Luật cấm phá thai hà khắc của Honduras khiến phụ nữ có thể phải ngồi tù nếu bỏ đứa con, ngay cả khi họ mang thai do bị hãm hiếp.
Một ngày mưa cách đây hai năm, Lucia (tên đã được thay đổi), cô giúp việc 26 tuổi cho một gia đình ở ngoại ô thủ đô Tegucigalpa, bị trượt chân, ngã đập lưng xuống đất khi ra ngoài đóng cổng. Cú ngã mạnh khiến cô hét lên đau đớn và được đưa tới bệnh viện gần nhà để cấp cứu.
Lúc đó, Lucia mới phát hiện mình đã mang thai hơn 5 tháng và đứa con trong bụng đã không giữ được. Mọi rắc rối cũng bắt đầu từ đây. Cảnh sát ập đến bệnh viện nơi Lucia đang điều trị và cáo buộc cô tội phá thai, điều bị nghiêm cấm ở đất nước Honduras.
Teresa Ramirez, một cô gái có thai ngoài ý muốn ở Honduras. Ảnh: Al Jazeera. |
Theo tài liệu của tòa án, các công tố viên đã truy tố Lucia sử dụng thuốc phá thai, kiên quyết bác mọi lời biện hộ của cô về chuyện không biết mình có thai và đây chỉ đơn giản là tai nạn. Luật sư biện hộ cho rằng công tố viên không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Lucia phá thai bằng thuốc.
Honduras là một trong số ít quốc gia ở Mỹ Latinh hình sự hóa việc phá thai trong mọi hoàn cảnh, ngay cả khi mang thai do bị hãm hiếp, loạn luân hoặc đe dọa mạng sống của thai phụ.
Nếu bị kết án cố tình phá thai, phụ nữ Honduras có thể phải ngồi tù từ 3 đến 6 năm, trong khi các y bác sĩ hay bất kỳ ai giúp tiến hành ca phá thai đó có thể phải ngồi tù tới 10 năm. Những vụ ép phá thai hoặc phá thai mà không có đồng ý của người mẹ có thể bị xử nặng hơn.
Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ ghi nhận được 22 trường hợp bị kết án hoặc buộc tội phá thai từ năm 2011 đến tháng 10/2018 ở Honduras, nhưng con số thực tế có thể nhiều hơn do việc cập nhật số liệu rất khó khăn. Trong những trường hợp này, các công tố viên đã tìm thấy bằng chứng về việc sử dụng thuốc phá thai, nhưng một số phụ nữ vẫn bị buộc tội dù bằng chứng đưa ra không đủ thuyết phục.
Theo các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ, một khi bị truy tố tội phá thai, người phụ nữ sẽ phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng dù có bị kết án hay không. Nhiều người thậm chí còn phải rời làng vì không chịu nổi sự phán xét của những người xung quanh.
Vì luật cấm phá thai và nỗi ám ảnh từ sự kỳ thị của cộng đồng, nhiều phụ nữ Honduras buộc phải sinh con dù bản thân chưa sẵn sàng.
Nohely Bertran, người mẹ đơn thân 27 tuổi, cũng là một trong số đó. Cô phát hiện mình mang thai khi mới 18 tuổi. Lo lắng, sợ hãi, cô nghĩ tới việc phá thai, nhưng không dám phạm luật.
"Nếu chuyện này không bị cấm, có lẽ tôi đã có thêm lựa chọn cho cuộc đời của mình", Bertran chia sẻ. "Tôi không hối hận vì sinh ra con gái tôi, điều khiến tôi hối tiếc đó là sinh ra con bé khi tôi còn chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ".
Bertran cho rằng nếu được hợp pháp hóa chuyện phá thai, phụ nữ ở Honduras sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn khi họ được tự quyết định cuộc sống của mình.
Biểu tình ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ ở thủ đô Tegucigalpa, Honduras hôm 8/3/2019. Ảnh: AFP. |
Theo một khảo sát của công ty thăm dò dư luận Le Vote vào năm 2017, 60% đàn ông và 64% phụ nữ Honduras ủng hộ việc phá thai trong các trường hợp bị hãm hiếp, thai nhi không phát triển bình thường hoặc việc mang thai gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Tuy nhiên, những người hoạt động chống phá thai ở Honduras không ủng hộ quan điểm này.
"Tôi cho rằng không nên có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào đối với việc phá thai", Michelle de Idiaquez, chủ tịch Provida Honduras, tổ chức chống phá thai ở Tegucigalpa, nói. "Nó liên quan tới mạng sống của một con người, và bạn không thể coi thường và phá bỏ một cách tùy ý như vậy".
Lệnh cấm phá thai vẫn là một chủ đề gây tranh cãi ở Honduras, khi các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ lên tiếng bác bỏ lập luận ủng hộ chống phá thai. Họ cho rằng lệnh cấm không ngăn được tình trạng phá thai, mà chỉ đẩy các phụ nữ và trẻ em gái tìm đến dịch vụ phá thai chui, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của họ.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) có trụ sở tại New York, Mỹ, 820 bé gái trong độ tuổi 10-14 đã sinh con ở Honduras năm 2017, nhiều người mang thai do bị hãm hiếp. Ước tính, hơn 30.000 cô gái vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi sinh con ở Honduras mỗi năm.
Tổ chức này cũng cho biết hơn 8.600 phụ nữ ở Honduras đã phải nhập viện vì bị biến chứng do phá thai hoặc sảy thai năm 2017.
"Luật phá thai cần được sửa đổi, vì chúng ta không thể bắt một bé gái mang thai ngoài ý muốn trở thành mẹ", Nidia Castillo, giám đốc điều hành Mạng lưới Nữ luật sư Bảo vệ Nhân quyền, khẳng định.
Điều tra vụ thầy giáo 55 tuổi quan hệ bất chính khiến học sinh mang bầu rồi đưa đi phá |
Người mẹ bị ung thư từ chối phá thai, quyết tâm sinh con |
Bà bầu đòi phòng khám trả lại tiền phá thai |