Nghịch lý giá vàng sau đấu thầu

Ngược chiều với giá vàng thế giới, vàng trong nước ngày 9/5 tiếp tục tăng vượt mốc 89 triệu đồng/lượng sau phiên đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng vào hôm 8/5.

Cụ thể, giá vàng miếng tăng 2 triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục 89,5 triệu đồng. Mức này cao hơn thế giới 18,5 triệu đồng/ lượng. Giá vàng lập đỉnh, nhu cầu cũng tăng vọt. Đến mức từ ngày 9/5, SJC giới hạn mỗi người được mua tối đa 3 lượng vàng miếng một ngày, không được mua hộ. Muốn mua tiếp, phải chờ sang hôm sau.

Nghịch lý giá vàng sau đấu thầu- Ảnh 1.

Vàng trong nước ngày 9/5 tiếp tục tăng vượt mốc 89 triệu đồng/lượng sau phiên đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng vào hôm 8/5. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Từ ngày Ngân hàng Nhà nước mở đấu thầu lần đầu tiên vào 23/4, giá vàng miếng liên tục tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Mục tiêu đấu thầu tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá với thế giới đang gặp thách thức trong ngắn hạn.

Theo thông báo kết quả phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 5 diễn ra vào sáng 8/5, có 3 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng ở mức giá 86,05 triệu đồng/lượng. Điểm khác biệt của phiên đấu thầu này với các phiên đấu thầu trước đó là khối lượng đấu thầu tối thiểu để một thành viên được phép đặt thầu là 7 lô (tương đương 700 lượng), giảm một nửa so với trước đó. Khối lượng đấu thầu tối đa không thay đổi, vẫn là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Giá vàng trúng thầu này cao hơn giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp mua vào trên thị trường (85,2 triệu đồng/lượng) và cao hơn giá thế giới hơn 14 triệu đồng/lượng. Với giá trúng thầu cao như hiện nay, rất khó để Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cung cho thị trường vàng và kéo giảm chênh lệch giá vàng.

Về nguyên tắc, người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng. Tuy nhiên, với đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định về giá lại vừa quyết định về số lượng là không hợp lý.

Ngoài ra, mức giá đấu thầu hiện nay cũng quá cao, không thể đạt được mục đích kéo giảm chênh lệch giá vàng. Với giá vàng đấu thầu cao như hiện nay, doanh nghiệp mua vàng đấu thầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu giá vàng quay đầu giảm.

Việc các phiên đấu thầu vàng liên tiếp phải hủy hoặc trúng thầu với tỷ lệ thấp có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến chênh lệch giá vàng càng tăng mạnh.

Đấu thầu không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất tăng nguồn cung là cho phép ngân hàng thương mại, doanh nghiệp vàng được xuất nhập khẩu vàng, Nhà nước chỉ nên kiểm soát bằng thuế. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông.

Việc nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh. Chúng ta không nên lo lắng về tỷ giá. Bởi lâu nay không cho phép nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy vào vàng qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng cao sẽ khuyến khích nhập lậu vàng.

Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước khoảng 50 tấn/năm, nếu nhập khẩu tốn hết khoảng 3 tỷ USD, một con số không quá lớn. Về nỗi lo vàng hóa, Ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng) nên vàng hóa đã kết thúc, không cần lo lắng về vấn đề này.

Nói cách khác, muốn giảm chênh lệch với giá quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn trong nước. Việc Ngân hàng Nhà nước đấu giá với mức cao như vậy càng kích thích tâm lý người dân tích trữ, khiến mục tiêu kéo gần với thế giới khó khả thi.

https://www.baogiaothong.vn/nghich-ly-gia-vang-sau-dau-thau-192240509222041901.htm

TS Lê Xuân Nghĩa / Giao thông