Nga-Nhật hóa giải tranh chấp lãnh thổ từ kinh tế

Đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương là vấn đề được Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chú trọng trong cuộc hội đàm.

Ngày 26/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm tại Điện Kremlin (Nga), khẳng định sẽ nỗ lực hướng tới ký kết hiệp định hòa bình sau chiến tranh và đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực tại các quần đảo tranh chấp như đã nhất trí vào tháng 9 năm ngoái. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy nhanh các cuộc tham vấn nhằm tăng cường hoạt động thương mại tại các vực trên và cử phái đoàn thương mại đến đây vào mùa Hè này.

Nhật Bản hy vọng các hoạt động này sẽ mở đường cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài trong nhiều thập kỷ, cuối cùng dẫn tới việc ký hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

nga nhat hoa giai tranh chap lanh tho tu kinh te
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AP

Về phần mình, Nga muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản tại khu vực Viễn Đông còn kém phát triển.

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Moskva sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh "quan trọng là hai bên cùng kiên nhẫn hướng tới một giải pháp (cho vấn đề hiệp định hòa bình) không chỉ đáp ứng các lợi ích quốc gia của cả hai bên mà còn phải được sự chấp nhận của người dân hai nước".

Tổng thống Putin ủng hộ đề xuất cử phái đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản đến các đảo tranh chấp vào nửa cuối năm 2018.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga hoan nghênh tiến bộ ổn định của hợp tác Nga-Nhật, trong các vấn đề thương mại-đầu tư, đối thoại chính trị, trao đổi giữa các bộ ngành, khu vực và các cơ quan, cũng như dự án chung trong nhiều lĩnh vực.

Về phần mình, Thủ tướng Abe cho biết Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga. Ông bày tỏ hy vọng sẽ đạt được đột phá mới trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã khiến quan hệ song phương bị ảnh hưởng nghiêm trong kể từ kết thúc chiến tranh.

Nga và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tranh chấp lãnh thổ khiến hai nước không ký được hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận vấn đề Triều Tiên, trong đó hai bên tái khẳng định mong muốn duy trì hòa bình khu vực, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao và chính trị, trong khi Thủ tướng Abe duy trì lập trường gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng.

Ông Abe bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Putin hiểu quan điểm của Tokyo trong vấn đề vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, cũng như việc công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980.

Rõ ràng, ngoài việc muốn cùng Nga giải quyết tranh chấp đảo, Nhật Bản thực sự muốn củng cố quan hệ với Nga vì đối với Nhật Bản, Nga là đối tác quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, Nhật Bản đã cùng các nước phương Tây áp đặt các lệnh cấm vận chống Nga nhưng những lệnh cấm vận chống Nga của Nhật Bản hoàn toàn chỉ mang tính chất tượng trưng.

Trong giai đoạn phương Tây siết chặt cấm vận, cô lập Nga, thay vì cùng cô lập Nga, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác cùng Nga. Trong năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bỏ qua lời khuyên của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama để vẫn đến Sochi.

Tại đây, ông Shinzo Abe đã cho công bố “quan điểm mới” về quan hệ với Nga, trong đó có bản kế hoạch 8 điểm để tăng cường hợp tác với Nga. Trong nội các của mình, ông Shinzo Abe cũng cho thành lập một bộ phận đặc biệt về quan hệ với Nga.

Sau đó, cứ khi có cơ hội thuận lợi là Thủ tướng Shinzo Abe lại có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin.

Theo giới phân tích, yếu tố quan trọng thúc đẩy Nhật Bản củng cố quan hệ với Nga là việc Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau. Trong khi đó, với chính sách Nước Mỹ trên hết của Tổng thống Mỹ Donald Trump được Nhật Bản càng lo ngại rằng mình sẽ bị bỏ lại đơn độc để chống lại “mặt trận Nga-Trung”.

nga nhat hoa giai tranh chap lanh tho tu kinh te

Cuộc gặp bất ngờ của ông Kim và Moon trên lãnh thổ Triều Tiên

Ngày 26/5, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên gặp gỡ ở phía Bắc làng Bàn Môn Điếm trong nỗ lực nối lại thượng đỉnh ...

nga nhat hoa giai tranh chap lanh tho tu kinh te

Ám ảnh "thánh chiến tình dục"

Nếu ở lại Afghanistan lâu dài, có khả năng IS lại tạo dựng một đế chế Hồi giáo tự xưng mới

http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/nga-nhat-hoa-giai-tranh-chap-lanh-tho-tu-kinh-te-3358922/

/ Báo Đất Việt