Hơn 18 triệu người, tức một nửa dân số Afghanistan, lâu nay tồn tại nhờ viện trợ nhân đạo, nhưng khoản hỗ trợ dành cho họ đã bị bóp lại đáng kể sau khi Taliban nắm quyền.
Trong thông điệp hôm 6/10, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Afghanistan, bà Mary-Ellen McGroarty cảnh báo hàng triệu người Afghanistan sống trong cảnh thiếu thốn từ nhiều năm qua, song tình trạng này đã xấu đi nhanh chóng từ khi Taliban nắm quyền cách đây 2 tháng.
"Afghanistan đang ở trong giai đoạn tồi tệ", bà McGroarty nói. "Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy khủng hoảng diễn ra với tốc độ và quy mô như thế này".
Theo số liệu của LHQ, một nửa dân số Afghanistan, khoảng 18 triệu người, cần nhận viện trợ để tồn tại từ trước tháng 8/2021. Trong khi đó, tình hình an ninh bất ổn và xung đột đã buộc hơn 3,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, bao gồm 700.000 người chỉ trong một năm qua.
Cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống y tế Afghanistan đã suy sụp, trong khi nền kinh tế trên bờ vực sụp đổ. Quyền của phụ nữ, trẻ em gái và các nhóm thiểu số đang bị đe dọa nghiêm trọng.
"Chúng ta đang chứng kiến tình trạng thiếu thốn chưa từng có khi hạn hán và khủng hoảng kinh tế đã đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao", đại diện WFP phát biểu, đồng thời cảnh báo các gia đình người Afghanistan sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn khi mùa Đông tới gần.
Người dân Afghanistan đã trải qua hàng chục năm xung đột và bất ổn. Từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát toàn bộ đất nước hồi tháng 8/2021, phần lớn các khoản hỗ trợ quốc tế dành cho Afghanistan đã bị cắt bỏ, trong khi hàng tỷ USD dự trữ của Kabul ở nước ngoài bị đóng băng.
Hồi tháng 9, LHQ kêu gọi các nước trợ giúp Afghanistan 600 triệu USD để cung cấp những hỗ trợ cần thiết đến hơn 10 triệu người Afghanistan dễ bị tổn thương, nhưng LHQ mới nhận được khoảng 40% con số này, tức khoảng 240 triệu USD.
Giám đốc WFP tiết lộ, chính quyền Taliban hiện không có hành động nào cản trở việc vận chuyển hàng cứu trợ và tổ chức của bà chưa gặp phải rào cản nào đối với công việc cứu trợ bởi tất cả đều được tiến hành trên nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị, trung lập và độc lập.
"Nếu không có hành động khẩn trương nào được thực thi, chắc chắn sẽ xuất hiện một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ hơn", đại diện cơ quan tị nạn LHQ Marin Din Kajdomcaj cảnh báo, cho biết thêm hàng triệu người Afghanistan chắc chắn phải vật lộn đầy khó khăn để sống sót qua mùa Đông tới.
Thiện Nhân
Taliban triển khai lực lượng đánh bom liều chết ở biên giới |
Đại tướng Mỹ thừa nhận thất bại cay đắng tại Afghanistan |
Áp lực nào có thể tạo ra căng thẳng nội bộ trong hàng ngũ Taliban? |