Hàng nghìn người Hong Kong xuống đường trong ngày 31/8, dù cảnh sát trước đó ra lệnh cấm tụ tập và bắt nhiều thủ lĩnh biểu tình.
Phần lớn người biểu tình mặc áo đen tập trung tại một khu thể thao ngoài trời, trong khi số khác di chuyển trên phố các con phố. Họ lách lệnh cấm bằng cách diễu hành dưới hình thức tôn giáo, vốn không đòi hỏi nhiều quy định từ nhà chức trách đặc khu.
Cảnh sát đã dùng hơi cay để giải tán đám đông trước tòa nhà chính quyền đặc khu, trong khi người biểu tình ném đá và chiếu đèn laser vào lực lượng chống bạo động.
Cảnh sát Hong Kong trước đó phát lệnh cấm biểu tình vì lý do an ninh, sau khi đặc khu này trải qua những cuộc đụng độ bạo lực nhất trong gần ba tháng qua. Chính quyền thành phố đã dựng các rào chắn mới quanh Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh tại Hong Kong, nhiều xe mang vòi rồng cũng được triển khai trên đường phố.
Người biểu tình Hong Kong xuống đường hôm 31/8. Ảnh: AFP. |
5 thủ lĩnh biểu tình và ba nhà lập pháp Hong Kong bị bắt hôm 30/8 với cáo buộc liên quan tới tình hình bất ổn, trong đó có Joshua Wong, thủ lĩnh 22 tuổi của phong trào biểu tình "ô dù" Hong Kong,
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ hôm 9/6 để phản đối dự luật dẫn độ, trong đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới những khu vực mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục.
Cảnh sát Hong Kong hôm 26/8 lần đầu sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán những người biểu tình. Hơn 20 cảnh sát bị thương và hàng chục người biểu tình bị bắt, gồm một đứa trẻ 12 tuổi, vì tội tụ tập trái phép, sở hữu vũ khí và tấn công cảnh sát.
Lãnh đạo các nước G7 hôm 28/6 đã ra thông cáo chung bày tỏ lo ngại về tình hình Hong Kong. G7 tái khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận Trung - Anh về quyền tự trị của thành phố, song cam kết với mô hình "một quốc gia hai chế độ".
Vũ Anh (Theo AFP)