Số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông 9 tháng của năm 2017 mới được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra, một lần nữa cho thấy tai nạn giao thông vẫn rất nhức nhối. Làm sao ngăn chặn những vụ tai nạn ấy là vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm. Đã đến lúc cần phải có biện pháp quyết liệt áp dụng đối với những cá nhân và người liên quan- trực tiếp cũng như gián tiếp- gây ra tai nạn giao thông.
Đã hai tuần trôi qua nhưng với chị Nguyễn Thị Ngạt (47 tuổi, quê Long An) thời gian dường như đã ngừng trôi. Hình ảnh người chồng và đứa con gái bé bỏng mới 5 tuổi nằm bất động dưới bánh xe giống như thước phim quay chậm giày vò trong tim khiến chị sống mà đau hơn cái chết. Giờ chị bảo chỉ ước một điều chị đừng gặp may để sống sót trong đau đớn như thế này.
Câu chuyện của chị Ngạt, nỗi đau của chị - thật chua xót không phải là câu chuyện mới mà nó đã xảy ra với hàng chục nghìn gia đình trên khắp dải chữ S trong những năm gần đây. Trong 9 tháng đầu năm nay theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, cả nước xảy ra 14.346 vụ TNGT, làm chết 6.113 người, bị thương 11.785 người.
Theo đánh giá của Ủy ban ATGT có 43 tỉnh, thành phố có số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm tuy nhiên, vẫn còn đến 15 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2016; trong đó Hậu Giang và Lai Châu số người chết vì TNGT tăng tới trên 40%. Đáng chú ý, tỷ lệ TNGT ở trẻ em vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, TNGT liên quan đến trẻ em và nạn nhân là trẻ em có xu hướng tăng trong giai đoạn 2011-2016; xảy ra 68 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 218 người chết, 201 người bị thương.
6.113 người chết vì tai nạn giao thông trong số này có 218 trẻ em. Nó cũng đồng nghĩa sẽ có hàng chục nghìn người còn sống phải sống trong đau sót, sống trong ám ảnh vì có người thân tử vong do TNGT. Liệu có liều thuốc nào chữa lành được nỗi đau này không? Ai là người chịu trách nhiệm cho những mất mát, tổn thương này? Câu hỏi này vẫn chỉ là nỗi day dứt bởi đến nay chưa rõ câu trả lời.
TNGT xảy ra người ta đổ lỗi do ý thức, trách nhiệm của tài xế. Lý do này không thể phủ nhận bởi tình trạng tài xế phê thuốc, say rượu khi lái xe vẫn là vấn nạn hiện nay trên các cung đường. Nhưng liệu đó có phải là tất cả không khi tình trạng bằng lái xe giả, tình trạng mãi lộ vẫn tồn tại và trở thành vấn nạn. Và một băn khoăn cũng khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao khi cả nước cùng thực hiện chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, thì TNGT có giảm ở một vài địa phương, nhưng ở những địa phương khác, đặc biệt tại những thành phố lớn tình trạng TNGT không những không giảm lại còn gia tăng.
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, người có trách nhiệm ở chính quyền địa phương có được xem xét hay không? Những người đảm bảo an toàn giao thông đã làm gì khi sự khuất tất trong xử lý vi phạm, tiêu chuẩn xe cộ lưu thông vẫn còn là những điểm đen gây chướng mắt dư luận? Và thêm một câu hỏi cũng được dư luận đặt ra là những nhà hoạch định chính sách liên quan đến giao thông, vận tải, đăng kiểm… liệu có vô can nếu họ đọc được những nhận định của Tổng cục Thống kê cho biết, ngoài sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông thì việc đầu tư hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, đồng bộ cũng góp phần không nhỏ gây ra TNGT.
Trước thực trạng TNGT gia tăng và ngày càng gây bức xúc cho xã hội phát biểu tại buổi sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý III và 9 tháng năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ rõ: Chủ tịch UBND kiêm trưởng ban ATGT 15 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016 cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn. Các giải pháp quản lý, sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn còn triển khai chậm, chưa có giải pháp căn cơ và duy trì hiệu quả lập lại trật tự đô thị.
Đề cập đến các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, Phó Thủ tướng cho rằng, một số cán bộ, lãnh đạo địa phương còn thờ ơ, buông lỏng quản lý và đặc biệt còn có tình trạng bảo kê, bao che cho các vi phạm. “Để chấn chỉnh việc này, trong thời gian tới cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, nơi nào để xảy ra tai nạn nhiều, người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Đồng thời Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương chỉ đạo duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm chấm dứt xe quá tải hoạt động; đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, góp phần thực hiện cho được mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% của năm nay so với năm 2016.
Hàng ngàn người chết vì TNGT hằng năm không còn là nỗi đau của mỗi cá nhân, gia đình mà của toàn xã hội. Trở lại vấn đề làm gì để ngăn ngừa TNGT? Tất nhiên nhiều biện pháp đã được đưa ra, nhưng có thể thấy việc xử lý quá nhẹ đối với đối tượng gây ra tai nạn cùng những người liên quan đã khiến cho tình hình tái diễn. Ngoại trừ người tham gia giao thông vô ý để xảy ra tai nạn, thiệt thân thì những hành vi từ phía lái xe, như phóng nhanh vượt ẩu, ngủ gật, uống rượu, dùng ma túy, sử dụng bằng giả... phải được xử lý nghiêm. Không cố ý đâm chết người nhưng vì mình mà người chết, xe lật, làm cho xã hội hoang mang thì không thể là lỗi nhẹ.
Cùng đó, chủ xe không chịu đầu tư bảo dưỡng xe, dung túng cho tài xế sử dụng bằng giả, thúc ép lái xe chạy nhanh, nhồi ép khách để tăng lợi nhuận... cũng phải liên đới trách nhiệm, không chỉ là trách nhiệm đền bù thiệt hại, tổn thất. Cũng không thể không nói tới trách nhiệm của ngành giao thông, của địa phương khi để đường xá hư hỏng, tín hiệu cảnh báo giao thông bị lấy cắp, thiếu gác chắn và cảnh báo cần thiết ở những điểm có khả năng xảy ra tai nạn. Nạn nhận mãi lộ trên đường rồi để xe khách chở quá số người quy định; xe quá tải vẫn tiếp tục lăn bánh; xe hoán cải mất an toàn vẫn lưu hành... Tất cả những điều đó đều là những nguyên nhân gây ra TNGT. Nếu không nhìn nhận rõ ràng hơn, xử lý mạnh tay hơn thì cũng khó có thể kéo giảm được TNGT.
Cách nào hạn chế TNGT đặc biệt nghiêm trọng?
Tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương trong 9 tháng đầu năm. ... |
Hơn 6.000 người tử vong do TNGT trong 9 tháng
Trong 9 tháng, toàn quốc xảy ra hơn 14.000 vụ tai nạn khiến hơn 6.000 người chết gần 12.000 người bị thương. |
http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ngan-ngua-tai-nan-giao-thong-383404