổng 6 tháng là 96 triệu đồng. Hường khai nhận thực tế hưởng lợi số tiền hơn 500 triệu đồng từ hành vi bán trái phép hoá đơn, và khắc phục hậu quả số tiền trên.

Bịt những “lỗ hổng”

Có rất nhiều “lỗ hổng” đã bị CQĐT CAQ Hà Đông phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp “bịt”. Tiến hành xác minh tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cơ quan Công an ghi nhận trụ sở cả 6 công ty trên đều không treo biển, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Tiếp đó, 6 cá nhân đứng tên giám đốc khi bị CQĐT triệu tập đều trình bày không tham gia vào hoạt động mua bán trái phép hoá đơn của các công ty. Họ đứng tên giám đốc song thực chất không biết gì về hoạt động của các công ty trên.

Để làm rõ hành vi trốn thuế của Công ty TNHH đầu tư thương mại thép L.K; CQĐT đã có văn bản đề nghị Chi cục thuế quận Hà Đông ra Quyết định thanh tra, kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp này về việc sử dụng 139 số hoá đơn GTGT mua khống của Công ty Ánh Dương 86, Công ty Tuấn Hoàng, Công ty Lê Lam và Công ty Tuệ Anh. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, CQĐT đề nghị Chi cục thuế quận Hà Đông chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT - Công an quận Hà Đông để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn GTGT của 6 công ty do Lê Thị Thu Hường điều hành để kê khai hàng hoá, dịch vụ đầu vào với Cơ quan quản lý thuế, Cơ quan CSĐT - Công an quận Hà Đông đã ra văn bản đề nghị các Cơ quan thuế kiểm tra việc kê khai sử dụng hoá đơn GTGT và xử lý theo quy định.

Theo ANTĐ