- Nổ lớn ở Bắc Ninh: Thu mua phế liệu, bao giờ anh biết sợ?
- Những rủi ro của người làm nghề thu mua phế liệu
Vụ cháy kinh hoàng khiến 3 người tử vong tại khu vực lán tạm thu gom phế liệu ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cuối tháng 10 vừa qua một lần nữa đặt ra vấn đề nóng bỏng trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở thu mua đồng nát nhỏ lẻ.
Với hệ thống thu mua, tập kết len lỏi trong khắp khu dân cư, đây là những “ngòi lửa” nguy hiểm, có thể bị kích hoạt bất cứ khi nào...
Mối nguy hiện hữu
Nằm cuối khu chợ tạm ở ngõ 100, đường Trung Kính (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) là dãy nhà tạm dựng bằng tôn, lụp xụp, tối tăm. Phía ngoài sân la liệt đồ đồng nát... Gần đó, một cơ sở thu mua khác cũng bề bộn phế liệu dọc ngõ đi... Chủ một cơ sở kinh doanh đồng nát tại đây cho biết: “Tôi có thực hiện các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, nhưng không cần giấy phép đăng ký kinh doanh”. Không biết các “thủ tục” được chủ cơ sở này thực hiện ra sao, nhưng chứng kiến thực tế tại đây thì mối nguy cháy nổ vẫn hiển hiện mỗi ngày...
Tương tự, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, dọc đường Tây Mỗ (phường Tây Mỗ), đường Ngọc Trục (phường Đại Mỗ) cũng xuất hiện nhiều điểm thu mua phế liệu. Trong vai người học hỏi kinh nghiệm mở cửa hàng thu mua đồng nát, phóng viên được chủ cơ sở gần cầu Triền (phường Tây Mỗ) mách: “Thu mua đồng nát thì cần gì đăng ký kinh doanh. Mỗi địa phương quản lý một kiểu, chỗ nghiêm ngặt, chỗ lại dễ hơn...”.
Còn chủ cơ sở kinh doanh phế liệu ở đường Ngọc Trục (phường Đại Mỗ) cho biết: Đã 20 năm làm nghề thu mua đồng nát, dù không ép, không cưa, cắt các bình kim loại kín, có hóa chất..., nhưng cũng khó có thể nói trước điều gì. Cơ sở thuê trên đất nông nghiệp, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thỉnh thoảng cán bộ phường vẫn qua nhắc nhở phòng cháy, chữa cháy. Đây cũng là nơi ăn, nghỉ của gia đình, dù rất lo vấn đề cháy, nổ, song đành chấp nhận sống chung...
Tập trung điểm tập kết phế liệu
quy mô lớn, lượng hàng hóa nhiều phải kể đến tuyến đường mới ở khu làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Bên trong những lán xưởng dựng bằng tôn sơ sài gần như không còn chỗ trống, phế liệu ngồn ngộn, nhiều nhất là xốp và các loại đồ nhựa. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng lo lắng: Do địa phương có làng nghề tái chế phế liệu nên tập trung nhiều điểm thu gom. Các cơ sở ít khi thu mua đồ dễ nổ như thùng phuy, bình xịt, bình chứa hóa chất... và không có người ở qua đêm, nhưng vẫn còn đó những nỗi bất an...
Cần siết chặt quản lý
Nhìn chung, các cơ sở thu mua phế liệu thường thuê địa điểm gần khu đất nông nghiệp, đất bờ sông, đất chưa được sử dụng hoặc đang chờ dự án... Phần lớn các nhà, lán xưởng là nhà tạm, đã xuống cấp; hệ thống đường điện không an toàn. Do mang tính đặc thù riêng nên pháp luật đã đặt ra yêu cầu với loại hình kinh doanh này.
Theo Thạc sĩ, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hiện nay, hộ, cá nhân kinh doanh đồng nát, thu mua phế liệu nhỏ lẻ không thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy. hộ thu mua phế liệu chỉ cần thực hiện thủ tục thành lập hộ kinh doanh cá thể, với ngành nghề tương ứng.
Sau khi được cấp giấy phép hộ kinh doanh cá thể, chủ cơ sở cần thực hiện nghiêm biện pháp về phòng cháy, chữa cháy, quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 136/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy), với các yêu cầu như: Hộ kinh doanh phải có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh...
Quy định là vậy, nhưng thực tế hiếm cơ sở nào đáp ứng được các điều kiện trên. Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm (quận Hà Đông) Phạm Quang Thiện cho biết, trên địa bàn phường có 8 cơ sở thu mua phế liệu và không cơ sở nào có giấy phép đăng ký kinh doanh. Phường kiểm tra đã lâu và hiện đang rà soát tổng thể... Tương tự, phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng có 8 cơ sở thu mua đồng nát, nhưng không cơ sở nào thực hiện đúng quy định...
Trong khi đó, đại diện UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) thông tin, thỉnh thoảng người dân cũng phản ánh nguy cơ cháy nổ từ các đại lý thu mua phế liệu trong khu dân cư. Cán bộ phường đã đến kiểm tra, nhắc nhở. Do các cơ sở này thường xuyên thay đổi địa điểm nên phường khó quản lý...
Được biết, hiện các địa phương đang rà soát tổng thể mạng lưới cơ sở thu mua phế liệu và cuối tháng 10-2023, Công an thành phố Hà Nội đã ra khuyến cáo 18 quy định bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình này... Mong rằng, qua rà soát, các bất cập, tồn tại sẽ được chỉ rõ, việc quản lý các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu được siết chặt, để không tái diễn cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
https://hanoimoi.vn/ngan-ngoi-lua-tu-co-so-thu-mua-phe-lieu-646714.html