Nghĩa tình người Việt sau động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đã hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người Việt bị ảnh hưởng vẫn chưa hết bàng hoàng.

Nhưng khi hoạn nạn, họ cảm nhận rõ hơn sự quan tâm, thấm đượm tình cảm của đồng hương nơi đất khách quê người.

Ám ảnh đêm kinh hoàng

Nghĩa tình người Việt sau động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ 1

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an phối hợp với lực lượng địa phương tìm kiếm cứu nạn

Sau nhiều ngày tìm cách liên lạc với những người Việt ở khu vực động đất, PV Báo Giao thông đã tiếp cận được 3 trong 6 người Việt bị ảnh hưởng. Tất cả họ đều là cô dâu Việt lấy chồng người Thổ Nhĩ Kỳ và có con nhỏ tầm 3 - 4 tuổi.

Rạng sáng ngày 6/2, có lẽ là khoảnh khắc mà cuộc đời những người phụ nữ này không bao giờ quên. Chị Phạm Hồng, 28 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu vừa theo chồng sang thành phố Adıyamankhoảng 10 tháng, đã phải nếm trải cảnh tượng trăm năm xảy ra một lần.

“Động đất mạnh lắm chị ơi! Lắc như chơi xích đu vậy… Giường nhà em dịch chuyển từ đầu phòng đến cuối phòng. Những đồ dễ vỡ như chén bát đều tan tành”, chị Hồng kể lại giây phút kinh hoàng.

Tuy mới lần đầu gặp cảnh động đất nhưng vì đang đi cùng con nhỏ, chị Hồng gồng hết sức để giữ tâm lý bình tĩnh che chở con. “Lúc đó, đầu chỉ nghĩ làm sao cho con an toàn nhất”, chị Hồng nói.

Nghĩa tình người Việt sau động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ 2

Hình ảnh hai mẹ con chị Hồng. Ảnh: NVCC

Còn với chị Nam Phương, quê TP.HCM, sinh sống ở thành phố Diyarbakirhơn 6 năm, đây là lần thứ 2 chị trải qua động đất mạnh. Cách đây ít năm, chị cũng trải qua một trận động đất mạnh 6,4 độ richter nên phần nào có kinh nghiệm hơn. Vì chồng đi công tác xa nên khi nghe thấy tiếng động lớn và rung lắc là chị chủ động ôm con 3 tuổi chạy luôn ra ngoài.

“Ban đầu con ngủ lay không dậy nhưng khi được bế ra ngoài, thấy dòng người hỗn loạn chạy khắp nơi thì con bắt đầu sợ hãi”, chị Phương kể.

Vì ảnh hưởng của động đất, nhà chị Phương bị nứt tường. Hai mẹ con đang phải ở tạm nhà bà nội và chưa dám quay lại. Nhiều ban quản lý tòa nhà yêu cầu nguời dân phải rời đi vì có dấu hiệu sập, còn 1 tòa nhà khác xa hơn thì sập hoàn toàn.

“Chưa kể, mấy ngày qua, đường ống gas của thành phố bị hư hỏng. Trong thời gian chờ sửa chữa, một ngày chỉ được 3 tiếng có gas. Thời tiết băng giá, âm 6 - 10 độ nên lạnh buốt. Hơn nữa, nước sinh hoạt đang rất đục, để vài tiếng cũng không lắng trong được”, chị Phương chia sẻ.

Không đói ăn nhưng thiếu mặc

Nghĩa tình người Việt sau động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ 3

Loại lều Hội Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán để đặt may ủng hộ người bị nạn

Một người Việt khác mà PV Báo Giao thông tiếp cận được là chị Thảo. Dù ở cách khu vực ảnh hưởng nặng nhất của tỉnh Adıyaman khoảng 1 giờ chạy ô tô nhưng động đất vẫn khiến nhà chị Thảo rung lắc mạnh xuất hiện nhiều vết nứt ngang dọc, đồ đạc ngổn ngang.

Mấy ngày đầu, vì sợ nhà sập nên gia đình chị phải ngủ tạm trên ô tô, chịu gió rét nên bị cảm lạnh. Ngủ được ba hôm chịu không nổi, vợ chồng đánh liều quay trở lại nhà.

“Nhà mình vẫn còn may mắn lắm và đang trở thành nơi tá túc cho người thân bên chồng”, chị Thảo kể.

Điều chị Thảo lo lắng nhất lúc này là thời tiết vẫn giá rét, gia đình chị nhiều ngày phải đi xin quần áo cứu trợ ở địa phương. Đồ viện trợ chủ yếu là lương thực, chúng tôi mong quần áo lắm.

“Có thể mình sống xa thị trấn nên lúc họ phát quần áo, gia đình mình không biết. Mình và chồng thì chịu được nhưng bé con thì nhỏ quá! Đêm nằm trong nhà không sao, nhưng lúc phải tá túc tạm ngoài xe hoặc lều thì lạnh không chịu được”, chị Thảo nói.

Tình đồng hương

Giữa bao khó khăn và thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, ba cô dâu Việt vẫn ấm lòng vì tình cảm, sự quan tâm hỏi han và giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam cũng như Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay khi biết tin động đất, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã theo dõi sát tình hình, chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực quyên góp ngày lương, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết và tích cực hỗ trợ các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất theo khả năng và tình hình thực tế.

Theo chị Trúc Loan, thành viên Ban Truyền thông Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ những ngày đầu xảy ra động đất, Hội đã nhanh chóng kêu gọi ủng hộ cho các nạn nhân vùng thiên tai, liên lạc với các đầu mối tiếp nhận hàng cứu trợ ở địa phương để tìm hiểu tình hình, lựa chọn đồ cứu hộ thiết thực. Hội đã liên hệ chuẩn bị đặt làm lều có khả năng chịu được động đất, gửi tới khu vực khó khăn.

Đồng thời, ngay khi được Đại sứ quán thông tin có 6 người Việt bị ảnh hưởng trong động đất, Hội đã tìm cách liên lạc trực tiếp.

Do người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có khoảng 200 người sống rải rác trên khắp đất nước rộng lớn và Hội người Việt gần đây mới được thành lập nên việc liên lạc khá khó khăn.

Sau nhiều sự giới thiệu và kết nối, Hội đã liên lạc được với 3 chị Thảo, Phương, Hồng, hỏi han và kịp thời gửi tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng cũng như cam kết sẽ đồng hành với họ trong thời gian dài.

Nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, chị Hồng rất cảm động: “Mọi người đã gọi điện, nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình em rất nhiều. Cả Đại sứ quán và Hội người Việt đều ủng hộ tiền qua tài khoản, hỏi han cặn kẽ để tìm cách giúp đỡ”.

Còn chị Phương thì nói: “Tôi xúc động và rất cảm ơn tấm lòng của mọi người. Hoàn cảnh của mình khó khăn nhưng so với hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng, hàng chục nghìn người thiệt mạng thì mình vẫn may mắn lắm. Vậy nên, mình cũng mong muốn có thể dành phần hỗ trợ cho người khó khăn hơn”.

Chị Thảo cũng liên tục được Đại sứ quán gọi điện hỏi thăm nhưng lúc đầu do tinh thần hoảng loạn còn chưa nghĩ ra cần gì để đề xuất. Chị cho biết, đã nhận được tiền chuyển qua tài khoản nhưng chưa thể mua được quần áo. Đoàn đại sứ quán đang sắp xếp đến tận nơi hỗ trợ.

Những người như chị Phương, chị Thảo, chị Hồng đều chung chia sẻ “lúc hoạn nạn mới thấu hiểu ý nghĩa của tình đồng hương, cảm nhận rõ sự quan tâm của quê hương đất nước ở nơi đất khách quê người”.

Ngày 14/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư thăm hỏi gửi Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thông báo Việt Nam sẽ hỗ trợ khẩn cấp mỗi nước 100.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả của trận động đất ngày 6/2 và sẽ giao các bộ, ngành Việt Nam tiếp tục có thêm các biện pháp hỗ trợ cần thiết trong thời gian tới.

Việt Nam đã cử đoàn cứu hộ, cứu nạn gồm hơn 100 cán bộ, chiến sỹ bộ đội và công an sang Thổ Nhĩ Kỳ cùng với nhiều vật tư, thiết bị để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Iran cử cán bộ trực tiếp có mặt tại thực địa, hỗ trợ sát sao các đoàn cứu hộ, cứu nạn. Chính quyền các tỉnh Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ cảm ơn và đánh giá rất cao năng lực của hai đội cứu hộ Việt Nam.

https://www.baogiaothong.vn/nghia-tinh-nguoi-viet-sau-dong-dat-kinh-hoang-o-tho-nhi-ky-d582066.html

Trang Trần / Giao thông