Nghị quyết 68: Lá thép bảo vệ để doanh nghiệp tư nhân phát triển

Các chuyên gia nhận định, chưa bao giờ vai trò của kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.

Đây cũng là nghị quyết quan trọng nhất để khu vực này phát triển.

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việc này giúp đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Vì thế, Bộ Chính trị khẳng định phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước.

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Nghị quyết 68 khẳng định kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. (Ảnh minh họa: VnEconomy).

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết 68 đã đi vào tận gốc rễ của vấn đề, đó là cải cách thể chế. Một loạt giải pháp được đưa ra, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.

Nghị quyết yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy "xin - cho" sang tư duy phục vụ; khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm và mọi hạn chế nếu có chỉ được đặt ra vì những lý do thật sự cần thiết và phải được quy định rõ ràng trong luật.

Nghị quyết còn đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cũng được thiết kế cơ chế hỗ trợ riêng biệt, từ miễn thuế, cho đến cung cấp nền tảng số miễn phí và tư vấn pháp lý.

“Nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết này sẽ là chất xúc tác đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó kinh tế tư nhân đóng vai trò dẫn dắt với tinh thần chủ động, tự cường và đầy khát vọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.jpg
"Nghị quyết 68 đã đi vào tận gốc rễ của vấn đề, đó là cải cách thể chế."

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Đồng quan điểm khi cho rằng đây là Nghị quyết quan trọng nhất giúp kinh tế tư nhân bứt phá, luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, lại nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện thể chế pháp luật với doanh nghiệp, doanh nhân.

Theo đó, Nghị quyết 68 yêu cầu tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Cụ thể, sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.

Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

“Đây là một định hướng rất đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, có thể nói là lá thép bảo vệ để doanh nghiệp tư nhân phát triển”, ông Thiệp nhận xét.

Theo ông Thiệp, chính sách này đã được thí điểm tại một số địa phương. Theo đó, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán, thuế, tài chính…nếu chưa đến mức nghiêm trọng, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cá nhân chủ động khắc phục sai phạm, chỉ khi không hợp tác hoặc cố tình vi phạm mới xử lý hình sự.

“Việc này tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, vừa nâng cao trách nhiệm của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, vừa chống thất thu ngân sách, vừa không triệt tiêu động lực phát triển”, ông Thiệp phân tích.

Chuyên gia đánh giá cao Nghị quyết 68 khi đã hoàn thiện thể chế pháp luật với doanh nghiệp, doanh nhân. (Ảnh minh hoạ).

Chuyên gia đánh giá cao Nghị quyết 68 khi đã hoàn thiện thể chế pháp luật với doanh nghiệp, doanh nhân. (Ảnh minh hoạ).

Cũng theo ông Thiệp, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đầu tư rất lớn, tạo ra công ăn việc làm và đóng góp đáng kể cho xã hội. Vì thế, nếu chỉ vì một sai phạm mà xử lý hình sự ngay thì không những không giải quyết được gốc rễ, mà còn gây đổ vỡ chuỗi sản xuất, mất việc làm cho hàng nghìn người. Việc cho phép khắc phục hậu quả trước khi xử lý hình sự là cách tiếp cận nhân văn, hợp lý, và hiệu quả hơn về kinh tế - xã hội.

“Việc xử lý hành chính và cho thời gian sửa sai sẽ giữ cho “tế bào kinh tế” được sống, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm an sinh xã hội. Doanh nghiệp không hoàn hảo - nhiều khi sai do thiếu hiểu biết pháp luật, chứ không phải cố tình. Hệ thống pháp luật ta vẫn đang hoàn thiện, nên phải có cách tiếp cận mềm dẻo để khuyến khích tuân thủ.

Chính sách này cũng tạo động lực và niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, bởi họ thấy pháp luật không phải để trừng phạt, mà để hướng dẫn và bảo vệ người làm đúng. Khi người ta dám đầu tư, thì mới có vốn, có công ăn việc làm, có tăng trưởng”, ông Thiệp nêu quan điểm.

Vì thế, ông Thiệp cho rằng, Nghị quyết 68 không chỉ là một định hướng xử lý vi phạm, mà còn là một bước đột phá về tư duy quản lý kinh tế. Nó tạo nền tảng pháp lý và chính sách nhất quán, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước, và đúng với tinh thần đổi mới toàn diện mà Đảng và Nhà nước đang theo đuổi.

 

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cũng đánh giá cao việc Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

cung 2.jpg
"Điều đặc biệt là lần này Nghị quyết đề cập rất rõ, rất mạnh về việc sửa các quan hệ kinh tế."

TS. Nguyễn Đình Cung

“Đây là một nghị quyết được kỳ vọng rất lớn.Quan trọng nhất là nghị quyết lần này đã đề cập đầy đủ và đưa ra những giải pháp đủ mạnh để giải quyết các vấn đề của khu vực tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Ông Cung nêu quan điểm: Nghị quyết đưa ra rất nhiều giải pháp đúng, từ việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh, xem đây là nguyên nhân cơ bản hạn chế doanh nghiệp tư nhân. Sau đó là hàng loạt giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công bằng, hợp lý và với chi phí chấp nhận được về vốn, đất đai, lao động chất lượng cao.

“Điều đặc biệt là lần này Nghị quyết đề cập rất rõ, rất mạnh về việc sửa các quan hệ kinh tế. Cụ thể như quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm, trừ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Đây là giải pháp đi cùng với hạn chế, tránh tình trạng thanh tra chồng chéo”, TS Cung nêu dẫn chứng.

Theo ông Cung, khi doanh nghiệp càng lớn, càng mở rộng thì càng dễ bị can thiệp. Vì thế Nghị quyết lần này rất quyết liệt và đáng hoan nghênh.

Thay đổi mang tính bước ngoặt trong kỷ nguyên vươn mình

Chia sẻ với Báo điện tử VTC News, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 cho rằng, đây là một tin vui lớn với gần 2 triệu doanh nghiệp trên cả nước, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp tư nhân.

“Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư đã từng nói. Việc ban hành Nghị quyết thể hiện một sự thay đổi rất lớn về nhận thức, tư duy và cả định kiến đối với doanh nghiệp tư nhân”, ông Việt bày tỏ.

Ông Việt phân tích: Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận rõ ràng rằng khu vực tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thứ hai, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

“Tổng Công ty May 10 của chúng tôi trước đây là doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa từ năm 2005. Sau gần 20 năm, với phần vốn thuộc về các cổ đông tư nhân, chúng tôi coi đây là một bước ngoặt lớn, tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông nói.

Nghị quyết cũng đặt ra những thay đổi thiết thực, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu và quyền kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế không có yếu tố vi phạm pháp luật. Ngoài ra, nó còn tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế tư nhân là khu vực cần được hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng tăng trưởng. (Ảnh minh họa).

Kinh tế tư nhân là khu vực cần được hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng tăng trưởng. (Ảnh minh họa).

Theo ông Việt, hiện nay, hơn 80% doanh thu của công ty đến từ xuất khẩu, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp, kể cả trong quan hệ với các khách hàng lớn.

Một điểm đáng chú ý nữa trong Nghị quyết là việc tạo điều kiện miễn phần mềm thuế, phần mềm quản trị cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong vòng ba năm. Đây là minh chứng cho việc Trung ương Đảng đã nhận thức rõ ràng rằng nếu muốn khu vực tư nhân trở thành động lực phát triển, thì cũng cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể.

“Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao tính cụ thể của Nghị quyết 68. Hòa cùng tinh thần của Nghị quyết, chúng tôi cũng sẽ có những thay đổi lớn. Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc tinh thần của Nghị quyết. Thứ hai, phát triển doanh nghiệp để sánh vai với các doanh nghiệp tư nhân trong khu vực ASEAN và trên toàn thế giới”, ông Việt nhấn mạnh.

may.png
"Việc ban hành Nghị quyết thể hiện một sự thay đổi rất lớn về nhận thức, tư duy và cả định kiến đối với doanh nghiệp tư nhân"

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10

Cần tổ công tác đặc biệt để thực hiện Nghị quyết

Đánh giá cao và kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 69 nhưng TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh đến vai trò của khâu tổ chức thực hiện. Cần phải thực hiện một cách thực chất, tránh hình thức. Hiện nghị quyết yêu cầu Chính phủ và các địa phương ban hành kế hoạch hành động, nhưng nhiều khi mất 4–5 tháng mới có kế hoạch. Những kế hoạch đó nhiều khi không phù hợp với yêu cầu thực hiện nghị quyết.

“Tôi kiến nghị Chính phủ nên thành lập một nhóm công tác đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng. Nhóm công tác này phải độc lập, không bị chi phối bởi tư duy hay lợi ích cục bộ của các bộ, ngành và địa phương.

Phải rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, kiến nghị bãi bỏ những luật không còn cần thiết. Phải thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý nhà nước. Phải xây dựng các văn bản pháp luật mới, ví dụ như về quỹ đầu tư, công ty đầu tư, huy động vốn trung dài hạn cho khu vực tư nhân.

Cần cơ chế pháp lý để doanh nghiệp phát triển, nhất quán và minh bạch, giảm chi phí tuân thủ và rào cản gia nhập.

Cần “đập bỏ” các điểm nghẽn chứ không phải chỉ hoàn thiện theo tư duy cũ. Nếu không làm như vậy thì sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách”, ông Cung thẳng thắn bày tỏ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ĐBQH tỉnh Thái Bình) Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 là sự nhìn nhận đúng về vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế tư nhân. Chúng ta cần xây dựng được những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đủ sức sánh vai và cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.

Nghị quyết 68 được coi là tin vui với nhiều doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh minh họa).

Nghị quyết 68 được coi là tin vui với nhiều doanh nghiệp tư nhân. (Ảnh minh họa).

Muốn thế, chúng ta cần có những cơ chế, thể chế pháp lý rõ ràng để luật hóa chủ trương của Đảng, từ đó mở đường cho khu vực tư nhân đột phá và nâng tầm doanh nghiệp.

Vì vậy, việc thể chế hóa Nghị quyết 68 của Trung ương cần được thực hiện sớm, thông qua các cơ chế và chính sách cụ thể. Một trong những rào cản hiện nay là doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực xã hội, đặc biệt là đất đai. Hiện nay, chính sách ưu tiên phần lớn vẫn dành cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng ta cần xác định rằng nền kinh tế Việt Nam phải là một nền kinh tế phồn vinh, thịnh vượng nhưng độc lập, tự chủ. Điều đó có nghĩa là khu vực kinh tế trong nước, nhất là kinh tế tư nhân, phải được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn lực quốc gia một cách thuận lợi và ưu đãi nhất.

Nghị quyết 68 nêu rõ Việt Nam đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030, tương ứng 20 doanh nghiệp trên 1.000 người dân. Trong số đó, ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực này đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân tăng 8,5-9,5% mỗi năm.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ đạt trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á đến 2030.

Đến năm 2045, khu vực này phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp sẽ có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Mục tiêu, Việt Nam sẽ có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP.

https://vtcnews.vn/nghi-quyet-68-la-thep-bao-ve-de-doanh-nghiep-tu-nhan-phat-trien-ar941766.html

PHẠM DUY / VTC News