Chuyên gia cho biết, ngay sau bão số 9, khả năng sẽ xuất hiện cơn bão số 10 và trong nửa đầu tháng 11 dự báo có thêm 1 – 2 cơn bão nữa xuất hiện trên Biển Đông.
Tại cuộc họp thông tin về cơn bão số 9 của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn chiều 26/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, ngay sau cơn bão số 9, khả năng lại xuất hiện cơn bão số 10. Trong nửa đầu tháng 11, dự báo có thêm 1 – 2 cơn bão nữa xuất hiện trên Biển Đông.
"Tuy nhiên, vì bão số 9 là cơn bão rất mạnh khi vào bờ nên phải tập trung ứng phó", ông Lâm nói.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đối với các cơn bão khi vào Việt Nam sẽ kèm theo khối mây đối lưu trước bão gây dông, gió giật mạnh và cơn số 9 cũng không ngoại lệ.
Do vậy, dự báo đến ngày 28 bão mới đổ bộ đất liền nhưng ảnh hưởng, tác động của bão sẽ đến từ đêm 27. Vì vậy, ông Lâm lưu ý, mọi công việc chuẩn bị, ứng phó với bão cần hoàn tất trong ngày 27.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. |
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đây là cơn bão mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia rất quan tâm đến tác động của sóng ở trên biển và ven bờ.
"Bão số 9 khi vào Biển Đông đã đạt cấp 12, 13, các cơ quan quốc tế cũng dự báo khả năng gây ra sóng biển trên 10m, đây là độ cao sóng rất hiếm khi xuất hiện trên Biển Đông. Sóng lớn không chỉ xảy ra với trọng tâm của bão mà còn ở khu vực Bắc Trung Bộ", ông Thuỷ nói.
Ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhấn mạnh, nước ta đang đối mặt với cơn bão lớn, mạnh nhất từ đầu năm và có thể là mạnh nhất trong mùa mưa bão năm nay.
Bão hiện đang ở cấp 12, giật cấp 15. Đây là cơn bão di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ cũng rất sớm. Đến đêm mai, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Theo ông Năng, bão số 9 sẽ gây ra tổ hợp liên hoàn các hệ quả bao gồm gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước biển dâng và mưa lũ.
Bão số 9 sẽ gây mưa lớn trong 2 giai đoạn, đợt thứ nhất là mưa trực tiếp do bão và đợt thứ hai là do hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh.
Cụ thể, từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt.
Các sông từ Nghệ An đến Phú Yên xuất hiện các đợt lũ, nguy cơ cao xảy ra ngập úng diện rộng trở lại, cùng với nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra mức độ cảnh báo thiên tai cấp 4, trọng tâm từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Bão số 9 mạnh nhất từ đầu năm, sẽ gây tổ hợp liên hoàn các hệ quả cho miền Trung
Các chuyên gia nhận định bão số 9 là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm, sẽ đi vào đất liền trong 48 giờ tới, ... |
Miền Trung lên phương án sơ tán dân đối phó bão số 9
Chủ động đối phó với bão số 9, các tỉnh Nam Trung bộ khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú tránh, lên kế ... |