Ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ: Vì sao đảng Dân chủ không mấy lạc quan?

Đảng Dân chủ không mấy lạc quan về chiến thắng kể cả ở các bang truyền thống, trong khi đảng Cộng hòa mong chờ “làn sóng đỏ” xuất hiện.

Chiến dịch tranh cử đầy sóng gió của ứng viên lưỡng đảng Mỹ đi đến những ngày cuối cùng hôm 6/11. Tờ New York Times nhận định, cử tri Mỹ - trong hoàn cảnh lạm phát kỷ lục, lo lắng về các vấn đề an sinh cá nhân và sự ổn định của nền dân chủ - dường như đang thể hiện rằng họ đã sẵn sàng khép lại thời kỳ kiểm soát của đảng Dân chủ tại Washington và đón nhận một chính phủ cân bằng hơn, nhưng cũng chia rẽ hơn.

Sau những tuyên bố vận động tranh cử trên khắp cả nước, các ứng viên Cộng hòa bước vào giai đoạn nước rút với sự tự tin rằng họ hoàn toàn có thể giành quyền kiểm soát hạ viện và thậm chí cả thượng viện. Trong khi đó các ứng viên Dân chủ chuẩn bị tinh thần để thua ngay cả ở các bang xanh truyền thống.

Ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ: Vì sao đảng Dân chủ không mấy lạc quan? - 1

Bầu cử giữa kỳ Mỹ diễn ra trong bối cảnh khó khăn kinh tế có thể tác động lớn đến phiếu bầu của cử tri. (Ảnh minh họa)

Sự xuất hiện của các tổng thống

Hôm 6/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden “ra quân” vận động cho nữ thống đốc Kathy Hochul bang New York, khu vực mà bà đã giành 80% số phiếu vào năm 2020. Điều này cho thấy thách thức lớn với đảng Dân chủ ở thời điểm hai năm sau khi chính quyền Biden triển khai các chương trình nghị sự trong nước. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu với những người ủng hộ ở Miami (truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ), dấu hiệu đảng Cộng hòa tự tin rằng lần đầu tiên sau hai thập kỷ, họ có thể “lật ngược thế cờ” hạt đông dân nhất bang Florida này.

Trong buổi vận động tại trường Cao đẳng Sarah Lawrence ở Bronxville, New York, ông Biden mô tả ngày bầu cử giữa kỳ và chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 sắp tới là "bước ngoặt" 20 năm tới. Ông nói, các cử tri có sự lựa chọn rõ ràng giữa hai “tầm nhìn cơ bản khác nhau về nước Mỹ”.

Ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ: Vì sao đảng Dân chủ không mấy lạc quan? - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: CNN)

Cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, trong khi đó nói đảng Dân chủ chưa đủ cứng rắn trước tội phạm, nhắc lại những bất bình của ông về cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đồng thời cho rằng ông đã truyền động lực được cho nhóm cử tri gốc Tây Ban Nha, đặc biệt là ở Florida, về việc chuyển sang ủng hộ đảng Cộng hòa. “Chúng ta sẽ giành lại nước Mỹ”, ông nói.

Sau cao điểm dịch bệnh, sau sự kiện chấn động ngày 6/1 khi đám đông biểu tình bạo lực tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ, và sau phán quyết về quyền phá thai mang tính lịch sử, giờ đây nước Mỹ tiếp tục trải qua cuộc bầu cử trong bối cảnh chia rẽ dữ dội, bạo lực chính trị và những luồng thông tin sai lệch về bầu cử gia tăng.

Xu hướng lịch sử?

Đa số cử tri vẫn xem kinh tế là mối quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó là các vấn đề như bảo vệ nền dân chủ hoặc quyền phá thai. Gần 3/4 người Mỹ tin rằng nền dân chủ đang gặp nguy hiểm, và đều xác định đảng đối lập với họ là mối đe dọa lớn.

Hiện câu hỏi cho đảng Dân chủ là liệu họ có vượt qua “xu hướng lịch sử” hay không: Từ năm 1934, gần như mọi tổng thống Mỹ đều để mất ghế đảng của mình trong quốc hội, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên. Hơn nữa, một điều gần như đã quá điển hình là cử tri thường muốn “trừng phạt” đảng đang nắm kiểm soát khi nền kinh tế ở trong tình trạng tồi tệ. Những ý này đều cho thấy đảng Cộng hòa có thể giành lợi thế.

Ngày trước bầu cử giữa kỳ Mỹ: Vì sao đảng Dân chủ không mấy lạc quan? - 3

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Fox)

 

Sau nhiều ngày vận động tranh cử ở Nevada, ứng viên đảng Cộng hòa Adam Laxalt, người đang chạy đua vào vị trí của thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto, nói với người ủng hộ về dự đoán sẽ có một “làn sóng đỏ sâu rộng” xuất hiện. Ông Laxalt nhấn mạnh rằng ông Biden đã không vận động ở Nevada năm nay và chỉ trích tổng thống về tình trạng lạm phát 15% của bang.

Một số dấu hiệu ban đầu cũng đang cho thấy các thành phần cử tri quan trọng đã giúp thúc đẩy đảng Dân chủ giành chiến thắng trong năm 2018 và 2020 – nhóm phụ nữ da trắng ôn hòa ở ngoại ô và nhóm gốc Latinh - đang nghiêng về các ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Trong Hạ viện, nơi đảng Cộng hòa cần lật năm ghế để giành kiểm soát, đảng này đang cạnh tranh ở các hạt được coi là “căn cứ” của đảng Dân chủ, bao gồm ở Rhode Island, ngoại ô New York, Oregon và California. Các chiến lược gia của đảng Cộng hòa đã nói về vị thế đáng ngạc nhiên của họ trong các cuộc đua giành thống đốc ở các bang thường có màu xanh như New York, New Mexico và Oregon.

Một số chiến lược gia cũng ước tính số ghế mà đảng Cộng hòa có thể giành được sẽ nhiều hơn nữa do tái phân chia khu vực bầu cử (redistricting), cộng với việc các nghị sĩ Dân chủ nghỉ hưu, bỏ trống ghế.

Ở Thượng viện, tình hình vẫn khá xáo trộn. Các ứng cử viên chạy đua sát nút ở ba bang - Georgia, Nevada và Pennsylvania. Những cuộc đua căng thẳng cũng diễn ra ở ít nhất bốn bang khác.

“Mọi người thuộc phe Cộng hòa nên lạc quan”, Thượng nghị sĩ Rick Scott, một đảng viên Cộng hòa ở Florida và là người đứng đầu chi nhánh chiến dịch của đảng này, nói. Ông Scott dự đoán đảng của ông sẽ có được số ghế cần thiết, hơn 51 ghế để kiểm soát thượng viện.

Các cuộc bầu cử quốc hội ít mang lại thay đổi lớn hơn, vì ông Biden sẽ vẫn ở trong Nhà Trắng để ngăn chặn các nhà lập pháp đảng Cộng hòa. Tuy nhiên với viễn cảnh chiếm ưu thế ở các cơ quan lập pháp tiểu bang, đảng này có thể nắm quyền kiểm soát lớn hơn với các điều luật ở cấp địa phương.

Kết quả chưa chắc chắn

Dù các dự đoán đưa ra như thế nào, những sự kiện hỗn loạn thời kỳ hậu Trump cùng với chính cơ chế của các cuộc bầu cử đã đóng một vai trò lớn dẫn đến sự không chắc chắn vào kết quả bầu cử giữa kỳ năm 2022.

Các chiến lược gia của đảng Dân chủ tỏ ra lạc quan với kết quả bỏ phiếu sớm, nói rằng con số thậm chí còn cao hơn hai năm trước khi đảng này “càn quét” hạ viện. Theo Tom Bonier, giám đốc điều hành của TargetSmart, một công ty phân tích dữ liệu chính trị, hơn 30 triệu lá phiếu đã được bỏ, vượt tổng số năm 2018.

Nhưng các ứng cử viên đảng Cộng hòa đã đi theo ông Trump trong việc chỉ trích bỏ phiếu qua thư và khuyến khích cử tri của họ bỏ phiếu vào Ngày bầu cử. Vì vậy, những con số ban đầu của đảng Dân chủ có thể bị xô đổ bởi các phiếu bầu của đảng Cộng hòa vào ngày 8/11.

Đảng Dân chủ hiện kiểm soát cả thượng viện và nghị viện, và việc mất một trong hai viện vào tay đảng Cộng hòa sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của đảng Dân chủ trong hai năm tiếp theo nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Với Thượng viện, số ghế đang cân bằng 50-50 nhưng do đảng Dân chủ kiểm soát vì Phó Tổng thống Kamala Harris đảng Dân chủ có vai trò bỏ phiếu cuối. Thượng viện gồm 100 thành viên, với hai người được chọn từ mỗi bang trong tổng 50 bang. Không phải tất cả 100 ghế thượng nghị sĩ đều được bầu lại cùng một lúc. Năm nay, sẽ có 34 ghế được bầu, người chiến thắng có nhiệm kỳ sáu năm. 

Hạ viện, với 435 thành viên, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát với tỷ lệ 222-213. Tất cả 435 ghế đều được tranh cử đợt này, người chiến thắng sẽ có nhiệm kỳ hai năm. 

 

https://vtc.vn/ngay-truoc-bau-cu-giua-ky-my-vi-sao-dang-dan-chu-khong-may-lac-quan-ar712200.html

PHƯƠNG ANH(Nguồn: NYTIMES) / Theo VTC News