Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, khủng hoảng trong quan hệ Paris - Washington là nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu kết thúc.
"Ở giai đoạn này, tôi có thể nói rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua là nghiêm trọng. Nó chưa kết thúc dù đối thoại đã được nối lại. Mối quan hệ căng thẳng sẽ tiếp tục, và để thoát khỏi tình trạng này cần phải có những hành động nghiêm túc”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết tại cuộc họp của Ủy ban các vấn đề quốc tế của Thượng viện Pháp.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng cho hay, Pháp cũng cần phải xem xét lại quan hệ với Anh, cho rằng London đã vi phạm các nghĩa vụ của mình.
"Trong quan hệ với Anh, chúng ta cũng cần tiếp tục xem xét lại. London nên biết rằng họ đã vi phạm các nghĩa vụ của mình, bao gồm cả theo thỏa thuận về thương mại và hợp tác”, ông Jean-Yves Le Drian nói.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Ảnh: AP) |
Đề cập đến đến tác động của quan hệ Mỹ - Pháp đến NATO, ông Jean-Yves Le Drian cho rằng, cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Paris và Washington không ảnh hưởng đến sứ mệnh chính của NATO là phòng thủ tập thể.
"Sứ mệnh chính của NATO là phòng thủ tập thể... Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong liên minh, và cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua sẽ không ảnh hưởng đến nhiệm vụ trung tâm này”, Jean-Yves Le Drian cho hay.
Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cũng kêu gọi xem xét kỹ lưỡng việc hợp tác với Australia sau quyết định rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm với Pháp. “Đối với Australia, sự xói mòn lòng tin này đòi hỏi chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng sự mối quan hệ hợp tác này”, ông Jean-Yves Le Drian nói.
Ông Jean-Yves Le Drian lưu ý rằng, các cuộc tham vấn với đại sứ Pháp được triệu hồi từ Canberra vẫn đang tiếp tục.
"Đại sứ của chúng tôi tại Australia sẽ trở lại Canberra, nhưng hiện tại chúng tôi tiếp tục tham vấn với ông ấy. Điều này sẽ cho phép chúng tôi làm rõ sự phát triển của mối quan hệ giữa hai nước”, ông Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh.
Hôm 15/9, Mỹ, Anh và Australia công bố thành lập một hiệp ước ba bên mới có tên AUKUS, cho phép Canberra xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh. Điều này khiến Pháp mất hợp đồng trị giá 66 tỷ USD về tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường đã ký kết trước đó với Australia.
KÔNG ANH (Nguồn: Sputnik)
Lãnh đạo Mỹ - Pháp lên kế hoạch gặp mặt sau lùm xùm căng thẳng |
Mỹ - Pháp hóa giải căng thẳng, Paris đưa đại sứ trở lại Washington |