Ngược xuôi khai sinh cho trăm trẻ

Hơn 3 năm qua, hàng trăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã được một bệnh viện tại TPHCM giúp đỡ bằng việc đăng ký làm giấy khai sinh để đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Đặc biệt, tất cả trẻ đều đứng tên người đi khai sinh là một nhân viên phòng hành chính quản trị của bệnh viện.

nguoc xuoi khai sinh cho tram tre

Trẻ em bị bỏ rơi, cơ nhỡ, trẻ khiếm khuyết, bị tật bẩm sinh hiện đang được các y bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng Hòa Bình của BV này. Ảnh: PV

Nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Tình trạng trẻ sơ sinh bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi diễn ra nhiều nơi, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… Nhiều trẻ bị bỏ rơi tại các bệnh viện (BV), nơi nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Có trẻ bị bỏ rơi ngoài bãi rác, lề đường, góc phố. Những em may mắn được người dân phát hiện, cứu sống và đưa vào các cơ sở nuôi dưỡng...

Tại TPHCM, những trẻ có hoàn cảnh như vậy thường được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ Gò Vấp, Trường nuôi dưỡng bảo vệ trẻ em Tam Bình, Mái ấm quận 8, Làng thiếu niên Thủ Đức…

Tháng 3.2017, một bé trai bị vứt bỏ bên lề đường ở quận 2, được người dân phát hiện. BV Nhân dân Gia Định đã nhận nuôi dưỡng và đặt tên bé là A. N. Sau 7 tháng, cháu A. N. khỏe mạnh và được đưa vào nuôi dưỡng ở Làng thiếu niên Thủ Đức theo quyết định của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM.

Tại BV Từ Dũ, nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đều được các y bác sỹ nơi đây chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Một nhân viên khoa sơ sinh của BV cho biết: “Nhiều bà mẹ trẻ đến đây sinh con, sinh xong họ bỏ rơi con mình. Các y, bác sỹ của khoa đã nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay. Có trường hợp, khi đến BV sinh đẻ, cha mẹ khai đầy đủ thông tin cá nhân, thế nhưng, vì một lý do nào đó, họ bỏ rơi con khi mới lọt lòng. Biết tin, BV đã tìm mọi cách liên hệ, thậm chí gửi công văn đến xã, phường nhờ xác minh và trực tiếp tìm đến nơi kê khai thông tin, tuy nhiên đều là địa chỉ không có thật, nên BV nuôi”.

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, mặc dù được các y bác sỹ BV chăm sóc, nhưng khi ốm đau thì thủ tục liên quan đến khám chữa bệnh các cháu luôn khiến các bác sỹ trăn trở. Trước tình trạng này, ông Đỗ Hồng Dân - Trưởng khoa hành chính quản trị BV Từ Dũ - đã đề xuất lên ban giám đốc BV xin làm giấy khai sinh cho các bé. “Tại khoa sinh, mỗi năm đều có trẻ bị bỏ rơi. Trước hoàn cảnh của các cháu, ban giám đốc BV đã tìm cách giúp đỡ, không thể bỏ rơi trẻ. Đặc biệt, BV cử người làm giấy khai sinh để các trẻ thuận lợi hơn trong việc được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí... Công việc này do chị Lê Kim Thủy - nhân viên phòng Hành chính quản trị BV - thực hiện”, ông Đỗ Hồng Dân nói.

Người mẹ “bất đắc dĩ” của 250 trẻ bị bỏ rơi

Trò chuyện với phóng viên báo Lao Động, chị Lê Kim Thủy cho biết: Năm 2013, chị chuyển công tác từ phòng Kế hoạch tổng hợp sang phòng Hành chính quản trị. Thời điểm này, một nhân viên của phòng đang phụ trách việc làm giấy khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ chuyển công tác nên chị đảm nhận vai trò thay. Từ đó, ngoài công việc là văn thư lưu trữ, phụ trách công đoàn phòng hành chính quản trị BV,… chị Thủy được giao thêm việc đến UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 để làm giấy tờ, thủ tục xin đăng ký giấy khai sinh cho các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và người không có thân nhân tại BV.

Đến nay, đã có gần 250 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được làm thủ tục đăng ký và đã có khai sinh đều đứng tên chị Thủy.

Nhắc đến công việc làm “mẹ” của các bé, chị Thủy cho biết: “Mới đầu tôi rất lo lắng, không biết phải làm thế nào. Nhưng khi nghỉ đến cảnh trẻ sẽ thiệt thòi đủ điều nếu không có giấy khai sinh, mất quyền lợi công dân, quyền được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí... và đặc biệt có giấy khai sinh, trẻ sẽ hòa nhập cộng đồng tốt, đảm bảo quyền lợi công dân… nên tôi tự nhủ phải cố gắng”.

Nhờ sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo BV và UBND phường Phạm Ngũ Lão, chị Thủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đằng sau đó, là sự nỗ lực và tấm lòng nhân ái mà chị dành cho những đứa trẻ kém may mắn. Chị Thủy chia sẻ: “Trong quá trình làm hồ sơ đăng ký giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, nhiều khi xảy ra trường hợp này: BV nhận làm giấy khai sinh, nhưng hồ sơ sắp được phường hoàn tất thì người thân xuất hiện xin con. Sau khi yêu cầu họ làm giấy cam kết và trình bày nguyên nhân, tôi lại đến phường xin rút lại hồ sơ. Đó là chưa kể đến trường hợp tôi phải chạy ngược xuôi khi bên phường gọi”.

Đối với chị Thủy, niềm vui lớn nhất là khi hoàn tất giấy khai sinh cho các trẻ bị bỏ rơi, không có thân nhân. Cầm giấy khai sinh trên tay, chị Thủy cười trong hạnh phúc. Bởi chị biết, những đứa trẻ này lớn lên sẽ được hòa nhập với cộng đồng, được đảm bảo quyền lợi công dân, được mua bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh miễn phí, giảm phí...

Xây tương lai cho trẻ em kém may mắn

TPHCM có nhiều BV Phụ sản, chỉ riêng phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) có hai BV là BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn và BV Từ Dũ. Trong đó, BV Từ Dũ là BV đầu ngành về sản - phụ khoa và sơ sinh của 32 tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Cà Mau. Mỗi ngày BV này tiếp nhận 1.600 đến 1.800 bệnh nhân nội trú và 3.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị. Việc trẻ bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ thường có mỗi năm.

Ông Lê Tấn Đạt - Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TPHCM - cho biết, từ tháng 1 đến 15.11.2017, phường đã thực hiện việc đăng ký khai sinh cho 40 trường hợp đăng ký khai sinh trẻ bị bỏ rơi tại BV Từ Dũ. Trong đó có 26 trường hợp trẻ bị bỏ lại khi vừa mới sinh, người mẹ trốn viện và 14 trẻ bị bỏ rơi, bị tật bẩm sinh hiện đang được nuôi dưỡng tại làng Hòa Bình của BV này. Tính đến nay, các trẻ bị bỏ rơi đều được đăng ký khai sinh đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật.

“Hiện nay, do lối sống phóng khoáng của rất nhiều bạn trẻ, cũng như hiểu biết về sức khỏe sinh sản còn hạn chế mà tình trạng trẻ bị bỏ rơi trong những năm gần đây càng tăng. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan, tổ chức tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để cộng đồng nhìn nhận rõ hơn vấn đề bỏ rơi trẻ để đảm bảo quyền lợi cho các trẻ khi được sinh ra”, ông Đạt nói.

Nhưng cũng có khi, nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ sơ sinh bỏ rơi là do các bà mẹ nghèo khó, học sinh, sinh viên yêu đương sớm rồi... trót dại, có thai sớm, đẻ con xong rồi bỏ rơi. Ngoài ra, những phụ nữ nhiễm HIV mang thai, khi sinh con không muốn nuôi dưỡng nên bỏ lại tại các BV…

Trẻ em bị bỏ rơi, không những tạo gánh nặng cho các BV trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng (chưa tính đến việc trẻ mắc các chứng bệnh phức tạp, chi phí mỗi ca hàng chục triệu đồng, BV phải lo liệu), ngoài ra còn tạo gánh nặng cho xã hội.

Đại diện Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, những trẻ bị bỏ rơi tại các BV sẽ được các y bác sỹ nơi đây chăm sóc, sau 1 tháng, không ai đến nhận, trẻ có sức khỏe bình thường, cân nặng từ 2,5 kg trở lên sẽ được chuyển danh sách sang Sở. Đơn vị sẽ căn cứ vào tình trạng trẻ, lập danh sách đưa vào sống ở các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do Sở quản lý.

Trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, cơ nhỡ… sinh ra là vốn chịu thiệt thòi nhiều hơn so với các trẻ khác. Tấm lòng nhân hậu từ những nhân viên các BV, cơ sở nuôi dưỡng nhận chăm sóc, làm giấy khai sinh cho trẻ là đã giúp các em có điều kiện tốt hơn khi hòa nhập cộng đồng, và đảm bảo các quyền lợi cho các em.

nguoc xuoi khai sinh cho tram tre Hà Nội: Bé gái vừa sinh bị bỏ rơi tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, Hà Nội vừa tiếp nhận một sản phụ cùng bé gái mới sinh được khoảng 1 giờ đồng hồ chuyển tới. Sau ...

nguoc xuoi khai sinh cho tram tre Những đứa bé dễ thương, sao cha mẹ nỡ bỏ con - Kỳ 1: Giận nhau là... bỏ!

Đằng sau nụ cười hồn nhiên, ánh mắt ngây thơ lại là những số phận đáng buồn bởi cuộc đời các em vốn gắn với ...

nguoc xuoi khai sinh cho tram tre Bé trai 5 ngày tuổi bị bỏ rơi ở Viện Huyết học

Người mẹ trẻ nhờ một người đang khám tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội) bế con để đi vệ sinh, nhưng sau ...

/ Lao động