Nghị định riêng về “Sản xuất tại Việt Nam”: Sửa sai, không cần thiết!

Bộ Công Thương trình dự thảo lần đầu tiên quy định rõ đâu là hàng Sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trên hàng hóa sẽ không còn cụm từ Made in Vietnam đối với hàng Việt Nam lưu thông trên thị trư

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đây không phải là sáng kiến mới, mà chỉ là sự sửa sai quy định hiện hành.

Không phải sáng kiến mới

Mới đây, bộ Công Thương đã trình dự thảo Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (gọi tắt là Nghị định Sản xuất tại Việt Nam). Đây được xem là động thái tiếp nối bản dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được bộ Công Thương đưa ra một năm trước đó. Về vấn đề này, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã có trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty Luật BASICO (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

PV: Thời điểm dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam được bộ Công Thương đưa ra 1 năm trước đây, ông có nhận xét rằng Bộ đã tư duy sai. Lần này, bộ Công Thương lại tiếp tục đưa ra dự thảo Nghị định Sản xuất tại Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về việc này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Khi đọc dự thảo Nghị định lần này mà bộ Công Thương đang đưa ra để lấy ý kiến, tôi thấy rằng đây không phải là sáng kiến mới, mà chỉ là sự sửa sai quy định hiện hành.

Trước đây, việc xây dựng dự thảo Thông tư về xuất xứ hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước là điều không thể và hoàn toàn không cần thiết. Thứ nhất, đó là một sự bế tắc pháp lý không thể giải quyết về việc bắt buộc phải xác định hàng hóa Made in Vietnam hay một nước nào đó. Thứ hai là pháp luật đã có quy định bắt buộc về nhãn hàng hóa, với những yêu cầu cụ thể, chính xác, rõ ràng hơn quy định về xuất xứ hàng hóa. Thứ ba, nội dung quy định của Thông tư muốn khả thi và phù hợp với thực tế thì sẽ buộc phải trái với quy định của Nghị định, thậm chí trái luật.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về những điểm mà ông cho là bộ Công Thương “sửa sai” trong dự thảo Nghị định lần này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi nói đây là sự sửa sai quy định hiện hành tại điểm c, khoản 1, Điều 10 về Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa và Điều 15 về Xuất xứ hàng hóa tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/7/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lần này là chỉ quy định duy nhất xuất xứ hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa, mà không có trường hợp ngoại trừ “Đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hóa đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa” như quy định tại Điều 17 về Xuất xứ hàng hóa trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa trước đó.

Cùng với đó, việc ghi xuất xứ hàng hóa vẫn tương tự như quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ hiện hành với các cụm từ: Sản xuất tại Việt Nam, Chế tạo tại Việt Nam, Nước sản xuất: Việt Nam, Xuất xứ: Việt Nam và Sản xuất bởi: Việt Nam.

Tuy nhiên, ngay từ tên gọi của Nghị định là Quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, chứ không chỉ còn là quy định về “xuất xứ hàng hóa” như Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng như Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Trong phần định hướng xây dựng Nghị định, có nêu “Trường hợp không chắc chắn về xuất xứ Việt Nam, cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn thể hiện nguồn gốc hàng hóa theo cách khác trên nhãn hàng hóa”. Đây chính là việc khôi phục quy định cũ, thay thế cho việc phải ghi xuất xứ hàng hóa bằng cách ghi các cụm từ sau: Thiết kế tại Việt Nam, Thiết kế bởi [Tên Công ty/Tập đoàn], Lắp ráp tại Việt Nam, Hoàn tất tại Việt Nam, Lắp ráp bởi [Tên Công ty/Tập đoàn], Chế biến bởi [Tên Công ty/Tập đoàn], Sản phẩm của [Tên Công ty/Tập đoàn] và Đóng gói và dán nhãn bởi [Tên Công ty/Tập đoàn].

Nghị định riêng về “Sản xuất tại Việt Nam”: Sửa sai, không cần thiết! - Ảnh 1

Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch công ty luật BASICO (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Cần lộ trình áp dụng cho doanh nghiệp

PV: Theo ông, so với dự thảo Thông tư ban hành trước đó, dự thảo Nghị định Sản xuất tại Việt Nam lần này cần lưu ý điều gì?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng, Nghị định đưa ra không chỉ là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư, mà đó phải là sự thay đổi quan điểm xử lý vấn đề hoàn toàn khác trước đây.

PV: Ông có thêm đóng góp, bổ sung gì cho dự thảo Nghị định Sản xuất tại Việt Nam?

Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi cho rằng cần giảm thiểu sự khác biệt về quy định xuất xứ hàng hóa xuất, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Điều này sẽ góp phần tạo ra một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng thời giảm bớt sự khó khăn trong việc thực thi của doanh nghiệp và nhận biết của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, nên xem xét, không nhất thiết phải ban hành một nghị định riêng mà có thể sửa đổi hoặc ban hành mới nghị định về nhãn hàng hóa, trong đó có một chương về xuất xứ hàng hóa. Ngoài ra, cũng cần phải sửa từ “chế biến” trong quy định xuất xứ hàng hóa “Nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó”.

PV: Ông có cho rằng, doanh nghiệp sẽ phải chịu sự phiền hà nếu dự thảo Nghị định này được thông qua?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đây không phải là quy định mới đặt ra thêm mà là chỉnh sửa quy định hiện hành cho hợp lý, khả thi hơn. Để bớt tốn kém cho doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần đưa ra lộ trình. Có thể là 3 - 5 năm mới bắt buộc phải thực hiện.

Và chắc chắn để thực hiện những yêu cầu của pháp luật thì doanh nghiệp sẽ phải tốn kém chi phí, không nhiều thì ít. Đó là điều không thể tránh khỏi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các loại đồ chơi Trung Thu sản xuất tại Việt Nam được ưa chuộng Các loại đồ chơi Trung Thu sản xuất tại Việt Nam được ưa chuộng
Netflix muốn sản xuất tại Việt Nam, cơ hội cho phim Việt ra thế giới? Netflix muốn sản xuất tại Việt Nam, cơ hội cho phim Việt ra thế giới?
Hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Việt Nam, tranh cãi vì quá rối Hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Việt Nam, tranh cãi vì quá rối

/ www.doisongphapluat.com