Dạo học ở trường, Linh là một khuôn mặt nổi bật. Cũng phải thôi, cái giải nhất văn chương kia ở vào thời điểm ấy là mơ ước khao khát của bất cứ người cầm bút nào.
Khoá 3 Trường viết văn Nguyễn Du (1986-1989) quy tụ khá nhiều anh tài văn chương, đây là lứa nhà văn hậu chiến đóng góp nhiều tên tuổi lớn cho văn đàn Việt Nam. Bảo Ninh viết “Nỗi buồn chiến tranh” cuốn sách thật sự đưa văn học Việt ra khỏi biên giới đất nước tại chính ngôi trường này. Không biết chính xác bao nhiêu phần trăm, tôi nghe kể Thuỳ Linh đã đóng góp một phần nhất định vào thành công của cuốn sách. Chỉ duy nhất Linh là người được đọc những trang bản thảo đầu tiên với những góp ý bạn bè chân thành. Cũng chính Linh là người đặt niềm tin vào cuốn sách. Và nữa, Linh là nguồn cảm hứng thậm chí là nguyên mẫu nhân vật trong đó. Tất cả chỉ là lời đồn. Có khá nhiều lời đồn đại về quan hệ của hai người. Tôi vinh dự tự hào được chơi thân với cả hai, không hề để tâm đến những đồn đại ấy chỉ có thể khẳng định một điều, đến tận bây giờ họ vẫn dành cho nhau sự tôn trọng bạn bè tuyệt đối.
Dạo học ở trường, Linh là một khuôn mặt nổi bật. Cũng phải thôi, cái giải nhất văn chương kia ở vào thời điểm ấy là mơ ước khao khát của bất cứ người cầm bút nào. Dạo đó giải thưởng là những giá trị tuyệt đối, là thước đo chuẩn xác tài năng chứ không nhiễu nhương loạn lạc giải thưởng như bây giờ. Khi nhập trường được khoảng một năm thì cuộc hôn nhân của Linh tan vỡ. Cũng vẫn là lời đồn, thời gian này Linh uống rượu rất ghê. Lâm vào hoàn cảnh ấy, người biết uống mà chay tịnh quay mặt với rượu mới là sự lạ. Tính Linh tôi quá rành, định làm điều gì thì quyết làm bằng được, miễn ai gàn. Nết uống rượu cũng vậy luôn có chủ kiến, đã không uống thì đừng ai ép nhưng cơn lên thì thôi rồi Lượm ơi, Linh đã thích thì bất chấp, khối đấng nam nhi phải khóc thét. Tôi quý cái nết ấy nhưng đôi khi cũng phát phiền. Trong hồi ức rượu của tôi với Linh, không dưới ba lần cái thằng dám vỗ ngực cây đa cây đề làng “tửu” là tôi cũng phải chắp tay vái chào thề cạch đến già không dây với “tặc tửu” ấy nữa, đó là những lần Linh say quên trời quên đất. Nhưng đó cũng là những lần gắn với những kỷ niệm buồn thảm của Linh. Chuyện cũng nói sau. Khi biết tôi viết về Linh, nhà văn Nguyễn Như Phong thè lưỡi, rùng mình bảo: “Dạo còn ở báo, ông biết không, cái Tuệ (tên thật của Linh là Trần Nguyệt Tuệ) nó uống ruợu bằng bát sắt.”. Tôi cười cười xác nhận. Cách đây vài năm, tôi bám càng Linh đi thăm thuỷ điện Sơn La cùng với đoàn của cựu phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc. Anh Lộc là người yêu quý dân văn hay đãi đằng văn nhân kể cả thời còn đương chức. Anh đặc biệt quý Linh. Cùng đoàn có anh hùng lao động Trần Thọ Chữ. Lúc đó tôi chưa bị bệnh vẫn uống hung hăng như một gã trai tập uống. Cả anh Chữ và anh Lộc đều là những người gắn bó từ thuở ban đầu với thuỷ điện Hoà Bình. Hôm đó anh Chữ bắt Linh phải uống thật nhiều. Anh Chữ bảo tôi: “Con bé này cao thủ lắm, dạo học Nguyễn Du lên Hoà Bình dùng mỹ nhân kế, chỉ có uống rượu mà xây được nhà.”. Mãi rồi tôi cũng vỡ chuyện. Chả là ngày đó Thuỳ Linh cùng Đỗ Quang Hạnh đi thực tế thuỷ điện, tíu ta tíu tít nâng lên đặt xuống được các ông anh quý mến hết mực. Sau đó Tổng công ty Sông Đà hảo tâm hỗ trợ nhà trường xây cho học viên một dãy nhà ở. Tất nhiên anh Chữ nói đùa nhưng cũng không thể không tính công “uống ruợu” của Linh góp phần vào đấy. Mà ngày đó cái sự uống ruợu đâu được đàng hoàng như bây giờ, phải vụng phải trộm vì đang có lệnh cấm ruợu. Sự thật của việc xây nhà này là do tình yêu văn chương của một đơn vị kinh tế lớn nhất nhì đất nước dạo đó. Không chỉ vật chất, đơn vị này còn đóng góp cho văn học nước nhà nhiều nhà văn sáng giá như Nguyễn Lương Ngọc, Tạ Duy Anh, Giáng Vân…
Sau này đôi khi rỗi rãi, Linh có kể cho tôi nghe về cuộc hôn nhân đầu. Tiệt không một lần thấy Linh ca thán nói xấu người chồng cũ như nhiều người ở vào hoàn cảnh ấy, không chỉ nói xấu, thậm chí họ còn tranh giành nhau đủ thứ từ tài sản đến con cái để rồi gieo vào nhau thù hận đến hết đời mãn kiếp. Không nói nhiều nhưng tôi cũng mang máng hiểu về cuộc chia tay của họ, cứ nhìn chàng cựu con rể luôn đi lại như người ruột thịt, tham dự vào mọi sự trong gia đình từ lễ tết đến việc hiếu việc hỉ và quan hệ thân thiết của Linh với những người nhà chồng là đủ biết. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ đó, tôi nghe nói Linh có trải qua một vài cuộc tình đâu như cũng thề non hẹn bể nhưng chẳng đi đến đâu. Trong chuyến đi học ở nước Nga, Linh gá nghĩa chồng vợ với một họa sĩ trẻ. Họ sống với nhau đến bây giờ.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến |
Việc học hành của Linh ở trường khá suôn sẻ nhưng quan hệ với cơ quan báo chủ quản lại không đơn giản như vậy. Khi Linh vừa tốt nghiệp thì nhận được một thông báo bất khả kháng, hoặc thôi việc ra khỏi lực lượng hoặc liên hệ chuyển công tác ngay. Dạo đó không riêng gì báo Công an nhân dân, cả nước đang có một đợt giảm biên chế toàn diện. Tất nhiên với những việc loại này hẳn phải có những lý do nào đó. Có thể do Linh đi học nên không đảm bảo được công việc như những phóng viên khác. Hoặc giả năng lực viết báo của Linh kém dù khả năng văn chương là điều không thể nghi ngờ. Còn có bao nhiêu lý do khác nữa mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Việc Linh bị loại thải khỏi báo cũng là chuyện bình thường như bất cứ một viên chức nào khác ở bất kỳ cơ quan nào nhưng thực sự là một cú sốc với cô gái trẻ. Nếu như cuộc đổ vỡ hôn nhân có thể chỉ coi là một tai nạn hoàn toàn có cơ sửa chữa thì cú thôi việc này lại là một đòn giáng chí tử vào cái sự nghiệp đang mở ra mênh mang với Linh, nó đã thật sự khép lại mọi mơ ước, mọi dự định, nó kết thúc một đoạn đời không thể nói là không hạnh phúc.
Linh choáng váng mất một dạo. Choáng váng nhưng không có nghĩa buông xuôi, về một tờ báo nào đó làm phóng viên văn nghệ là điều không mấy khó khăn nhưng Linh không muốn, Linh quyết định thi tuyển vào trường Đại học viết văn M. Gorki dù trước đó cô đã từ chối dự tuyển khi chỉ tiêu được phân về trường. Thực sự thì Linh không muốn du học chút nào, nhưng cũng không còn cách chọn lựa nào khác. Linh trúng tuyển. Chuyến đi ngoài dự kiến này đã đưa Linh đến với nước Nga và làm thay đổi toàn bộ cuộc đời cô.
Sau này người đọc bắt gặp trong nhiều truyện ngắn của Thùy Linh cái cảm giác đau xót của một người tha hương bất đắc dĩ. Nước Nga gần như là cái đích vào thời điểm ấy để Linh chạy trốn. Chạy trốn điều gì có lẽ chỉ mình Linh biết nhưng may mắn thay cái sự bất đắc dĩ ấy đã đưa Linh đến một chân trời mới đầy tươi đẹp. Ở đó dẫu Linh phải chịu vô vàn thiếu thốn gian khổ vì cô ở vào phải một thời kỳ đen tối nhất của nước Nga khi chính quyền vô sản sụp đổ nhưng bù lại Linh đã thu nhận được những điều quý giá không phải ai cũng có được. Đây là những dòng viết của Linh trong một bài báo vĩnh biệt người thầy yêu quý: nhà văn Marial Tktrôp, người đã dịch nhiều sách văn học Việt nam sang tiếng Nga khi ông từ giã cõi đời hơn chục năm sau khi Linh rời nước Nga: “Một người bạn lớn của nhiều nhà văn Việt nam đã lặng lẽ ra đi…Còn tôi, tôi đã xa Thầy kể từ năm 1995, ngay sau khi tốt nghiệp trường Gorki về nước vì chưa có dịp nào quay lại nước Nga để diện kiến Thầy. Ngày ấy, khi đi qua cửa khẩu tại sân bay Sêrementrevơ, nhận lại quyển hộ chiếu từ tay cô gái Nga xinh đẹp mặc quân phục biên phòng, tôi nhìn cô ta mỉm cười và nói khẽ “xin từ biệt”. Cô gái cũng nhìn tôi mỉm cười, nụ cười hiếm hoi dành cho người Việt mỗi lần đi qua nơi đó. Thực lòng lúc ấy tôi không vui vì sắp được trở về, nhưng cũng chẳng buồn khi phải chia tay với một nơi mà tôi đã gắn bó suốt 5 năm tuổi đời đẹp nhất của mình. Lòng tôi không kịp hiểu những gì sẽ đến…Thốt nhiên tôi buột miệng ra từ ấy trong giây phút ấy. Mười một năm sau tôi không được nhìn thấy người Thầy mà tôi vô cùng yêu quý cùng với nước Nga. Đến bây giờ vẫn chỉ hy vọng một ngày nào đó quay lại như là sự trở về. Và mảnh đất ấy vẫn đang đồng hành cùng cuộc đời tôi hiện tại. Vẫn luôn luôn là miền cảm hứng vô tận mỗi khi cầm bút viết, dù là viết bất cứ cái gì. Và giây phút này, tôi mới thực sự nói với Thầy: “Thầy ơi, xin từ biệt”…”
Một đoạn thư ngắn nhưng nói lên đầy đủ không chỉ riêng tình cảm của Linh với người thầy kính trọng, đó còn là toàn bộ tình cảm cũng như tất cả những gì Linh suy nghĩ về nước Nga. Có rất nhiều điều đáng nhớ về nước Nga nhưng có một kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là kỷ niệm về người mẹ. Năm 1994, Linh học thêm khoá đào tạo sau đại học một năm. Hôm ấy Linh trở nên bồn chồn khác thường và mơ thấy mẹ. Linh cảm một điều gì đó rất hệ trọng sẽ xảy ra, Linh quyết định bay trở về nước. Không có tiền đã đành, khoá học đã bắt đầu, nội quy rất nghiêm ngặt phải là cấp hiệu trưởng mới có quyền cho phép nghỉ. Linh cày cục vay đủ tiền vé, thuyết phục hiệu trưởng bằng cách nói là mẹ ốm nặng sắp mất mới được đồng ý. Phải mất mấy ngày sau Linh mới trở về được đến nhà ở làng Ngọc Hà. Đang đi trên đường làng, Linh thấy anh trai và chị gái của mình đeo khăn tang. Linh cảm của Linh đã đúng, mẹ cô vừa mất đột ngột vì căn bệnh tim trước đó hai ngày. Kể lại chuyện này Linh bảo đất Nga thật linh đã mách bảo cho cô biết đường về gặp mẹ. Nhiều lần Linh muốn quay trở lại nước Nga một chuyến nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nước Nga với Linh bây giờ chỉ còn là hoài niệm nhưng nó luôn tồn tại trong những sáng tác của Linh.
Sau truyện ngắn đầu tay thành công vang dội, công việc viết lách của Thùy Linh chững lại. Thi thoảng Linh có cho ra mắt một truyện ngắn nhưng cũng không mấy ấn tượng. Khoảng 10 năm sau, tức là khi Linh đã mãn khoá trường M. Gorki trở về nước năm 1995, Linh mới cho ra tập truyện ngắn đầu có tựa “Niệm khúc thiên nga”, vẫn là một Thuỳ Linh mượt mà ấm áp, mang mác nỗi buồn day dứt của kiếp người nhưng thực sự nó không mang lại tiếng vang đáng kể. Khi tôi về làm cùng Linh, chủ yếu công việc sáng tác của Linh tập trung vào kịch bản. Giai đoạn này Linh làm được một số kịch bản như “Cảnh sát hình sự”, “Đường đời”, “Mùa lá rụng”, “Những ngọn nến trong đêm”…Công việc làm phim có những bận rộn rất đặc thù nhưng lấy nó làm lý do để biện minh cho việc không viết được văn là khó thể chấp nhận. Những tưởng nghiệp văn chương của Linh sẽ lụi tắt như một số hiện tượng loé sáng như sao băng rồi vĩnh viễn biến khỏi văn đàn thì bất chợt Linh dồn dập cho ra đời những truyện ngắn một lần nữa mang lại những thành công vang dội, đặc biệt là truyện ngắn “Gió mưa gửi lại”. Liên tiếp Linh đoạt giải cao nhất của tạp chí Văn Nghệ Quân đội (2001-2002) giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2004).
Hiếm có nhà văn nào trong đời viết văn lại đoạt được ba giải thưởng lớn nhất (có thể coi như giải thưởng quốc gia như giải báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Hội nhà văn Việt Nam) như Thuỳ Linh. Tôi vẫn nói đùa Linh đạt “Tam nguyên”, thật không còn kể được mức tham lam ăn hết cả phần của thiên hạ. Là người gần gũi Linh tôi cũng phải ngẫm nghĩ mãi mới lý giải được vì lẽ gì lần trở lại này Linh lại có thể bứt lên để viết được những truyện ngắn xuất sắc như vậy. Và sự thật là một nỗi đau khó vượt qua được của Linh. Tất nhiên đó chỉ là những suy luận chủ quan của tôi.
Linh chỉ viết được bằng những trải nghiệm của mình. Đó là sự thật. Khi tôi về nhận công tác tại Hãng phim, Linh đã ba tám tuổi. Thời điểm này người chồng hoạ sĩ của Linh đã từ nước Nga trở về Hà Nội công tác. Đây cũng là giai đoạn Linh khao khát nhất có được một đứa con. Giữa năm 1997 Linh mang thai. Khao khát làm mẹ bấy nay khiến Linh như biến đổi thành con người khác, hồn nhiên, tươi vui thậm chí còn có phần nhí nhảnh khác thường. Một đứa con gái! Kết quả siêu âm khiến Linh vui sướng vô bờ. Nhiều người thân của Linh, đồng nghiệp, bạn bè đều mừng cho Linh. Chuyện sinh con đẻ cái là chuyện bình thường của bất cứ người phụ nữ nào đối với Linh lại là chuyện hệ trọng vì tuổi tác muộn mằn một phần, phần nữa là những khó khăn về cơ địa. Nhưng không ai có thể ngờ số phận lại một lần nữa giáng lưỡi búa oan nghiệt xuống đầu Linh. Khi thai nhi được gần bẩy tháng, Linh bị một cơn chấn động buộc phải đẻ non và bất hạnh thay đứa con gái sẽ là niềm hạnh phúc tuyệt diệu của đời Linh, nó sẽ biến cải mọi nỗi buồn của Linh khiến Linh trở thành một người đàn bà quy luật theo đúng nghĩa sinh tồn, đã từ bỏ Linh ra đi.
Hôm ấy vợ chồng tôi đã vào bệnh viện và cố kiễng chân để nhìn qua cửa sổ cái sinh thể bé bỏng đang dần từ bỏ cuộc đời . Một sinh thể thiếu sinh khí vì non tháng trong suốt, hình như bàn tay bé nhỏ khẽ động đậy, mắt tôi nhoà đi và buột ra lời dòng chữ Linh đã chua đằng sau bức ảnh của nhân vật Nguyên: “Mặt trời của mẹ.”.
Đây là nỗi đau lớn nhất trong mọi nỗi đau của đời Linh. Và những truyện ngắn liên tiếp ra đời sau đó. Linh đã cầm bút bằng chính nỗi đau không thể hàn gắn của mình.
(Rút từ tập “Chân dung của rượu” - Hà Nội 2009)
Người đàn bà của gió mưa (kỳ 2)
Sau này thì tôi phát hiện ra sau “Mặt trời bé con của tôi” đã thành quy tắc bất di bất dịch, Linh chỉ viết ... |
Người đàn bà của gió mưa (kỳ 1)
Nghiệp văn chương của tôi bắt đầu từ rượu. Tôi đến với văn chương khá muộn, ba mươi tuổi mới viết truyện ngắn đầu tiên ... |