Ở nơi phố thị ồn ào, có một lớp học vô cùng đặc biệt. Học sinh đến lớp chỉ cần biết đọc, biết viết; còn phụ huynh không phải toát mồ hôi lo quỹ lớp, quỹ trường…
Càng về cuối mùa, chiếc áo thu mà Hà Nội khoác lên mình càng sắc nét và đằm thắm hơn bao giờ hết. Những vạt nắng vàng ươm nương mình trong từng cơn gió nhẹ, thổi vào lòng người bao rung cảm miên man. Chúng tôi đến thăm “lớp học đặc biệt” của cô Phạm Thị Huyền Chân (giáo viên trường tiểu học Đoàn Kết, Mộ Lao, Hà Đông) vào một buổi sáng dịu dàng nhường ấy.
Lớp học tình thương của trường tiểu học Đoàn Kết được mở từ năm 2001, cô giáo Phạm Thị Huyền Chân cũng đã gắn bó với lớp học suốt từ đó đến nay.
Lớp học "dịch chuyển" nhiều lần. Cô trò ban đầu học tại nhà dân, rồi chuyển sang tổ dân phố số 10 cho đến khi hội trường nhà văn hóa của tổ dân phố số 9 (phường Quang Trung) được xây xong.
Vì mượn hội trường của tổ dân phố, nên lớp học luôn phải "đóng kín cửa" theo nghĩa đen. "Ở trường còn có bảo vệ chứ ở đây là khu lẻ, người dân vẫn vô tư bế cháu vào chơi. Bởi vậy, học sinh đến là cô cài cửa luôn", cô Chân kể.
Cô Chân dạy theo chương trình riêng của giáo dục thường xuyên, tuy nhiên có sự linh hoạt, phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học trò.
“Tôi chỉ yêu cầu các con phải biết 10 chữ số và biết đọc, biết viết. Bây giờ thời buổi công nghệ, muốn hay không, các con cũng phải bấm được số điện thoại trong những trường hợp cấp thiết; biết những đồ vật thân thuộc xung quanh là hình tròn hay hình tam giác. Ngoài ra, các con cần đọc được nội dung để ký tên vào các đơn từ thông dụng”, cô Chân nói.
Khi dạy Địa, dạy Sử, hay kể chuyện cô Chân luôn lồng ghép tình hình thực tiễn địa phương.
Cô bảo: “Kết hợp với thực tế thì trẻ con bao giờ cũng dễ nhớ hơn”. Tuy vậy, cô cũng bùi ngùi: “Dạy các con cộng trừ trong phạm vi nhất định, mong muốn các con ở nhà phụ giúp gia đình. Ở đây có bạn Sơn, trước tan học còn về nhà rửa xe, gia đình Sơn thì buôn bán nhưng bạn ấy cũng chẳng đỡ đần được mấy, vì hay tính nhầm lắm” .
Ở lớp học đặc biệt có những học sinh hết sức đặc biệt, đến sĩ số lớp cũng thay đổi liên tục.
“Bạn nhỏ nhất sinh năm 2000, bạn lớn nhất sinh năm 1980. Có bạn ốm nặng rồi qua đời. Có bạn nhiều tuổi nên nghỉ ở nhà. Có bạn quá tuổi quy định nhưng cả gia đình và học sinh đều tha thiết đến lớp nên cô không nỡ...”, cô Chân chia sẻ.
Cô Chân cũng chia sẻ, cách đây 16 năm, quận có 9 lớp tình thương. Sau khi các cô giáo về hưu thì lớp học cũng ngừng hoạt động. Lớp của cô Chân duy trì được lâu là nhờ các hoạt động ngoại khoá, khám chữa bệnh nhân đạo, tham quan...
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, cô Chân bộc bạch: "Trong một lần đưa các con đi tham quan, tôi chia lớp thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất do tôi dẫn còn nhóm thứ 2 do ông Côn (người phụ trách lớp tình thương cùng cô Chân-PV) quản lý. Đến lúc quay lại điểm hẹn, tim tôi suýt nhảy ra ngoài khi ông Côn thông báo Sơn (37 tuổi) bị mất tích. Tôi hoảng hốt tìm kiếm khắp nơi, liên tục gọi cho gia đình để thông báo. Hơn một tiếng đồng hồ sau mới thở phào nhẹ nhõm”. Hoá ra, Sơn đã leo lên tuyến xe bus đưa em tới công viên (theo chiều ngược lại) rồi tự đi về nhà. Từ đó về sau, cô không dám rời “các con” nửa bước.
Để tránh những rắc rối liên quan đến việc thu - chi trong lớp học, năm ngoái, cô Chân đã đề ra một quy định hết sức rõ ràng bằng văn bản. Cô nói: “Tôi soạn thảo văn bản rồi đưa cho các con mang về, trong đó ghi rõ phụ huynh có con em theo học lớp tình thương không phải đóng quỹ lớp, quỹ trường, không phải thăm hỏi cô giáo những ngày lễ, Tết, không có mặt trong các buổi bình xét cuối năm”. Nhân nói về quỹ lớp, cô Chân tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của phường, ban lãnh đạo trường tiểu học Đoàn Kết và các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, đến thăm, trao quà cho các học sinh trong lớp.
16 năm gắn bó với lớp học tình thương nhưng chưa bao giờ cô Chân nhận được một nhành hoa từ học sinh, phụ huynh trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Lần đầu tiên chứng kiến học trò tặng hoa, là đoá hoa tươi thắm dành cho một cô giáo khác. “Thằng bé ấy nghịch lắm, ngày thường đi khắp lớp gõ bàn, gõ ghế, quậy phá, chẳng chịu ngồi yên. Vậy mà vào hôm tổ chức chương trình chào mừng ngày Khai giảng, nó ngồi im, chăm chú lắng nghe các cô mầm non lên hát rồi cuối cùng hào hứng cầm hoa lên tặng các cô”, cô Chân vô tư kể lại.
Ít lâu nữa, khi trường tiểu học Đoàn Kết xây xong, học sinh của lớp học tình thương sẽ có một "lớp học" đúng nghĩa.
Nói về cô Chân, bà Vũ Kim Loan, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Kết cho biết: “Cô Chân là một tấm gương về sự yêu nghề, tận tâm trong công việc với rất nhiều người. Năm 2007, cô Chân được Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra, cô Chân cũng nhiều lần nhận được Bằng khen của quận, thành phố”.
Bà Vũ Kim Loan, Hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Kết.
Bà Loan cũng cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình cô còn nhiều khó khăn, nhưng cô vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc, chưa bao giờ cô phàn nàn về công việc của mình. Đối với cô Chân việc gắn bó với những đứa trẻ là niềm vui, là cuộc sống”.
Tạm biệt cô Chân, chúng tôi bước ra cửa cùng thứ cảm xúc khó nói thành lời. Sau lưng chúng tôi, tiếng ê a đứt quãng của “những đứa trẻ to xác” trong lớp học dần loãng ra rồi chìm nghỉm bởi đủ thứ âm thanh ồn ào, hỗn tạp ngoài phố thị.
Ngày 20/11, mọi người thường nhắc đến sự hy sinh, lòng nhiệt thành của các thầy, cô giáo ở vùng cao, vùng xa mà quên rằng, giữa thành phố rộng lớn xa hoa này cũng có những người đang "gieo chữ" trong kiên trì và lặng thầm như thế.
Hạn chế tiệc tùng dịp lễ 20/11 ở vùng lũ
Theo giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam tại các trường trên địa bàn phải hạn ... |
Làm sao để nhà giáo thật vui và hạnh phúc trong ngày 20/11
LTS: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Hữu Sơn đưa ra những chia sẻ và quan điểm của mình về việc tổ chức ... |
http://www.nguoiduatin.vn/ngay-20-11-tham-lop-hoc-cua-co-giao-chua-tung-nhan-1-nhanh-hoa-a346907.html