Trong khi số người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh thì số hộ nghèo cũng tăng lên.
Báo cáo Điều tra đặc điểm nông nghiệp nông thôn vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam tăng lên.
GS. Finn Tarp, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới cho biết kết quả điều tra tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của năm 2016 là 16,2% trong khi 2 năm trước đó con số này là 12,9%. Nói cách khác, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam gia tăng trong những năm gần đây.
Theo nghiên cứu, việc Việt Nam áp dụng chuẩn nghèo mới với những tiêu chuẩn đánh giá cao hơn khiến tỷ lệ đói nghèo tăng lên.
Bên cạnh đó, khoảng cách về các kết quả phúc lợi giữa người nghèo và người giàu nhất vẫn còn rất lớn. Nếu chia các hộ gia đình theo vùng miền, các hộ gia đình ở vùng núi phía Bắc như: Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu tiếp tục tụt hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi. Chất lượng y tế và vệ sinh môi trường chưa cao.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hộ nghèo - đối tượng cần tiếp cận vốn nhất lại khó tiếp cận vốn hơn cả. Chỉ có khoảng 28% hộ gia đình có ít nhất một khoản vay và hơn 71% hộ gia đình không có khoản vay nào.
Báo An ninh Thủ đô dẫn lời TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, thời gian qua chúng ta đang thực hiện việc phân bổ nguồn lực theo hướng lấy của người này cho người khác chứ chưa phải là sự phân bố nguồn lực hợp lý, thế nên công cuộc xóa đói giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.
Trong khi tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam tăng lên thì số người siêu giàu của Việt Nam cũng tăng nhanh.
Một người nghèo lượm rác trên đường phố Hà Nội |
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) được Knight Frank công bố hồi đầu năm nay, Việt Nam có 200 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó.
Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người. Theo sau là Ấn Độ với 150% và Trung Quốc (140%).
Số triệu phú ở Việt Nam được dự báo tăng từ 14.300 lên 38.600 trong một thập kỷ tới.
Đây là thực trạng đáng buồn ở Việt Nam khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và theo các chuyên gia, đó là một mặt trái của kinh tế thị trường.
Từng trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng lo ngại: "Người giàu thì giàu lên một cách nhanh chóng, còn người nghèo thì ngày càng nghèo hơn. Độ chênh lệch giàu nghèo ngày càng nhân rộng thì đó là một vấn đề của vĩ mô. Trong thời gian vừa qua chúng ta có tình trạng đó.
Đây là vấn đề chúng ta phải cải thiện. Nếu chính sách không giải quyết được vấn đề này thì chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề mâu thuẫn xã hội mà chúng ta không thể lường trước được những hậu quả có thể xảy ra.
Điển hình như xuất hiện mâu thuẫn trong nội bộ dân chúng. Sự bất bình đẳng dẫn đến sự bức xúc trong dân chúng và những người không có thu nhập, cuộc sống không đảm bảo, không có nghề nghiệp thì sa vào tội phạm ngày càng nhiều. Tất cả những chuyện đó là hệ quả tất yếu của việc chênh lệch giàu nghèo”.
Giới siêu giàu Châu Á phát lộ trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Paradise”
Người giàu có và nổi tiếng ở Châu Á có liên quan trong đợt rò rỉ dữ liệu tài chính bí mật mới nhất, |
Đại gia số 2 lộ diện, siêu giàu đảo lộn top 10 tỷ phú Việt
Đại gia số 2 sẽ xuất hiện trong vòng 1 tuần nữa với vốn hóa lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Thị trường đón nhận ... |
http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/nghich-ly-vn-nguoi-sieu-giau-bung-no-ho-ngheo-gia-tang-3346751/