‘Ngoại giao gấu trúc’ nghìn năm của Trung Quốc

Kể từ thời nhà Đường (618–907), Trung Quốc đã tặng hoặc cho các nước khác mượn gấu trúc, linh vật của đất nước, như một biểu hiện của thiện chí.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là có ý nói rằng Bắc Kinh có thể “phái cử” những con gấu trúc mới đến Mỹ, vài ngày sau khi ba chú gấu trúc sống nhiều năm trong Vườn thú Quốc gia Smithsonian ở Washington được hồi hương về Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tối 15/11 tại San Francisco, ông Tập nói nhiều người Mỹ rất bịn rịn khi nói lời tạm biệt ba chú gấu trúc Mei Xiang, 25 tuổi, Tian Tian, ​​26 tuổi và Xiao Qi Ji, 3 tuổi, con của Mei Xiang và Tian Tian.

Gấu trúc con trong Vườn thú Quốc gia ở Washington, thời điểm 2019. Hiện nay vườn không còn con nào. (Ảnh: Washington Post)

Gấu trúc con trong Vườn thú Quốc gia ở Washington, thời điểm 2019. Hiện nay vườn không còn con nào. (Ảnh: Washington Post)

“Tôi được biết rằng nhiều người Mỹ, đặc biệt là trẻ em, thực sự không muốn xa rời chúng. Tôi cũng được biết rằng Sở thú San Diego và người dân California rất mong được chào đón gấu trúc trở lại”, ông Tập phát biểu tại buổi tiệc do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung và Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ - Trung tổ chức.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc - hôm 15/11 gặp lại Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên sau một năm - đang đề cập truyền thống nuôi gấu trúc kéo dài hàng thập kỷ của Sở thú San Diego. Năm 2019, vườn thú này gửi hai con gấu trúc cuối cùng về Trung Quốc: cô gấu Bai Yun, sống ở San Diego 23 năm và Xiao Liwu, 6 tuổi, con của Bai Yun. Gấu Gao Gao, “chồng” của Bai Yun, hồi hương năm 2018.

“Gấu trúc từ lâu đã là đặc phái viên của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mỹ”, ông Tập nói trong bài phát biểu. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Mỹ về bảo tồn gấu trúc và cố gắng hết sức để đáp ứng mong muốn của người dân California nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta”.

Phát biểu với các phóng viên ở San Francisco, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng nếu Trung Quốc quyết định gửi một số gấu trúc đến Mỹ thì “chúng tôi hoàn toàn chào đón chúng quay trở lại”. “Nhưng đó phải là quyết định mà Chủ tịch Tập đưa ra”, ông Kirby nói.

Gấu trúc châu Á (Ailuropoda melanoleuca), hay gấu trúc, là loài đặc hữu của Trung Quốc, nổi tiếng với bộ lông màu đen và trắng đặc trưng.

Gấu trúc tự nhiên chỉ sống ở một số khu vực cụ thể tại Trung Quốc, trong các rừng tre trên núi tại các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc.

Trung Quốc có khoảng 1.800 con gấu trúc sống trong tự nhiên. Từ thời nhà Đường (618–907), những con gấu trúc lần đầu tiên được Trung Quốc tặng làm quà ngoại giao. Truyền thống ấy, tiếp tục cho đến nay, thường được gọi là “ngoại giao gấu trúc”.

Ba con gấu trúc vừa hồi hương nằm trong số 8 con gấu trúc sống ở sở thú Washington từ năm 1972. Sau chuyến thăm của Tổng thống Richard M. Nixon và đệ nhất phu nhân Pat Nixon tới Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai tặng nước Mỹ hai con gấu trúc 18 tháng tuổi tên là Ling- Ling và Hsing-Hsing.

Ling-Ling đột ngột qua đời năm 1992 và Hsing-Hsing ốm yếu đã được an tử tháng 11/1999. Vườn thú khi đó không còn gấu trúc cho đến hơn một năm sau, tháng 12/2000, cặp gấu Tian Tian và Mei Xiang đến.

Ngoài Xiao Qi Ji, Mei Xiang và Tian Tian còn sinh ra ba con gấu khác vẫn còn sống. Những người tham quan vườn thú từ Washington từ khắp nơi có cơ hội ngắm nhìn những chú gấu trúc khổng lồ. Nước Mỹ đã trải qua 5 đời tổng thống kể từ khi cặp gấu Tian Tian và Mei Xiang đến Washington.

Cuộc nói chuyện về gấu trúc của ông Tập Cận Bình diễn ra ngay sau cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Biden giúp giảm bớt căng thẳng giữa hai siêu cường. Hai bên đồng ý khôi phục liên lạc giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác chống ma túy với hy vọng giảm bớt cuộc khủng hoảng fentanyl ở Mỹ. Dân chơi thường sử dụng thuốc giảm đau fentanyl, được sản xuất ở Trung Quốc và các nguồn khác, kết hợp với các loại ma túy để tăng “độ phê”.

 

Năm 1984, chính sách ngoại giao gấu trúc có sự thay đổi. Gấu không còn được tặng làm quà nữa, thay vào đó được cho mượn trong 10 năm và có thể được gia hạn. Việc này cho phép Trung Quốc tiếp tục quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài và cũng để xây dựng “guanxi” (quan hệ). Cho mượn gấu trúc được coi là biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và các nước nhận.

Đổi lại, các nước tiếp nhận phải trả một khoản phí hằng năm khoảng 1 triệu USD cho mỗi con gấu và những chú gấu trúc sinh ra ở nước ngoài phải được trả về Trung Quốc trước sinh nhật lần thứ tư của chúng.

Theo một số học giả của Đại học Oxford nghiên cứu về ngoại giao gấu trúc, Trung Quốc cho các quốc gia có thỏa thuận thương mại song phương thuê gấu.

“Tại sao Sở thú Edinburgh có gấu trúc trong khi Sở thú London thì không? Có lẽ vì Scotland có nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc quan tâm”, nhà nghiên cứu Kathleen Buckingham của Trường Địa lý và Môi trường Oxford nói.

Những chú gấu trúc được gửi đến Scotland vào năm 2011 sau khi hai bên ký thỏa thuận dầu mỏ. Đã có nhiều quốc gia nhận được gấu trúc Trung Quốc bao gồm Mỹ, Đan Mạch, Đức, Nga, Scotland, Canada, Australia, Nhật Bản, Qatar…

Bốn con gấu trúc vẫn còn ở Sở thú Atlanta, Mỹ nhưng chúng cũng sẽ được gửi trở lại Trung Quốc vào năm tới nếu thỏa thuận không được gia hạn và nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên sau 5 thập kỷ Mỹ không có gấu trúc.

Những chú gấu ở Scotland và Australia cũng sẽ về nước trước cuối năm nay.

Trong trường hợp của Mỹ, các nhà phân tích đang suy đoán rằng việc thu hồi gấu trúc có thể không chỉ là sự kết thúc của một hợp đồng cho mượn.

“Với xu hướng hiện tại của mối quan hệ Mỹ-Trung, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc để hợp đồng gấu trúc với các vườn thú Mỹ hết hạn”, Kurt Tong, nhà phân tích của công ty tư vấn Asia Group nói.

Mỹ có các thỏa thuận thương mại và tiếp tục bán thiết bị quốc phòng cho Đài Loan, động thái mà Bắc Kinh không mấy hài lòng.

Nếu sự hồi hương của gấu trúc xuất phát từ mối quan hệ đang xấu đi thì đây không phải là lần đầu tiên những con gấu phản ánh căng thẳng chính trị.

Những con gấu được giao đến Mỹ vào năm 2010 đã được gửi trả lại sau khi Tổng thống Barack Obama gặp Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng sống lưu vong.

Năm 2013, sau khi chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, quan hệ Malaysia - Trung Quốc căng thẳng, Trung Quốc tạm thời từ chối giao những con gấu trúc mới cho Malaysia mượn. Một tháng sau, hai con gấu Fu Wa và Feng Yi, đều 8 tuổi, mới hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

Hai con gấu Fu Wa và Feng Yi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 21/5/2014. (Ảnh: Daily Mail)

Hai con gấu Fu Wa và Feng Yi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 21/5/2014. (Ảnh: Daily Mail)

Trong 8 thập kỷ, Trung Quốc phát triển ngoại giao gấu trúc thành một chương trình quy mô toàn thế giới, trải dài từ Helsinki, Phần Lan đến Adelaide, Australia. Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc, hiện có 63 con gấu trúc được trao đổi ở 19 quốc gia.

https://vtc.vn/ngoai-giao-gau-truc-nghin-nam-cua-trung-quoc-ar834747.html

Anh Minh / VTC News