Nga-Ukraine có đạt sự đồng thuận để kết thúc chiến tranh?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Nga và Ukraine đang gần đạt được “sự đồng thuận” về 4/6 vấn đề chính để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine.

Kênh Fox News cho biết, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 25/3 rằng hai người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Ukraine Volodymyr Zelensky đang gần đạt được “sự đồng thuận” về các vấn đề chính để giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao giữa các bên.

Nga-Ukraine có đạt

Toàn cảnh Hội nghị Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 24/3.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc hội đàm với cả ông Putin và ông Zelensky kể từ bây giờ”, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan phát biểu trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo NATO vào ngày 25/3, “Tất cả những nỗ lực của chúng tôi nhằm mục đích tạo ra một bầu không khí hòa bình bằng cách đưa hai nhà lãnh đạo lại gần nhau”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ukraine và Nga đã gần đạt được đồng thuận về 6 trong 6 vấn đề chính của bất đồng, bao gồm Ukraine trung lập – không gia nhập NATO, giải trừ quân bị một phần; an ninh tập thể và tiếng Nga. Diễn biến này đưa hai nước tiến gần hơn đến việc giải quyết xung đột. Thông tin trên từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã được ông Ragýp Soylu, Giám đốc Văn phòng Mắt Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ, báo cáo lại trên Twitter vào ngày 25/3. Theo đó, ngoài 4 vấn đề đang đạt được tiến bộ trong đàm phán, hai bên vẫn bất đồng về Crimea và Donbas.

Mặc dù đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt đối với Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu vào ngày 24/2, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị làm trung gian hòa giải xung đột. Đại diện Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp xúc với các đoàn đàm phán của hai nước xung đột. Ông Erdogan cho biết thêm: “Như đã biết, gần như có sự đồng thuận về các vấn đề như NATO, giải trừ quân bị, an ninh tập thể và sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức, trong các hoạt động hạ tầng kỹ thuật của quá trình "đàm phán" đang diễn ra ở Belarus”. "Tuy nhiên, còn lại vấn đề Crimea và Donbas mà Ukraine không thể đồng ý”. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gọi động thái của Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 21/3 tuyên bố các thỏa hiệp của Ukraine với Nga sẽ được quyết định bằng một cuộc trưng cầu dân ý là “sự lãnh đạo khôn ngoan”. Trong khi đó, theo đài ABC, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra 6 yêu cầu chính để chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine, bao gồm: Ukraine không gia nhập NATO và giữ lập trường trung lập; Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai của Ukraine, với luật cấm bãi bỏ ngôn ngữ này; Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga; Ukraine công nhận nền độc lập của Donetsk và Lugansk; Phi quân sự hóa Ukraine và từ bỏ các loại vũ khí có thể là mối đe dọa đối với Nga; Cấm các tổ chức và đảng phái dân tộc cực đoan ở Ukraine (còn gọi là "phi phát xít hoá").

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/3 cho rằng Nga nên bị loại khỏi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo ông, chủ đề này đã được đưa ra trong các cuộc họp của NATO và EU tại Brussels. Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo Mỹ và các đối tác không loại trừ khả năng Nga sẽ bị loại khỏi G20. Một số đồng minh của Mỹ ủng hộ ý tưởng này, trong đó có Ba Lan. Tuy nhiên, theo báo Vedomosti (Nga), Trung Quốc đã phản đối việc Nga bị loại khỏi G20. Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Andrey Kortunov lưu ý, khả năng Nga bị loại khỏi G20 là rất mơ hồ vì không có thủ tục trục xuất. Động thái này sẽ đòi hỏi sự đồng thuận nhưng khó đạt được trong G20 hơn là trong G8, vốn đã chuyển thành G7 sau khi Nga bị loại khỏi nhóm. Đối với G20, đây là một hiệp hội có vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Điều đó nói lên rằng, nếu Nga bị loại khỏi tổ chức này, khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu sẽ giảm xuống.

Về phần mình, Tổng biên tập tạp chí Các vấn đề toàn cầu của Nga Fyodor Lukyanov nhấn mạnh rằng không cần phải lo ngại đối với ý tưởng của Mỹ về việc loại Nga ra khỏi nhóm G20. G20 là một tổ chức không chính thức và về mặt kỹ thuật không thể loại bất kỳ ai. Việc tẩy chay Nga của tất cả các quốc gia thành viên khác sẽ là một hình thức loại bỏ Moscow, nhưng các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó tham gia hành động như vậy.

Theo ông Lukyanov, các nước trên sẽ phản đối đề xuất của Mỹ không phải vì mối quan hệ của họ với Nga mà vì họ cho rằng G20 là nơi để thảo luận các vấn đề toàn cầu, do đó cần có sự tham gia của Moscow. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng G20 là một định dạng đa phương và một số quốc gia tuân thủ lập trường độc lập đối với Nga bất chấp sức ép của Mỹ. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nêu rõ: "G20 là diễn đàn chính cho hợp tác kinh tế quốc tế. Nga là một thành viên quan trọng và không thành viên nào có quyền trục xuất nước khác".

Trong một diễn biến liên quan, trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp hai ngày của NATO, các nhà lãnh đạo khẳng định “EU sát cánh cùng Ukraine và người dân của nước này, Hội đồng châu Âu tái khẳng định tuyên bố Versailles, ghi nhận xu thế hướng tới châu Âu của Ukraine, như đã thể hiện trong Thỏa thuận liên kết”.

Khổng Hà

Kinh tế Nga gồng mình trong cơn bão Kinh tế Nga gồng mình trong cơn bão
Xung đột Nga - Ukraine thu hẹp "công xưởng châu Á"? Xung đột Nga - Ukraine thu hẹp "công xưởng châu Á"?
/ cand.com.vn