Nga không muốn tự cô lập nhưng sẽ hành động để loại bỏ "thế thống trị" của Mỹ và đồng minh

Tổng thống Putin phê chuẩn tài liệu mới về chính sách đối ngoại, trong đó khẳng định Nga không coi mình là kẻ thù với phương Tây, không muốn tự cô lập nhưng sẽ hành động để loại bỏ "thế thống trị" của Mỹ và đồng minh.

Đặt mục tiêu loại bỏ "thế thống trị" của phương Tây

Tổng thống Vladimir Putin ngày 31/3 phê chuẩn một tài liệu cập nhật chính sách đối ngoại của Nga, cho biết những thay đổi sâu rộng trong các vấn đề quốc tế đòi hỏi Moscow điều chỉnh các khái niệm trong chính sách đối ngoại của mình, đánh dấu lần cập nhật mới nhất kể từ năm 2016, RiaNovosti đưa tin.

1200x_1-1680308455766
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GettyImages

Trong văn kiện dài 42 trang, Nga sử dụng thuật ngữ "các quốc gia không thân thiện" để chỉ những nước trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch ở Ukraine. "Nga sẽ hướng tới tạo điều kiện cho bất cứ quốc gia nào phản đối tham vọng bá quyền", tài liệu nêu, nhấn mạnh sự cần thiết của "thế giới đa cực".

Tài liệu nêu rõ Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình với phương Tây và không có ý định thù địch. Moscow trông đợi phương Tây tự "nhận ra sự vô ích của thế đối đầu" và trở lại tương tác với Nga một cách bình đẳng.

Nga cũng chỉ trích Mỹ "là bên kích động, tổ chức và thực thi chính sách hung hăng chống Nga của phương Tây, là nguồn rủi ro lớn đối với an ninh của Nga, hòa bình quốc tế, sự phát triển cân bằng, công bằng và tiến bộ của nhân loại".

Moscow theo đó đặt ưu tiên "xóa bỏ thế thống trị" của Mỹ và đồng minh, tìm cách đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các nước trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông tin thêm, tài liệu mới của Nga trực tiếp coi Mỹ là "kẻ chủ mưu chính" của tư tưởng chính trị chống Nga. "Nhìn chung, chính sách của phương Tây nhằm làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể được mô ta lả cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới", ông Lavrov nói.

0x0-1680308502910
Trong chính sách đối ngoại mới, Nga sẵn sàng sử dụng quân đội để ngăn chặn nguy cơ tấn công nhắm vào Nga hoặc đồng minh. Ảnh: ITN

Ông Lavrov cũng nêu rõ, tài liệu chính sách đối ngoại mới đề xuất sử dụng các lực lượng vũ trang để đẩy lùi hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Nga và các đồng minh của nước này. “Chúng tôi tuyên bố dứt khoát rằng chúng tôi sẽ bảo vệ quyền tồn tại và phát triển tự do của người dân Nga”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó ra một thông cáo khác cho hay, các thay đổi mới nhất sẽ xác định đường lối chính sách đối ngoại của nước này "trong vòng 4 đến 6 năm tới". Ông Alexei Drobinin, Vụ trưởng Hoạch định chính sách đối ngoại của Bộ Ngoại giao Nga, nhấn mạnh, những sửa đổi được thực hiện để "đối tác nước ngoài, bạn bè, đối thủ của chúng ta hiểu chúng ta sẽ đi đến đâu trong thời gian tới".

Ưu tiên hợp tác cùng Trung Quốc và Ấn Độ

Về các ưu tiên hợp tác, Nga khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với "các trung tâm quyền lực toàn cầu thân thiện" đang phát triển mạnh mẽ trên lục địa Á - Âu, nổi bật nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Moscow cũng coi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Ai Cập là những đối tác lớn.

Cropped_1655888336R20200622_BRIC-1680308617462
Cờ các nước thành viên BRICS gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ. Ảnh: ITN

"Để điều chỉnh trật tự thế giới phù hợp với thực tế của một thế giới đa cực, Nga ưu tiên hợp tác để nâng cao năng lực và vị thế quốc tế của khối BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), các hiệp hội liên quốc gia và tổ chức quốc tế khác có sự tham gia mạnh mẽ của Nga", tài liệu nêu.

Ấn Độ và Trung Quốc là các đối tác lâu đời của Nga. Cả hai cường quốc hàng đầu châu Á này đều không tham gia trừng phạt Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine và tăng cường nhập khẩu sản phẩm năng lượng của Nga, trong bối cảnh các sản phẩm đó bị châu Âu từ chối.

Với Ấn Độ, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất, chiếm gần 50% lượng khí tài nhập khẩu của New Delhi trong giai đoạn 2016-2020, theo EconomicTimes. Moscow lâu nay rất ủng hộ Ấn Độ tăng cường vị thế trên các diễn đàn quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, quan hệ Nga-Trung gần đây liên tục ghi nhận những diễn biến tích cực. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga hồi tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định sẽ giúp doanh nghiệp Trung Quốc thay thế những công ty phương Tây đã rời Nga vì xung đột Ukraine; đồng thời đánh giá cao kế hoạch hòa bình Ukraine do Trung Quốc đề xuất.

Thái Hà / CAND