Nga nêu lý do cắt giảm cung cấp khí đốt cho EU

Theo điện Kremlin, đòn trừng phạt của phương Tây với Nga đang ngăn cản việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc).

Bình luận về việc Nga giảm cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) vào tuần trước, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn là "nhà cung cấp đáng tin cậy nhất" đối với EU, song các biện pháp trừng phạt cuả EU khiến việc giao hàng không thể thực hiện về mặt kỹ thuật.

"Từ quan điểm công nghệ, cơ sở hạ tầng của đường ống đang chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của EU. Các cơ sở bơm, cụ thể là các tuabin, phải được bảo trì. Thế nhưng, các tuabin không được đưa trở lại. Người châu Âu không trả lại chúng", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Nga nêu lý do cắt giảm cung cấp khí đốt cho EU - 1

Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khi phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt 60% nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đức qua đường ống Nord Stream vào tuần trước. Theo Gazprom, động thái này được đưa ra sau khi công ty Siemens Energy của Đức đã không trả thiết bị "đúng hạn" cho một trạm nén khí. Trước đó, Siemens Energy gửi các thiết bị đó đến Canada để sửa chữa.

Siemens Energy cho biết họ không thể chuyển giao bộ phận này do lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Berlin gọi quyết định của Gazprom là “chính trị”.

Ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Đơn giản là không có gì để bơm khí đốt. Đây là một cuộc khủng hoảng do EU tạo ra. Chúng tôi có khí đốt. Khí đốt sẵn sàng để giao, nhưng người châu Âu phải trả lại phần cứng và sửa chữa phần cứng theo đúng cam kết của họ". 

Đường ống Nord Stream được đưa vào vận hành vào năm 2012 để vận chuyển khí đốt từ tây bắc nước Nga tới Đức qua biển Baltic. Nord Stream được kết nối bởi trạm nén Portovaya ở Nga với một trạm tương đương ở Greifswald ở đông bắc nước Đức. Đường ống này cung cấp cho thị trường EU khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, song việc áp lệnh cấm vận khí đốt tạo sự chia rẽ sâu sắc trong khối này bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Thời gian qua, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

https://vtc.vn/nga-neu-ly-do-cat-giam-khi-dot-voi-eu-ar683431.html

KÔNG ANH / VTC News