Nghịch lý: Doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa “trên giấy”

PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam - chỉ ra nghịch lý trong bức tranh cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ta hiện nay: Trong các bản báo cáo luôn có những con số rất đẹp, hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhưng thực ra chỉ 8% số vốn nhà nước trong các DNNN được CPH. Nghĩa là, nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi là bằng 0.

nghich ly doanh nghiep nha nuoc co phan hoa tren giay
PGS-TS Trần Đình Thiên.

Ngày 8.9, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Duy Long - Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 8 tháng năm 2017, có 33 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 80.636 tỉ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỉ đồng. Hệ thống doanh nghiệp Nhà nước đã và đang được đổi mới, sắp xếp, từ gần 1.500 doanh nghiệp nhà nước năm 2010 xuống còn khoảng 600 doanh nghiệp năm 2016.

nghich ly doanh nghiep nha nuoc co phan hoa tren giay
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh B.H

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, CPH và thoái vốn sau quá trình CPH là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Những ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội thảo sẽ là đầu vào hữu ích để Ủy ban Kinh tế tham mưu với Quốc hội giám sát tối cao, đồng thời đề xuất chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam, những con số trên chưa phản ánh hiệu quả thực chất của quá trình CPH DNNN, thậm chí phải nói là đáng thất vọng.

“Quá trình CPH đang tồn tại một nghịch lý đáng lo ngại: Kế hoạch CPH DNNN hoàn thành, thậm chí có thể coi là hoàn thành xuất sắc – vì gần 100% DNNN đã được CPH theo đúng tiến độ; nhưng chỉ 8% số vốn nhà nước trong các DNNN đó được CPH. Nghĩa là nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi là bằng không - nguồn lực hầu như vẫn nguyên sở hữu nhà nước và các chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý doanh nghiệp CPH. Nhiệm vụ CPH được coi là hoàn thành, thành tích rất cao nhưng mục đích thật sự lại không đạt được” – TS Thiên thẳng thắn.

Từ góc nhìn của một chuyên gia nước ngoài, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội - cho rằng, để quá trình CPH doanh nghiệp đạt hiệu quả, thì nhất thiết phải đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Đồng thời để tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, thì quá trình CPH và thoái vốn phải minh bạch, nhà đầu tư phải được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến doanh nghiệp. Điều này sẽ mang đến những chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho Chính phủ.

(https://laodong.vn/kinh-te/nghich-ly-doanh-nghiep-nha-nuoc-co-phan-hoa-tren-giay-563644.ldo)

/ Theo Bích Hà/Báo Lao động