Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Tôi đã chứng kiến hòa bình”

49 năm trôi qua, chàng trai chụp ảnh ngày 30/4 năm ấy giờ đã ngấp nghé tuổi 70. Ông vẫn đam mê chụp ảnh, vẫn thường xuyên lái xe đi khắp nơi để được ghi lại từng khoảnh khắc đổi thay của đất nước. Nhưng, hơn ai hết, ông luôn yêu TP Hồ Chí Minh và dành tình cảm đặc biệt với thành phố này, nơi ông được chứng kiến phút giao thời lịch sử. Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thuở nhỏ ông được cha mẹ cho đi học tại Lasan Taberd, ngôi trường nổi tiếng thành lập từ thời Pháp thuộc (nay là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Ngoài học văn hóa, ông còn được học qua 3 lớp nhiếp ảnh vào năm 1974. Trong đó, một lớp chuyên về chụp chân dung, một lớp chân dung và phóng sự, một lớp tráng phim đen trắng và phóng rọi ảnh.

Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4 -0
Ông Nguyễn Đạt luôn nâng niu và trân trọng những tấm ảnh ngày giải phóng Sài Gòn do chính tay mình chụp.

Những ngày cuối tháng 4/1975, tin tức dồn dập, nghẹt thở từ khắp nơi dồn về Sài Gòn báo hiệu chuẩn bị có một sự thay đổi lớn. Trong ký ức của ông, Sài Gòn khi ấy rối ren và lộn xộn. Có những gia đình tính chuyện bỏ đi, còn xóm nhà ông thì ít ai dám ra ngoài vì sợ bị tên bay đạn lạc.

Cũng như bao người dân Sài Gòn khi ấy, ông hồi hộp chờ đợi và rồi buổi sáng ngày 30/4, đứng trên ban công nhà mình ở đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP Hồ Chí Minh) nhìn xuống đường, Đạt chợt thấy hai binh sĩ mặc quân phục phi công Việt Nam Cộng hòa đang nép vào hàng hiên, lột bỏ bộ áo. Không suy nghĩ nhiều, ông Đạt chạy vào nhà lấy chiếc máy ảnh ra chụp lại cảnh đó nhưng hai người lính này đã nhanh chóng bỏ đi. 10 giờ sáng, trên đường phố, một hàng dài lính tráng khác buông vũ khí, cởi bỏ quân phục đi bộ về hướng trung tâm thành phố. Một vài người lính còn đeo thẻ bài trên cổ.

Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4 -0
Quân giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn từ hướng Tây qua đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ, Quận 3).

Khoảng 10h15, một người lính Việt Nam Cộng hòa vai đeo 3-4 khẩu súng thất thểu bước đi từng bước. “Đó cũng là người lính Việt Nam Cộng hòa cuối cùng mà tôi thấy, bởi sau đó, tôi chỉ thấy những chiến sĩ quân giải phóng xuất hiện. Có người đi bộ, có người ngồi trên xe tải như đang hành quân. Đây là điều hoàn toàn bất ngờ cho nhiều người dân như chúng tôi. Họ không lăm lăm tay súng chĩa vào mọi người, không hò hét hay đe dọa ai. Thậm chí, trên xe nhiều người còn vẫy tay thân thiện với chúng tôi”, ông Đạt nhớ lại.

Biết sự kiện lịch sử đang diễn ra trước mắt mình, ông gọi người bạn thân rồi cả hai lấy tờ giấy trắng ra viết chữ "phóng viên" thật to dán trước ngực và sau lưng mình. Đạt ôm theo máy ảnh Nikon FTN và Leica M3, một cuộn phim 36 tấm rồi leo lên ô tô của gia đình phóng ra đường, bỏ lại lời ngăn cản của cha mẹ: "Đừng đi. Nguy hiểm lắm!".

Khoảng 11h ngày 30/4/1975, trên đường Trương Minh Giảng, quân giải phóng hướng từ Củ Chi, Hóc Môn tiến vào nội thành. Góc máy của Nguyễn Đạt đã chụp được khoảnh khắc những người lính giải phóng tay ôm súng, miệng nở nụ cười thật tươi vẫy chào nhân dân đứng hai bên đường. Họ còn rất trẻ, tuổi đời chỉ ngoài 20.

Biệt động thành xuất hiện đồng loạt trên những chiếc xe Jeep, họ mặc quần áo như người dân Sài Gòn bình thường nhưng được trang bị súng AK và súng quân dụng P64. Trong bức ảnh của ông Đạt, những chiến sĩ biệt động thành với khuôn mặt lạnh lùng, nghiêm túc như cái cách họ lặng lẽ hoạt động bí mật trong lòng địch suốt bao năm tháng cho ngày giải phóng hôm nay.

Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4 -0
Khoảng 11 giờ ngày 30/4/1975, Biệt động thành xuất hiện đồng loạt, trang bị súng AK và P64.

Ở một góc ảnh khác, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, có hai người lính giải phóng quân thư thả chia nhau điếu thuốc, rồi nở nụ cười thân thiện với người dân xung quanh. Những đoàn xe từ các hướng vẫn tiếp tục tiến về Sài Gòn, bộ đội xuất hiện dày đặc trên đường phố, họ đều rất thân thiện vẫy tay chào bà con. Chính hình ảnh ấy đã khiến ông Đạt cảm thấy sung sướng, không còn nỗi hoang mang, sợ hãi khi lao ra đường nữa. Ông tiếp cận với các anh lính, chụp khoảnh khắc họ vui cười, buông súng ngồi bên hiên nhà trò chuyện với nhân dân. 

Khi tới đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, Q.3), ông Đạt thấy có chiếc xe tăng M113 đậu trước tiệm phở Bình nổi tiếng đang có rất đông người vây quanh, vì nghĩ không có sự cố gì nên cũng không chụp ảnh mà chỉ lướt qua, sau này ông mới tiếc nuối khi biết tiệm phở Bình là trung tâm chỉ huy biệt động nội thành. “Giá như ngày đó chụp được tấm ảnh nơi này thì hay biết mấy, sẽ không còn phải tiếc nuối nữa”, ông chia sẻ.

Cả buổi trưa ngày 30/4, ông Đạt lang thang chụp ảnh từng đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn theo hướng cầu Bình Triệu, ngã tư Hàng Xanh, cầu Sài Gòn tới cầu Thị Nghè. Anh bộ đội ngả mũ nghỉ ngơi bên đường, ông Đạt chợt thấy trên vành mũ có những dòng chữ viết tay đầy quyết tâm của người lính giải phóng: “Phất cao cờ quyết thắng, đánh mạnh, đánh nhanh, đánh chắc, táo bạo thọc sâu vào sào huyệt của địch, lập công cao nhất chào mừng 3 ngày kỷ niệm lớn 1/5 (Quốc tế Lao động), 7/5 (chiến thắng Điện Biên Phủ) và 19/5 (sinh nhật Bác Hồ)”. Tuy là ảnh đen trắng nhưng cho đến bây giờ, dòng chữ trên ảnh vẫn sắc nét và chiếc mũ trong ảnh vẫn vẹn nguyên.

Không khí Sài Gòn bình lặng hơn khi quân giải phóng làm chủ được tình hình, tiếng súng cũng giảm dần và im ắng hẳn trên khắp thành phố. Ngoài đường, chỉ còn lại cảnh ngổn ngang vật dụng của một cuộc tháo chạy. Chiếc xe Jeep bị bỏ lại trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng, Q. Phú Nhuận), chiếc xe tăng M113 cháy trên đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh), chiếc xe tăng M48 bỏ lại còn nguyên súng đạn đang bị mấy đứa trẻ leo lên nghịch phá... Các thứ quân trang, quân phục hay vũ khí liên quan đến lính Việt Nam Cộng hòa vứt ngổn ngang khắp các con đường, ông Đạt đã ghi lại những khoảnh khắc đó bằng hình ảnh một cách chân thực nhất.

Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4 -0
Phút thư giãn của người lính giải phóng, khoảng 12 giờ ngày 30/4/1975.

Có mặt trong thời khắc lịch sử, ông Đạt tận mắt chứng kiến mọi cung bậc cảm xúc của con người, nụ cười và nước mắt chan hòa lẫn nhau. Khoảng 14h ngày 30/4, ông hòa trong dòng người xuống đường chào mừng chiến thắng, chụp được bức ảnh đông đảo nhân dân tập trung vào khu vực Dinh Độc lập xem thời sự, nghe các bản tin về chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trong máy ảnh chỉ duy nhất cuộn phim 36 kiểu, ông Đạt phải “hà tiện” để ghi lại những khoảnh khắc giao thời lịch sử, giữa sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và sự tiếp quản của đoàn quân giải phóng. “Tôi chỉ là người bình thường chụp lại những gì mình tận mắt thấy của Sài Gòn ngày 30/4. Tôi không nghĩ những tấm ảnh đó sẽ có giá trị gì mà chỉ muốn lưu lại những khoảnh khắc đặc biệt đó cho riêng tôi mà thôi”, ông Đạt tâm sự.

Tìm người trong ảnh

Sau khi hoàn thành bộ ảnh ngày 30/4/1975, ông Đạt trở về nhà tự tráng phim, in ảnh và cất giữ. Từ đó, ông được biết đến là người lưu giữ bộ ảnh quý giá về ngày lịch sử 30/4. Bộ ảnh của ông được Viện Khoa học lịch sử Việt Nam cùng nhiều cơ quan thông tấn lưu trữ, xem như là những tư liệu quý giá về ngày thống nhất đất nước. Một số ảnh trong album đã được Bộ Quốc phòng và Thông tấn xã Việt Nam lưu trữ như nguồn tư liệu quý về dấu mốc lịch sử của dân tộc.

Hòa bình trở lại, gia đình ông Đạt đi kinh tế mới còn ông vẫn ở lại thành phố rồi xin vào làm lái xe tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Bộ Thương mại. Đam mê chụp ảnh, ông Đạt vẫn thường ôm máy đi chụp mỗi khi có dịp và kiêm nhiệm thêm “chân” phóng viên ảnh của Báo Thương mại. Những bức ảnh của ông sau ngày đất nước giải phóng, người dân làm kinh tế, hợp tác xã đều được gửi về tòa soạn để đăng báo. Ông trải qua nhiều vị trí, giữ chức Trưởng Phòng Kho vận của Tổng Công ty cho tới năm 2004 thì nghỉ hưu, sau 30 năm công tác. 

Về bộ ảnh ngày 30/4, ông Đạt vẫn ấp ủ trong lòng, xem đó như một phần ký ức thật ý nghĩa của cuộc đời mình, ông luôn lưu giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Cho tới một ngày, ông nhận ra đó là khoảnh khắc lịch sử mà không phải ai cũng có và ông muốn được chia sẻ, muốn tìm lại những người lính quân giải phóng có mặt trong bức ảnh năm xưa. Ông Đạt đã cất công đi tìm những nhân vật hiện diện trong bộ ảnh của mình, mong muốn được gặp họ, tìm hiểu cuộc sống của họ sau bao năm hòa bình cũng như trao tặng cho mỗi người một tấm ảnh, coi như một món quà nhỏ dành cho họ lưu lại ký ức hào hùng của thời khắc lịch sử.

Người chụp ảnh Sài Gòn ngày 30/4 -0
Người lính giải phóng vui vẻ trò chuyện cùng người dân tại một ngôi nhà gần cầu Thị Nghè, ngày 1/5/1975.

Sau nhiều năm tìm kiếm vẫn chưa thể kết nối được với người trong ảnh, ông Đạt trăn trở: “Tôi vẫn đi tìm, vẫn nhờ bạn bè tìm giùm. Nếu còn sống, bây giờ họ cũng ngoài 70 tuổi rồi. Biết đâu, qua những trang viết này, sẽ có ai nhìn thấy mình trong đó”.

https://antg.cand.com.vn/Phong-su/nguoi-chup-anh-sai-gon-ngay-30-4-i729635/

Ngọc Hoa / antg.cand.com.vn