Mỗi chương trình, hoạt động hỗ trợ sinh viên phải khảo sát để thiết kế trên nhu cầu thực tế nếu không sẽ xa rời, không hợp với nhu cầu thực tế của sinh viên và đòi hỏi từ xã hội.
Đại biểu Lê Xuân Dũng kiến nghị các chương trình, hoạt động hỗ trợ sinh viên phải có khảo sát thực tế, tránh tình trạng ngồi "vẽ" trong phòng máy lạnh - Ảnh Phan Hậu
Cần nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ năng
Chia sẻ tại trung tâm thảo luận số 1 diễn ra tại Đại học Xây dựng (Hà Nội), nhiều đại biểu dự Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam khóa X, mong muốn tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động tư vấn và hỗ trợ sinh viên.
Anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên TP.HCM, chia sẻ về 4 nội dung hỗ trợ sinh viên, gồm: vật chất (quà, học bổng), tinh thần, học tập và nghề nghiệp.
Ở từng nhu cầu cụ thể, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên TP.HCM đều có khảo sát để nắm nhu cầu của sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên. Trong đó, nổi bật nhất là hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhưng học bổng hỗ trợ hàng năm thường đi kèm với các điều kiện về thành tích học tập, để khích lệ các bạn có ý thức vươn lên.
Còn với các động giáo dục kỹ năng, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên TP.HCM bắt đầu từ doanh nghiệp, để xem doanh nghiệp nhìn nhận thế nào về sinh viên. Sinh viên tốt nghiệp còn yếu, thiếu kỹ năng gì để thiết kế khung chương trình hỗ trợ rèn luyện kỹ năng.
Theo đó, đại biểu Lê Xuân Dũng cho rằng, công tác hỗ trợ sinh viên nếu xuất phát từ các chương trình “vẽ” ra khi cán bộ Hội ngồi máy lạnh sẽ không trúng với nhu cầu của sinh viên, nhu cầu từ cộng đồng xã hội.
Đại biểu Dũng kiến nghị, riêng nội dung hỗ trợ sinh viên về kỹ năng để tìm kiếm việc làm thì những kỹ năng này phải có khảo sát từ phía doanh nghiệp để lên khung định hướng đào tạo kỹ năng phù hợp thông qua các giờ học, hoạt động thực tế, sinh hoạt ngoại khoá.
Bên cạnh đó, T.Ư Hội Sinh viên cần khảo sát thực tế trong mỗi chương trình hoạt động hỗ trợ, nếu làm trên toàn quốc quá lớn khó áp dụng thì nên chia ra các khu vực để khảo sát và thiết kế chương trình có đối tượng đặc thù. “T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam nên phối hợp với Bộ GD - ĐT cần có tiêu chuẩn mới về sinh viên tốt nghiệp đại học nếu trước đây là tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ thì bây giờ cần thêm tiêu chuẩn về kỹ năng”, anh Dũng nói.
Ủng hộ đề xuất này, đại biểu Hà Minh Công (Đại học Cần Thơ) thông tin, doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhân sự nhưng sinh viên tham gia ứng tuyển hiện rất thiếu kinh nghiệm và kỹ năng thực tế. Hội Sinh viên các trường đều có những buổi tư vấn và giới thiệu việc làm tốt nhưng chỉ dừng lại ở kết nối doanh nghiệp và sinh viên, chưa có hỗ trợ đào tạo kỹ năng.
“Hội Sinh viên đứng ra hỗ trợ sinh viên kết nối với doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm nhưng hiện nay thì cần thêm nhiều buổi học tập kỹ năng, trao dồi kỹ năng thực tế, có thể lấy ngay những cho sinh viên vừa tốt nghiệp đã có công ăn việc làm ổn định chia sẻ kỹ năng cho những sinh viên khoá sau”, đại biểu Công đề xuất.
Doanh nghiệp không biết đến Sinh viên 5 tốt
Chia sẻ những băn khoăn về phong trào rèn luyện Sinh viên 5 tốt, đại biểu Trần Thanh Trường, Phó chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Nông lâm, tỉnh Thái Nguyên, cho rằng để dành được danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp T.Ư thực sự khó và là mục tiêu của nhiều sinh viên. Nếu đạt được danh hiệu này, sinh viên có những phẩm chất, yếu tố toàn diện và đây là lợi thế khi tham gia thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp việc làm.
Nhưng theo đại biểu Trường, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến danh hiệu Sinh viên 5 tốt và giá trị thực sự của nó. Đại biểu Trường đề xuất, T.Ư Hội Sinh viên, Hội Sinh viên các cấp nên có rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn của mình, chủ động mở các diễn đàn, hội thảo giới thiệu, quảng bá về danh hiệu này đến doanh nghiệp, giới thiệu về Sinh viên 5 tốt.
Ở chiều ngược lại, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp nếu có cơ chế hỗ trợ cộng điểm, ưu tiên khi tuyển dụng thì Sinh viên 5 tốt sẽ có điều kiện phát triển, thu hút và hấp dẫn sinh viên tham gia phong trào rèn luyện này.