Nghệ sĩ, thần tượng ảo: Không scandal, không bê bối đời tư, nhưng…

Ann -“Thần tượng âm nhạc ảo” (virtual idol) đầu tiên của Việt Nam vừa ra mắt một MV hoàn chỉnh “Làm sao nói thương anh” hồi giữa tháng 3. Nữ ca sĩ ra đời dựa trên thuật toán AI cùng kỹ xảo âm thanh sống động. Đây là mô hình mới tại Việt Nam nhưng cũng đã khá phổ biến ở nhiều nước châu Á. Tương lai nào cho ca sĩ ảo tại Việt Nam là điều nhiều người băn khoăn.

Tranh cãi giọng hát, kỹ xảo trong MV của Ann

Tự nhận mình là người "mù công nghệ" nên luôn bị thu hút bởi những gì lạ lẫm, ca sĩ Phương Thanh phải thốt lên khi lần đầu nghe giọng hát của Ann: "Người ảo hát quá dữ dội, ca sĩ thật không hát lại”. Bình luận về sản phẩm âm nhạc này, giọng ca “Trống vắng” khen các khung hình được vẽ đẹp, trau chuốt, mang nhiều cảm xúc cho mình. Về bài hát và giọng hát của ca sĩ ảo, chị thấy "mới lạ, dễ thương và đủ tính giải trí".

Nghệ sĩ, thần tượng ảo: Không scandal, không bê bối đời tư, nhưng… -0
Phương Thanh chụp ảnh bên ca sĩ ảo Ann.

“Làm sao nói thương anh” là sáng tác mới của Kim Ngân về tình yêu đơn phương trong sáng, thuần khiết của một cô gái. MV bám sát lời bài hát, kể câu chuyện của cô gái ảo tên Ann thầm yêu một chàng trai người thật.

Về diện mạo, Ann được tạo hình là một ca sĩ 18 tuổi, mang phong cách nhẹ nhàng và trẻ trung. Đặc biệt, Ann sở hữu nhiều đường nét châu Á như gương mặt nhỏ nhắn, mắt to tròn, đôi môi căng mọng... "Chúng tôi chọn độ tuổi này vì là tuổi đẹp nhất của người con gái. Dù là ca sĩ ảo nhưng giao diện bên ngoài của cô ấy không hoàn hảo 100% từ tóc, da đến mặt mũi. Bởi lẽ không có một idol nào hoàn hảo cả", đại diện ê-kíp chia sẻ.

Nói thêm về đặc tính nổi bật của Ann, nhà sáng lập Bobo Đặng tiết lộ: “Việc xử lý ca khúc cho Ann rất khác biệt so với ca sĩ thật. Giọng hát của Ann được tổng hợp, xử lý bằng AI (trí thông minh nhân tạo) từ rất nhiều giọng thật sao cho phù hợp với ngoại hình của cô và định hướng của ê-kíp. Chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn hơn như việc chọn lọc màu giọng, tái tạo kỹ thuật số và kết hợp kỹ thuật thu âm để tạo ra giọng ưng ý. Để thêm vào cảm xúc, chúng tôi cũng sử dụng nhiều âm thanh tự nhiên của con người như tiếng thở hoặc tiếng lấy hơi để tạo độ chân thật”. Theo ê-kíp, họ chọn sản phẩm ballad để Ann làm quen với khán giả. Tương lai, họ định hướng thần tượng ảo theo dòng nhạc rock-baby voice thịnh hành ở Nhật Bản.

Bất chấp kỳ vọng, tốc độ lan tỏa của MV "Làm sao nói thương anh" vẫn còn ở mức khiêm tốn. MV hiện có hơn 166.000 lượt xem sau 9 ngày ra mắt, cùng với đó là nhiều bình luận trái chiều. Bên cạnh lời động viên dành cho ê-kíp, một số khán giả nhận xét giọng hát của Ann cũng chưa hay, thiếu cảm xúc nên khó thể chinh phục người nghe. Mặt khác, cử động của Ann chưa thực nhanh nhẹn, trơn tru, đồ họa tạo cảm giác cũ kỹ. Đặc biệt, môi nhân vật cử động chưa khớp với lời bài hát. Khán giả cho rằng, Ann cần được đầu tư nâng cấp để càng trở nên sống động, chân thật hơn.

Hatsune_Miku_bieu_dien_tai_conce-1679889201830.png
Hatsune Miku biểu diễn tại concert cá nhân.

"Giọng siêu hay, ngoại hình đẹp, có điều biểu cảm của Ann vô hồn và đơ quá. Chỉ cần cho Ann biểu lộ cảm xúc chân thật nữa là hoàn hảo luôn"; "Nghe bài này nhớ lại bài "Chờ ngày anh nhận ra em" của Thùy Chi quá. Giai điệu, giọng hát và cả âm vực giống 90% rồi"; "Thị trường âm nhạc Việt Nam rất khó tính, bài hát thì hay, nhưng rất dễ lãng quên. Mong Ann lần sau nên chọn hát bài sôi động có vũ đạo để thể hiện. AI hát khó có thể diễn tả được cái cảm xúc bài hát nhớ nhung, ngần ngại, và một tình yêu đơn phương được"... là một số bình luận của khán giả bên dưới MV của Ann.

Bất chấp tranh cãi, ê-kíp thực hiện Ann tại Việt Nam lại khá tự tin. Họ cho rằng ca sĩ ảo có nhiều lợi thế như: Trẻ mãi không già, không scandal, không dính vào bê bối đời tư hay lùm xùm với công ty quản lý. Ê-kíp còn tham vọng tổ chức các live concert dành riêng cho Ann với công nghệ volumatric hologram. Không chỉ xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, nữ ca sĩ có thể biểu diễn trực tiếp trên sân khấu và giao lưu cùng khán giả, đóng phim, trình diễn thời trang, tham gia gameshow. Ann thậm chí cũng được ê-kíp kỳ vọng "thương mại hóa" trong vai trò đại sứ, tham gia quảng cáo nhãn hàng trong tương lai.

Kiếm bộn tiền từ virtual idol

Thực tế, công thức của Ann không khác những thần tượng ảo từng được xây dựng, phát triển thành công ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là mấy. Tờ CNN bình luận: “Ngành công nghiệp thần tượng ảo đang bùng nổ và cùng với nó là một nền kinh tế hoàn toàn mới hình thành. Những thần tượng này có lợi thế lớn vì không bao giờ già, không có bất kỳ vụ bê bối nào và hoàn hảo về ngoại hình - điều mà một quốc gia bị ám ảnh bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp luôn khao khát”.

Theo Pitchfork, Nhật Bản là nơi đầu tiên sản sinh ngôi sao ca nhạc 3D, từ đầu thập niên 1990. Kyoko Date được HoriPro - công ty tìm kiếm tài năng lớn nhất Nhật Bản tạo ra vào năm 1995. Ý tưởng từ HoriPro là ra mắt nghệ sĩ không bao giờ vướng bê bối, không mệt mỏi về thể chất, tinh thần khi tham gia các hoạt động. Ngoại hình của Kyoko Date là ảo, nhưng giọng hát do người thật thực hiện. Công ty đầu tư hàng triệu USD vào ca sĩ này, nhưng không gây tiếng vang do hạn chế kỹ thuật.

Nghệ sĩ, thần tượng ảo: Không scandal, không bê bối đời tư, nhưng… -0
Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Mãi đến năm 2007, Nhật Bản mới thành công với ca sĩ ảo Hatsune Miku. Ra mắt được 16 năm, Hatsune Miku đã tích lũy hơn 100.000 ca khúc. Hatsune Miku thậm chí còn tổ chức buổi hòa nhạc quốc tế đầu tiên, tại Nhà hát Nokia, Los Angeles, Mỹ, thuộc khuôn khổ Anime Expo 2011. Wochi Kochi tiết lộ, show diễn bán sạch vé trong vòng hai tuần, thậm chí phải bổ sung thêm ghế, tổng 5.000 chỗ ngồi được lấp đầy. Theo Wayback Machine, nguồn thu từ Hatsune Miku còn đến từ việc bán đĩa. Đỉnh điểm, doanh thu đĩa đơn ban đầu của Hatsune Miku cao đến mức Crypton (Crypton Future Media, công ty quản lý Hatsune Miku) không thể theo kịp nhu cầu. Trong 12 ngày, đã có 30.000 bản được bán ra.

Ở thị trường Hàn Quốc, ca sĩ ảo Adam ra mắt năm 1988. Thời điểm đó, album đầu tay của cô với ca khúc chủ đề “Love not in this world” đã bán được 200.000 bản, theo MK News.

Trong khi đó, Trung Quốc dù có thần tượng ảo “sinh sau đẻ muộn”, nhưng lại là quốc gia có lượng khán giả tiềm năng lớn nhất với đội ngũ nghệ sĩ này. Theo báo cáo nghiên cứu ngành thần tượng ảo Trung Quốc năm 2022 do iResearch phát hành, quy mô thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trong 4 năm liên tiếp (từ 2019 đến 2022), ca sĩ ảo đóng góp nguồn thu khá tốt, phục vụ nhu cầu giải trí của nhiều gia đình, đặc biệt ở thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, năm 2020, ngành công nghiệp này ở Trung Quốc thu về 3,5 tỷ nhân dân tệ (547 triệu USD), đạt hơn 6 tỷ nhân dân tệ trong năm 2021, theo iiMedia.

Tại đất nước tỷ dân này, Lạc Thiên Y - được ra mắt năm 2012 - là nhân vật tạo làn sóng mạnh mẽ. Cô được ra đời dựa trên công cụ tổng hợp giọng nói Vocaloid 3, sản xuất bởi công ty Yamaha.

Theo Zhuanlan, Lạc Thiên Y giúp nhà sáng lập bội thu nhờ tổ chức concert, tham gia sự kiện giải trí và đại diện cho nhiều thương hiệu. Điển hình, buổi hòa nhạc của “cô” vào năm 2017 từng bán sạch lô vé SVIP đầu tiên với giá 1.280 NDT (khoảng hơn 4,3 triệu đồng) mỗi vé. Cô cũng là ca sĩ ảo đầu tiên kết hợp với nghệ sĩ thật trong concert của Lang Lang năm 2019.

Hiện chưa có thống kê cụ thể về số lượng thần tượng ảo, nhưng ngoài những nhân vật nêu trên, có thể nhắc đến Lucy của Hàn Quốc, Lil Miquela của Mỹ, Lu của Brazil… Các nhân vật đều mang những đặc điểm riêng của châu lục, chủng tộc và công việc mà nhà sản xuất mong muốn.

Tương lai nào cho thần tượng ảo?

Thần tượng ảo được nhận định giúp giảm bớt rủi ro và có tiềm lực kinh tế lớn trong ngành giải trí. Giáo sư ngành truyền thông Lee Hye Jin nói với Yonhapnews rằng: "Ca sĩ ảo dễ kiểm soát hơn, không bị ràng buộc về thể chất và cảm xúc. Họ không bị cám dỗ bởi ma túy, dính vào các bê bối tình dục như thần tượng người thật". Còn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc cho biết, quyết định mời Lạc Thiên Y làm đại sứ vì "không gây hại" cho giới trẻ. Shi Wenxue - nhà phê bình văn hóa ở Bắc Kinh nói trên GlobalTimes thần tượng ảo giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đào tạo. Ngoài ra, việc duy trì mãi một độ tuổi cũng là lợi thế khác biệt trong ngành công nghiệp giải trí vốn có sự đào thải khốc liệt.

Nghệ sĩ, thần tượng ảo: Không scandal, không bê bối đời tư, nhưng… -0
Mô hình ca sĩ ảo được áp dụng thành công ở nhiều nước châu Á.

Song, thực tế cho thấy, việc đầu tư cho thần tượng ảo không hề dễ dàng. Như chia sẻ của đại diện công ty Shanghai Henian, dàn dựng một buổi hòa nhạc của nghệ sĩ ảo tốn nhiều nguồn lực hơn. Tiết lộ với SCMP, phía Shanghai Henian nói rằng, để chuẩn bị show trong hai giờ của Lạc Thiên Y, đội ngũ khoảng 200 người từ Trung Quốc và Nhật Bản làm việc suốt 6 tháng. Mọi chuyển động, nét mặt phải được tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật chụp chuyển động và mô hình 3D phức tạp.

Chính vì vậy, giáo sư Lee Hye Jin khẳng định với KJD rằng, nghệ sĩ ảo không thể thay thế thần tượng thực. "Các thần tượng AI có tính cách độc đáo, nhưng là nhân tạo, dựa trên thị hiếu của khán giả. Làm cách nào người hâm mộ có thể nuôi dưỡng mối quan hệ có ý nghĩa với những thực thể không tồn tại?", ông Lee nói.

Với trường hợp của Ann, nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đồng quan điểm cho rằng: “Sự phát triển của thần tượng ảo là sự phát triển tất yếu, dù chúng ta muốn hay không muốn thì thực tế này vẫn tồn tại. Đây là một tín hiệu tích cực, phản ánh đúng hiện thực của cuộc sống, sự phát triển của đời sống kinh tế, có dấu ấn của thời đại khoa học công nghệ.

Tuy nhiên việc ca sĩ ảo có thể thay thế ca sĩ thật không? Chắc chắn là không! Thần tượng ảo không thể bước ra ngoài đời thật, sống cuộc sống và có cảm xúc như người thật. Chẳng hạn ca sĩ có giọng hát rất hay, nhưng những lúc vui, buồn, với những trải nghiệm khác nhau sẽ cách xử lý, truyền tải cảm xúc khác nhau. Mỗi người nghệ sĩ lại còn có nét duyên, sức hút riêng biệt. Còn thần tượng ảo thì không làm được điều đó, dù họ sở hữu giọng hát vượt trội. Tôi tin rằng, thần tượng ảo vẫn tồn tại, luôn luôn tồn tại, sẽ phát triển mạnh hơn những gì chúng ta tưởng tượng, nhưng song hành với ca sĩ thật”.

Còn với ca sĩ Phương Thanh, dù ê-kíp sáng tạo Ann là “người nhà”, nhưng cô vẫn thận trọng cho rằng: “Người trẻ rất giỏi. Thế hệ tôi làm gì có ca sĩ ảo. Các bạn đã tốn nhiều tiền bạc, chất xám để tạo ra cô thần tượng này. Tuy nhiên, để biết mô hình này có trụ lâu ở thị trường Việt Nam hay không, cần thêm thời gian”.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/nghe-si-than-tuong-ao-khong-scandal-khong-be-boi-doi-tu-nhung-i687985/

Bạch Dương / antg.cand.com.vn