Ngành công nghiệp không khói của Hàn Quốc trước biến động chính trị

Từ các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đến công ty lữ hành, chuỗi khách sạn cũng như ngành dịch vụ lưu trú của Hàn Quốc đang hết sức dè chừng ảnh hưởng tiềm tàng của cuộc khủng hoảng chính trị sau lệnh thiết quân luật được đưa ra vào tuần trước.

Dịch vụ du lịch và lữ hành của Hàn Quốc, ngành "công nghiệp không khói" thu về 84,7 nghìn tỷ won (59,1 tỷ USD) vào năm 2023 và chiếm khoảng 3,8% GDP, đã trụ vững qua những thăng trầm trước đó, bao gồm cả cuộc luận tội Tổng thống năm 2016 và căng thẳng dai dẳng với Triều Tiên.

Dù vậy, nhiều cuộc khảo sát cho thấy các hoạt động du lịch giải trí và công tác có thể sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng sau vụ thiết quân luật hôm 3/12, trong bối cảnh ngành này đang tiến gần đến sự phục hồi hoàn toàn về lượng du khách, đạt 97% so với mức trước đại dịch COVID-19, tính đến tháng 10/2024.

hq.jpg -0

Thị trưởng TP Seoul Oh Se-hoon bày tỏ với báo chí ngày 12/12: "Có lo ngại rằng các vấn đề về an toàn ở Seoul sẽ dội gáo nước lạnh vào ngành Du lịch. Ngày càng có nhiều báo cáo về việc khách du lịch nước ngoài hủy chuyến thăm Seoul hoặc rút ngắn thời gian lưu trú". Thị trưởng khẳng định "Seoul vẫn an toàn" bằng tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật với giới truyền thông.

Theo các hãng tin của Hàn Quốc, cuộc sống thường ngày và các hoạt động du lịch vẫn diễn ra như thường lệ, bất chấp các cuộc biểu tình lớn được tổ chức, kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeol hủy bỏ lệnh thiết quân luật kéo dài 6 giờ vào ngày 4/12 sau khi Quốc hội bỏ phiếu bãi bỏ. Tập đoàn khách sạn Accor, sở hữu các thương hiệu như Fairmont và Sofitel, cho biết họ đã ghi nhận "sự gia tăng nhẹ" về tỷ lệ hủy phòng kể từ ngày 3/12, cao hơn khoảng 5% so với tháng 11.

Trong khi đó, Hiệp hội khởi nghiệp du lịch Hàn Quốc thông tin, lượng đặt phòng trong nửa đầu năm 2025 đã giảm mạnh. Các phòng tại những khách sạn trước đây đã được đặt kín ở thủ đô Seoul cũng không tránh khỏi tình cảnh bị hủy, một số khách sạn thậm chí còn giảm giá và đưa ra các ưu đãi đặc biệt để thu hút thêm nhiều lượt đặt phòng.

Bên cạnh du lịch, ngành công nghiệp thẩm mỹ của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. Nhiều phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ cao cấp tại khu vực Gangnam của Seoul cho biết không ít khách hàng nước ngoài đã hủy lịch khám kể từ vụ việc thiết quân luật, theo Yonhap. Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu trên thế giới về du lịch phẫu thuật thẩm mỹ và y tế.

Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất cũng đe dọa giáng một đòn mạnh vào thương hiệu quốc gia, vốn đang được cải thiện nhờ sự quảng bá văn hóa và thành công về kinh tế, Kim Wou-kyung, Giám đốc Cơ quan xúc tiến thương hiệu của Chính phủ Hàn Quốc cho biết. Sự nổi tiếng toàn cầu của phim truyền hình, âm nhạc và làm đẹp của Hàn Quốc, được gọi là "Làn sóng Hàn Quốc", cùng với danh tiếng về sự an toàn và các thương hiệu toàn cầu như Samsung, là những hình thức "quyền lực mềm" quan trọng mà chính phủ nước này tận dụng để tăng lượng khách du lịch. Hàn Quốc kỳ vọng sẽ tăng gần gấp đôi số lượng khách du lịch hằng năm vào năm 2027 so với năm 2019, lên 30 triệu khách.

Một trong những chiến lược của Hàn Quốc chính là tập trung vào mảng du lịch công tác theo nhóm sự kiện, như hội nghị và triển lãm. Lĩnh vực này có thể bị ảnh hưởng nếu cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài đến đầu năm sau. "Nếu Hàn Quốc vượt qua giai đoạn trước mắt, chưa từng có này, theo một lộ trình rõ ràng, thì tôi nghĩ rằng tác động thực sự sẽ không tệ đến vậy", Andrew Gilholm, Giám đốc công ty tư vấn rủi ro Control Risks Group cho biết. Ông nhận định danh tiếng của nước này "thậm chí có thể được cải thiện về lâu dài" thông qua việc Hàn Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào.

Liên quan đến những biến động chính trị, Tổng thống Hàn Quốc ngày 12/12 đã xuất hiện trong một video được đăng tải trên truyền hình kèm theo thông điệp gửi đến người dân nước này. Đây là lần thứ hai ông Yoon xuất hiện trước công chúng kể từ khi ban bố và thu hồi lệnh thiết quân luật. Trong thông điệp, ông Yoon nhấn mạnh việc sử dụng quyền lực để ban bố thiết quân luật là nhằm "bảo vệ quốc gia và bình thường hóa các vấn đề nhà nước" trước việc phe đối lập đang làm tê liệt chính phủ, đồng thời gọi đó là "phán quyết chính trị có cân nhắc kỹ lưỡng".

Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc ngày 12/12 đã thông qua thêm một dự luật do cố vấn đặc biệt đề xuất nhằm điều tra Tổng thống Yoon liên quan vụ áp đặt thiết quân luật bất thành và một dự luật đề xuất điều tra đặc biệt về đệ nhất phu nhân. Dự luật đã được Quốc hội thông qua với 195 phiếu thuận, 86 phiếu chống và 2 phiếu trắng tại phiên họp toàn thể. Không giống như cuộc điều tra thông thường của cố vấn đặc biệt, Tổng thống không thể thực hiện quyền phủ quyết một dự luật đối với cố vấn đặc biệt thường trực, mặc dù ông có thể trì hoãn việc bổ nhiệm cố vấn đó.

Trong phiên họp ngày 12/12, Quốc hội cũng thông qua hai kiến nghị luận tội đối với Bộ trưởng Tư pháp Park Sung-jae và Cho Ji-ho, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc, về vai trò của họ trong vụ áp đặt thiết quân luật của Tổng thống Yoon. Các kiến nghị luận tội đã được thông qua với tỷ lệ 195-100 đối với ông Park và 202-88 đối với ông Cho. Với việc thông qua các kiến nghị, hai quan chức này sẽ bị đình chỉ công tác cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc có duy trì luận tội hay không.

Ngoài ra, đảng Dân chủ đối lập sẽ đưa ra kiến nghị luận tội mới đối với Tổng thống Yoon trong ngày 12/12 và báo cáo lên phiên họp toàn thể vào ngày 13/12. Đảng đối lập dự kiến đưa ra kiến nghị bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể Quốc hội sắp tới vào ngày 14/12. Theo luật, một kiến nghị luận tội phải được đưa ra bỏ phiếu trong khoảng thời gian từ 24 đến 72 giờ sau khi được báo cáo lên phiên họp toàn thể. 

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nganh-cong-nghiep-khong-khoi-cua-han-quoc-truoc-bien-dong-chinh-tri-i753181/

Duy Tiến / cand.com.vn