Nghị sĩ Mỹ muốn xét lại quan hệ với Hong Kong vì dự luật dẫn độ

Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ muốn chính quyền Trump tăng cường các biện pháp bảo hộ công dân ở Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua. 

nghi si my muon xet lai quan he voi hong kong vi du luat dan do
Trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: AOC.

Một dự luật được thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ben Cardin đưa ra hôm qua tại quốc hội Mỹ, yêu cầu Tổng thống xác định và trừng phạt bất cứ cá nhân nào có hành vi bắt ép người khác từ Hong Kong tới Trung Quốc đại lục trong trường hợp Hong Kong thông qua dự luật dẫn độ sửa đổi.

Đề xuất này đã được ít nhất 14 thành viên quốc hội ủng hộ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện James Richs. Dự luật từng được các nghị sĩ Mỹ đề xuất hai lần vào năm 2015 và 2017 nhưng không được thông qua.

Dự luật cũng kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ đưa ra báo cáo thường niên đánh giá việc Hong Kong có thực thi nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran và Triều Tiên hay không. Một trong những điều khoản của dự luật quy định rằng cư dân Hong Kong sẽ không bị từ chối visa vào Mỹ khi họ bị bắt trong các cuộc biểu tình.

"Mỹ phải phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi ủng hộ một cách hòa bình cho tự do và luật pháp, nhằm chống lại sự can thiệp ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vấn đề Hong Kong", thượng nghị sĩ Rubio tuyên bố. Ông cho rằng dự luật vừa được đệ trình có thể giúp Washington bảo vệ các giá trị nhân quyền và dân chủ ở Hong Kong.

Một dự luật khác được hai thượng nghị sĩ Mỹ đưa ra hôm 12/6 đề nghị sửa đổi Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992. Theo đó, các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, An ninh Nội địa và giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ phải nộp báo cáo 6 tháng một lần về mọi hoạt động của Trung Quốc liên quan tới dẫn độ hoặc cưỡng chế công dân nước ngoài từ Hong Kong.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Jim McGocate cảnh báo nếu dự luật dẫn độ sửa đổi được Hong Kong thông qua, quốc hội Mỹ "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét lại Đạo luật chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992", cho phép Hong Kong được hưởng lợi ích kinh tế và thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ.

Giới quan sát cho rằng hai đề xuất trên có thể được tập hợp thành một dự luật trước khi đệ trình cơ quan lập pháp Mỹ. Các đề xuất được đưa trong bối cảnh Hong Kong vừa chứng kiến hai cuộc biểu tình lớn chống lại dự luật dẫn độ sửa đổi.

nghi si my muon xet lai quan he voi hong kong vi du luat dan do
Cảnh sát Hong Kong bắn đạn hơi cay trấn áp người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi ngày 12/6. Ảnh: Reuters.

Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục hôm 9/6 và 12/6 đã biến thành bạo lực khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra. Dưới sức ép của người biểu tình, Hội đồng Lập pháp Hong Kong đã phải hoãn phiên họp thảo luận về dự luật dẫn độ sửa đổi.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam chỉ trích các hành động "gây nguy hiểm" của người biểu tình, cho rằng đây là cuộc "bạo loạn trắng trợn, có tổ chức". Bà Lam cho hay chính quyền đặc khu sẽ không từ bỏ dự luật dẫn độ sửa đổi, nhưng chưa ấn định thời gian cho phiên thảo luận về dự luật sau cuộc biểu tình. Bắc Kinh cáo buộc các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Hong Kong do các thế lực nước ngoài xúi giục, nhằm gây chia rẽ và làm tổn thương Trung Quốc.

Mai Lâm (Theo SCMP)

nghi si my muon xet lai quan he voi hong kong vi du luat dan do Những câu hỏi về dự luật dẫn độ gây tranh cãi ở Hong Kong

Nhiều người Hong Kong không muốn đặc khu chịu ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục, trong khi chính quyền thúc đẩy dự luật để ...

nghi si my muon xet lai quan he voi hong kong vi du luat dan do Hai cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ làm rung chuyển Hong Kong

Cả hai cuộc tuần hành trong 4 ngày để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong để trở thành bạo động khi cảnh ...

/ VnExpress