Cơ quan này cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chạm mức thấp nhất trong vòng 30 năm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 10 năm tới sẽ là khoản thời gian nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm nhất. Lý do là vì sự bất ổn trong ngành tài chính và lạm phát cao ảnh hưởng đến năng suất.
Trong báo cáo hôm 27/3, các nhà kinh tế học của WB ước tính rằng tốc độ tăng trưởng tiền năng của kinh tế toàn cầu có thể đạt mức trung bình 2,2% trong những năm còn lại của thập kỷ này. Đây là mức thấp so với tốc độ tăng trưởng 3,5% của thập niên 2000 và 2,6% của thập niên 2010.
Các nhà kinh tế liệt kê rằng áp lực lạm phát, sự bất ổn về tài chính và những khó khăn về nhân khẩu học sẽ cản trở tăng trưởng. Dân số già sẽ làm suy yếu lực lượng lao động ở các nền kinh tế phát triển. Thương mại quốc tế cũng sẽ trở nên trì trệ hơn.
Hơn nữa, hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19, như cú sốc nguồn nhân lực, sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng.
Các nhân tố thúc đẩy nền kinh tế hiện đang thoái lui. Điều này gây ảnh hưởng đến chính sách, chi tiêu và lãi suất của chính phủ. Một cuộc khủng khoảng ngành ngân hàng cũng có thể cản trở tăng trưởng.
Các quan chức cho biết: “Kết quả sẽ là một thập kỷ mất mát đối với toàn thế giới”.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo lưu ý rằng tăng trưởng GDP có thể chạm mức 2,9% nếu các quốc gia tập trung chính sách vào nguồn cung lao động, tăng năng suất và khuyến khích đầu tư.
Nhà kinh tế trưởng Ayhan Kose trả lời báo giới: “Tốc độ tăng trưởng chậm mà chúng tôi đề cập có thể nghiêm trọng hơn nhiều nếu một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác xảy ra. Đặc biệt là nếu cuộc khủng hoảng đó đi kèm với suy thoái toàn cầu”.
Theo MI