Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá

Các đạo diễn, nhà sản xuất, chuyên gia truyền thông gửi tới VTC News những đóng góp để tháo gỡ những nút thắt trong việc phát triển Công nghiệp văn hóa.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 1
 Là đạo diễn, nhà sản xuất của các chương trình hoa hậu, nghệ thuật lớn, đạo diễn Hoàng Nhật Nam có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ngành Công nghiệp văn hóa, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.

Vị đạo diễn này cho rằng, tới giờ phút này, không một ai có thể phủ nhận được sức mạnh của Công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ông cũng rất tự hào khi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đi nhiều, xem nhiều và làm nhiều khiến vị đạo diễn này cũng có nhiều trăn trở. Theo ông, việc phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam không nằm ở vấn đề sản phẩm, chất liệu, ý tưởng hay con người.

“Chúng ta có rất nhiều những đơn vị, những đạo diễn, những nghệ sĩ tài năng. Họ luôn có những ý tưởng táo bạo, cực kỳ thú vị. Họ học hỏi nhanh, tiếp thu nhanh về công nghệ để có thể cho ra những sản phẩm văn hóa hay, độc đáo.

Tuy nhiên, để những sản phẩm này trở thành niềm tự hào của một vùng đất, một thương hiệu của quốc gia thì cần sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện của nhà nước và đông đảo các thành phần xã hội”.

Lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: “Trong lĩnh vực văn hóa, giải trí sẽ luôn luôn có những yếu tố bất ngờ, kịch tính mà chúng ta thường gọi là "drama" có thể xảy ra vào phút chót. Nó ập đến như những cơn bão, khiến các nghệ sĩ, nhà sản xuất trở tay không kịp. Những yếu tố đó luôn khiến chúng tôi cảm thấy thấp thỏm, lo sợ mỗi khi bắt tay vào thực hiện một dự án.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 2
 Show diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".

Với các doanh nghiệp trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn, những khó khăn về tài chính thôi chưa đủ, họ còn phải đối diện với hàng loạt những trở ngại từ phía những quy định, chính sách của Nhà nước. Chúng tôi cần có những quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, công tâm hơn để yên tâm hoạt động và sáng tạo”.

Cũng theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam: “Nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã đầu tư cho Công nghiệp văn hóa đã bỏ không chỉ có tiền, mà còn có cả tâm sức, tài lực vật lực, phải thật sự phải nếm mật nằm gai mới có thể vượt qua những khó khăn của thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.

Do vậy, họ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về những chính sách quy định hoặc những sự hỗ trợ khác liên quan đến vấn đề truyền thông, quảng bá.

Chỉ khi có sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện của nhà nước thì các sản phẩm văn hóa mới được phát triển mạnh mẽ hơn”.

Trước đó, trong Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng có nhận định: “Công nghiệp văn hóa là là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà bài toán nằm ở chỗ chúng ta có dám cho làm không”.

Ông Hoàng Nhật Nam chia sẻ thêm: Việt Nam có một nền nghệ thuật truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc, mà đây chính là mỏ vàng để chúng ta khai thác khi phát triển công nghiệp văn hóa.

“Chúng ta có một bề dày văn hóa cực kỳ đặc sắc. Mỗi vùng miền từ Bắc – Trung -Nam hay vùng đồng bằng, miền biển cho đến cao nguyên… tất cả đều có những nét đặc sắc và thú vị riêng.

Trong những năm hoạt động nghệ thuật, trong vai trò đạo diễn những chương trình nghệ thuật cũng như thực cảnh, tôi được đắm chìm trong không gian và kho tàng vô cùng tận đó.

Với tôi, văn hóa truyền thống không chỉ là mỏ vàng mà còn giống như kim cương, thời gian càng dài, càng thêm giá trị. Tôi thấy tự hào khi là người Việt Nam. Tôi và chắc chắn nhiều đồng nghiệp khác luôn ấp ủ làm sao để khai thác những chất liệu tuyệt vời này để tạo nên những show diễn để đời, góp phần thúc đẩy về kinh tế, quảng bá về văn hóa, du lịch của đất nước”.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 3
 Chung nhận định với đạo diễn Hoàng Nhật Nam, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và năng lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

“Là một thành viên trong CLB Doanh nghiệp sáng tạo, chúng tôi có nghiên cứu và thấy năng lực cạnh tranh, sử dụng trí sáng tạo của con người là lĩnh vực chúng ta vẫn có thể cạnh tranh với quốc tế. Đó là một điểm mạnh của chúng ta khi thực hiện Công nghiệp văn hóa”.

Ông Vinh chỉ rõ tính đặc thù của Công nghiệp văn hóa. Ông nói: “Ngành Công nghiệp văn hoá khác với những ngành công nghiệp khác. Muốn phát triển Công nghiệp văn hoá, cần có sự tham gia của cả một hệ thống, trong đó vai trò của nhà nước rất quan trọng.

Không chỉ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, nhà nước phải có hệ thống chính sách giúp các nhà đầu tư tư nhân kinh doanh vào lĩnh vực văn hóa có lãi. Hay nói cách khác, muốn phát triển Công nghiệp văn hoá, chúng ta phải tạo ra thị trường văn hoá”.

Thế nhưng, ở một số lĩnh vực, vai trò của nhà nước chưa được phát huy một cách tối đa. Ông Vinh lấy ví dụ cụ thể trong lĩnh vực điện ảnh.

“Với điện ảnh nhà nước, hiện nay, chúng ta vẫn theo định hướng sản xuất sản phẩm điện ảnh để tạo ra sản phẩm giải trí phục vụ cho một nhóm công chúng, vì một lợi ích nào đó, bao gồm cả lợi ích chính trị chứ chưa hướng theo cơ chế thị trường.

Các sản phẩm điện ảnh nhà nước được sản xuất nhưng chưa nghĩ tới việc làm thế nào để phát hành rộng rãi, thu hồi vốn và tính tới chuyện có lãi. Đó là lý do người ta hay nói: Phim nhà nước làm cho xong rồi cất vào kho.

Điển hình như Đào, phở và piano, nhiều người muốn xem nhưng không biết xem ở đâu. Điều này càng cho thấy được lỗ hổng trong tư duy và cơ chế, chứ không phải năng lực của cá nhân.

Ngân sách đổ ra làm phim, người được thuê để sản xuất phim chỉ quan tâm làm thế nào để chi tiền làm phim. Họ không có tiền để làm marketing, phân phối thì không thể nào đưa tác phẩm tiếp cận được thị trường”.

Khi Đào, phở và piano gây sốt, lãnh đạo Cục điện ảnh có đề nghị phim được công chiếu trên toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ có hai hệ thống rạp ủng hộ. Lý do đơn giản là phim do nhà nước đặt hàng sản xuất, nên toàn bộ doanh thu từ việc bán vé phải nộp lại cho nhà nước.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 4
 

Ông Lê Quốc Vinh nói thẳng: “Chỉ có những rạp kinh doanh không hiệu quả, họ sẵn sàng chiếu phi lợi nhuận để phục vụ cho mục đích thu hút khách. Tuy nhiên với những cụm rạp lớn như CGV, chắc chắn sẽ không thể hy sinh để phục vụ cho một sản phẩm nhà nước mà chẳng thu lại doanh số nào. Tôi nghĩ khi đã gọi là nền Công nghiệp văn hoá thì chúng ta cần phải sòng phẳng với cơ chế thị trường”.

“Muốn làm Công nghiệp văn hoá, nhưng lại non nớt về cơ chế thị trường, và gạt ra ngoài hoạt động marketing, thì không thể nào làm được” – chuyên gia này nói.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 5
 Chia sẻ với phóng viên VTC News, nhà nghiên cứu văn hóa – đạo diễn Ngô Hương Giang nói: "Khi đã có nền công nghiệp hoá thì sẽ có Công nghiệp văn hoá. Công nghiệp văn hoá được xem là bước phát triển cao nhất trong quá trình công nghiệp hoá ở một đất nước".

Đạo diễn Ngô Hương Giang chỉ ra những đặc của Việt Nam trong quá trình này: “Chúng ta bước đầu chú trọng đến đầu tư mang tính chuyên sâu, đồng bộ. Song vẫn chủ yếu là do các tập đoàn tư nhân kết hợp giữa phát triển du lịch gắn liền với phát triển văn hoá.

Tiếp đến, một số sản phẩm âm nhạc dù đã có bước phát triển chuyên biệt, tiệm cận với xu hướng chung của khu vực nhưng chủ yếu vẫn do các cá nhân tự đầu tư”.

Theo ông Ngô Hương Giang: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta đang vướng phải trong quá trình xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa có lẽ vẫn là cơ chế xét duyệt. Thực tiễn cho thấy trong nhiều năm trở lại đây, rất nhiều sản phẩm phim điện ảnh của chúng ta được đầu tư lớn, bài bản, được giới chuyên môn đánh giá cao, song sản phẩm không thể ra rạp được vì một phần lớn nằm ở cơ chế xét duyệt nhiều thủ tục rườm rà, chồng chéo nhau.

Thậm chí có phim với mức đầu tư cả triệu USD bị “chết yểu” chỉ vì tính chủ quan trong khi thẩm định, xét duyệt sản phẩm trước khi ra rạp. Và có những bộ phim ra rạp rồi, do dư luận trái chiều mà bị ảnh hưởng, thậm chí bị ngưng chiếu.

Tôi nhớ khi bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra rạp thì xuất hiện một số ý kiến phê bình, quy chụp, suy diễn với những dữ kiện lịch sử đầu thế kỷ 20, có thời điểm truyền thông còn yêu cầu Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cấm chiếu. Trong khi đó, nếu ai xem kỹ bộ phim này thì sẽ thấy những suy diễn trên đều thiếu cơ sở. Mặc dù vẫn được trình chiếu, nhưng tác động từ dư luận đã khiến bộ phim giảm sức ảnh hưởng, cũng như doanh thu là điều dễ thấy”.

Trong khi cơ chế xét duyệt đang còn nhiều bó buộc thì chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang lại chỉ ra những đơn vị có chức năng bảo vệ cho các sản phẩm văn hoá không có nhiều tiếng nói

“Thiếu cơ chế thông thoáng, thiếu tính quyết đoán, thiếu tận tâm trong việc bảo vệ các sản phẩm văn hoá trước làn sóng dư luận phản chiều hay "truyền thông đen", nhiều sản phẩm văn hoá đã phải “chết yểu” hoặc bị “cắt gọt” bớt các nội dung để có thể tồn tại” – Ông Giang nhấn mạnh.

Nghệ sĩ, chuyên gia hiến kế cho Công nghiệp văn hoá - 6
Ông Ngô Hương Giang cho rằng: “Để nền Công nghiệp văn hoá của chúng ta thực sự lớn mạnh, ngoài tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư bài bản thì việc tháo gỡ các hành lang cơ chế, cũng như phát huy vai trò bảo vệ của các tổ chức nghề nghiệp cho các sản phẩm chính là yếu tố cần và đủ.

Bên cạnh việc gỡ rối các cơ chế, tăng cường sự bảo vệ công bằng cho các giá trị nghệ thuật, việc tôn vinh những nghệ sĩ cùng sản phẩm văn hoá của họ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Việc ghi nhận các nghệ sĩ, ngôi sao có nhiều đóng góp cho nền văn hoá Việt Nam nói chung, nền Công nghiệp văn hoá nói riêng không chỉ là sự động viên, khích lệ từ phía các cơ quan, đoàn thể mà còn là động lực để phát triển bền vững”.

https://vtcnews.vn/nghe-si-chuyen-gia-hien-ke-cho-cong-nghiep-van-hoa-ar869529.html

Thanh Tùng - Trịnh Trang / VTC News