Ngăn chặn “truyền thông bẩn”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một trong những nội dung “nóng” được các ĐBQH quan tâm chất vấn là công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Tình trạng “truyền thông bẩn” nhằm vào triệt hạ uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức, thậm chí kích động người dùng đang xảy ra rất nghiêm trọng dẫn tới không ít hệ lụy. Giải pháp nào để xử lý?

Tin giả, tin tiêu cực lan truyền chóng mặt

Theo một khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tượng tin giả, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, vu khống, bịa đặt, kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên mạng… đang trở nên đáng báo động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Cách đây 3 năm, vụ việc nước nắm truyền thống bị cáo buộc nhiễm thạch tín là ví dụ điển hình. Khi đó, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát toàn diện về nước mắm và tung thông tin 67% các mẫu khảo sát có hàm lượng arsen vượt quy định. Tuy nhiên, sau này thông tin này được xác minh là vu khống, có sự tiếp tay của doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp nhằm triệt hạ ngành sản xuất truyền thống.

Trên đây chỉ là ví dụ điển hình sử dụng truyền thông bẩn để trục lợi. Còn hiện tại, trên không gian mạng xã hội, có hàng nghìn thông tin tiêu cực xuất hiện mỗi ngày liên quan tới uy tín các nhãn hàng tiêu dùng, tài sản khổng lồ của lãnh đạo các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh...

Trước câu hỏi liên quan tới việc có tình trạng cơ quan báo chí hoặc trang thông tin điện tử từ hiện tượng đã vội vàng đưa những thông tin tiêu cực gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp hoặc danh dự cá nhân, danh dự lãnh đạo, PGS-TS Trần Thành Nam chuyên gia tâm lý - giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, những tin tức như vậy thường được lan truyền nhanh và gây ảnh hưởng lớn tới các tổ chức, cá nhân. Đây là một dấu hiệu của truyền thông “bẩn”, thông tin không mang tính xây dựng mà có động cơ, mục đích khác nhằm vào uy tín cá nhân, tổ chức… “Dù chưa có căn cứ, nguồn tin xác tín nhưng những thông tin này được phát đi là cực kỳ ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp”, ông Nam nói và dẫn chứng một nghiên cứu, có đến 70% những người công chúng ngay lập tức bị ấn tượng với những thông tin đó. “Và rõ ràng, những thông tin đó sẽ tác động tới tâm lý tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của người dùng” - ông Nam lý giải.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, muốn loại bỏ tin giả lan truyền nhằm mục đích trục lợi thì phải có công cụ, trang web để người dân có thể tra lại, đối sánh lại với thông tin người ta tiếp cận có chính xác không, đồng thời có thể xem được trang thông tin phát ra thông tin đó mức độ uy tín như thế nào, có chính xác không…

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội truyền đi một cách nhanh chóng thì việc xác định, thẩm định thông tin thật giả là điều rất quan trọng. Điểm lại một số vụ việc tin đồn gây ảnh hưởng, đặc biệt những thông tin tin đồn liên quan tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin chính khách trong thời gian qua gây xôn xao dư luận, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay, cách tốt nhất để dập tắt tin đồn đó là “đưa ra thông tin chính thức, thông tin chính thống”. Các cơ quan chức năng cần xác định đó là nhiệm vụ cũng là trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí để đưa thông tin, phản ánh đến bạn đọc, đây là điều rất cần thiết.

“Có hai điều cần phải lưu ý, đó là cần minh bạch thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng và rõ ràng để tránh xuất hiện tin đồn thất thiệt. Trong phạm vi thông tin được công bố, chúng ta cần phải làm ngay. Thứ hai đó là cần phải xử lý nghiêm những phần tử làm lộ, lọt thông tin, những thông tin thất thiệt gây hoang mang trong dư luận” - Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Về cách khắc phục truyền thông bẩn, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, cần có giải pháp “làm sạch” môi trường mạng để thông tin độc hại, tin giả không có đất sống. “Với trang tin, website, báo chí thì cần phải “mạnh tay” với những sai phạm. Với mạng xã hội cũng cần những bộ lọc để loại bỏ tin bẩn. Có thể phải định danh người dùng để người dùng có trách nhiệm với việc chia sẻ, lan truyền tin tức của mình” - GS Thuyết nói.

ngan chan truyen thong ban Truyền thông Mỹ tiết lộ máy bay ném bom nguy hiểm nhất của Nga
ngan chan truyen thong ban VTV đã sở hữu bản quyền truyền thông VCK U23 Châu Á 2020
ngan chan truyen thong ban ĐT Malaysia tập ngay khi đến Việt Nam, “kín tiếng” với truyền thông
/ laodong.vn