Nga "dồn mình vào chân tường" trong chiến dịch tiêm vaccine

Các động thái khiến người dân hoài nghi về vaccine nội và việc tuyên truyền rằng dịch đã được kiểm soát đang khiến Nga lâm vào cảnh lao đao.

Nga đã triển khai các biện pháp khuyến khích tiêm vaccine Covid-19 như tặng hàng tạp hóa và tổ chức giải xổ số với phần thường là ôtô và căn hộ. Tuy nhiên, kế hoạch tiêm chủng đầy tham vọng cho 30 triệu người Nga vào giữa tháng 6 mới chỉ thực hiện được 2/3.

Nga "dồn mình vào chân tường" trong chiến dịch tiêm vaccine

Một phụ nữ tiêm vaccine Sputnik V tại St.Petersburg, Nga hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Vì vậy, nhiều chính quyền khu vực trên khắp Nga đang bắt buộc một số lao động phải tiêm vaccine và đặt ra quy định một số cơ sở kinh doanh nhất định, như nhà hàng, chỉ tiếp người đã tiêm vaccine.

Khi nhiều quốc gia phương Tây dỡ bỏ các hạn chế phòng Covid-19 và lên kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường sau khi tiêm chủng hàng loạt, ca nhiễm ở Nga đang tăng mạnh, mặc dù họ là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vaccine và là một trong những nước đầu tiên bắt đầu triển khai vaccine, từ tháng 12 năm ngoái.

Số ca mắc mới hàng ngày đã tăng từ khoảng 9.000 ca vào đầu tháng 6 lên khoảng 17.000 ca vào ngày 18/6 và hơn 20.000 ca vào ngày 24/6. Moskva cùng khu vực ngoại ô thủ đô và St.Petersburg chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm mới.

Các quan chức nói nguyên nhân là người Nga có thái độ buông lỏng, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết và các biến thể có mức độ lây lan nhanh hơn ngày càng phổ biến. Nhưng có lẽ yếu tố lớn nhất là thiếu tiêm chủng.

Chỉ 20,7 triệu người, tương đương 14% dân số 146 triệu người, đã tiêm ít nhất một mũi tính đến 23/6, chỉ 16,7 triệu, tương đương khoảng 11%, đã tiêm chủng đầy đủ.

Các chuyên gia cho rằng những con số đó là do một số yếu tố, bao gồm sự hoài nghi của công chúng khi giới chức vội vàng phê duyệt và triển khai vaccine Sputnik V, việc Nga tuyên truyền rằng họ đã kiểm soát được dịch, truyền hình nhà nước nói rằng các loại vaccine khác nguy hiểm và chiến dịch quảng bá tiêm chủng yếu.

Để đối phó với ca nhiễm gia tăng, ít nhất 14 khu vực của Nga, từ Moskva, St.Petersburg cho đến Sakhalin ở vùng Viễn Đông, đã bắt buộc tiêm phòng trong tháng này cho nhân viên trong một số lĩnh vực nhất định, như văn phòng chính phủ, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà hàng, trung tâm thể dục, thẩm mỹ viện và các ngành dịch vụ khác.

Chính quyền Moskva nói rằng các công ty nên đình chỉ những nhân viên không muốn tiêm phòng, họ cũng dọa dừng hoạt động của những doanh nghiệp không đạt mục tiêu có 60% nhân viên tiêm ít nhất một mũi trước ngày 15/7 và hai mũi trước ngày 15/8.

Các động thái này dường như là hành động trong cảnh tuyệt vọng của giới chức. Judy Twigg, giáo sư khoa học chính trị chuyên về y tế toàn cầu tại Đại học Virginia Commonwealth cho biết: "Họ đã dồn mình vào chân tường, giờ họ không còn lựa chọn nào khác".

"Họ ca tụng vaccine này quá nên cuối cùng lại khiến mọi người không tin tưởng nó. Sau đó, họ thể hiện rằng chính phủ đã kiểm soát mọi thứ, đại dịch không có gì to tát. Không đáng ngạc nhiên khi họ lâm vào tình huống này, tỷ lệ tiêm chủng thấp đã tạo cơ hội cho biến thể Delta lây lan", bà nói.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 24/6 nhấn mạnh việc tiêm phòng ở Moskva là "tự nguyện", vì những người từ chối tiêm vẫn có thể tìm việc khác.

Thống đốc khu vực Krasnodar ở miền nam đất nước, nơi có khu nghỉ mát Sochi, cho biết các khách sạn và viện điều dưỡng sẽ chỉ tiếp nhận những người có xét nghiệm âm tính hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng bắt đầu từ ngày 1/7. Kể từ ngày 1/8, họ chỉ đón những người đã tiêm chủng.

Quy định này đã làm nảy sinh nhiều phản ứng trái chiều, một số người hoan nghênh các biện pháp nếu nó giúp các cơ sở kinh doanh không phải đóng cửa, trong khi những người khác nói rằng không rõ các chủ lao động phải làm thế nào để thuyết phục những người không muốn tiêm vaccine.

"Hầu hết chủ nhà hàng đều tin rằng tiêm phòng là cần thiết", Sergei Mironov, phó chủ tịch liên đoàn các nhà hàng và khách sạn, cho biết. "Nhưng cần tạo điều kiện thích hợp cho chiến dịch tiêm chủng".

"Có quá nhiều tin đồn, ngay cả các bác sĩ cũng nói những điều khác nhau", ông nói. "Rất khó thuyết phục nhân viên trẻ đi tiêm phòng".

Tatyana Moskalkova, ủy viên nhân quyền của chính phủ, cho biết những người chưa tiêm chủng nói rằng họ bị chủ lao động phân biệt đối xử, bị dọa sa thải hoặc không trả tiền thưởng.

Tại một lễ trao giải truyền hình hôm 22/6, nam diễn viên nổi tiếng Yegor Beroyev đã đeo một ngôi sao màu vàng giống như loại người Do Thái đã đeo dưới thời Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Anh nói về việc "thức dậy trong một thế giới mà tiêm chủng Covid-19 trở thành dấu hiệu nhận biết bạn có phải là công dân hay không, bạn có thể đến các trụ sở cơ quan và tham dự sự kiện hay không, bạn có được hưởng tất cả lợi ích và quyền lợi hay không".

Để được vào nhà hàng, khách phải chứng minh mình đã tiêm vaccine bằng cách truy cập trang web của chính phủ và lấy mã QR. Các chủ nhà hàng đã được nhượng bộ vào hôm 24/6, khi Moskva đồng ý chưa đòi hỏi mã QR trong hai tuần tới tại các cơ sở có sân hiên ngoài trời và khách hàng dưới 18 tuổi sẽ không phải cung cấp chứng nhận nếu đi cùng với cha mẹ.

Tuy nhiên, tình hình của nhiều nhà hàng "đang khó khăn và sẽ ngày càng khó khăn hơn", Mironov nói.

Nhà nhân chủng học xã hội Alexandra Arkhipova cho biết sau khi thị trưởng Moskva ra lệnh bắt buộc tiêm chủng, nhiều người đã lên mạng tìm mua chứng nhận tiêm giả.

Tuần trước, cảnh sát đã mở 24 vụ án hình sự chống lại những người bán chứng nhận tiêm chủng giả. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy một số tài khoản rao bán loại hàng này trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Evgeny Egorov, nhà phân tích bảo vệ rủi ro kỹ thuật số tại Group-IB, công ty an ninh mạng có trụ sở tại Singapore, cho biết số lượng bài đăng rao bán chứng nhận giả đã tăng khoảng 19% mỗi tháng kể từ tháng ba. Hồi tháng 6, Group-IB tìm thấy ít nhất 90 lời mời chào.

Trung tâm thăm dò độc lập Levada cho biết các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 60% người Nga không muốn tiêm chủng. Giám đốc Levada và nhà xã hội học Denis Volkov nói rằng lệnh bắt buộc tiêm chủng có thể thay đổi suy nghĩ của nhiều người vì đó là một tín hiệu rõ ràng từ chính phủ rằng tiêm phòng là cần thiết.

"Tôi thường nghe mọi người nói rằng họ sẽ không tiêm vì lo sợ, nhưng nếu chính quyền đặt ra các hạn chế, yêu cầu phải tiêm phòng mới được đi lại, sử dụng dịch vụ nhà nước hoặc làm việc thì thái độ mọi người sẽ thay đổi", Volkov nói.

Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên toàn nước Nga đã tăng gần gấp đôi trong tuần qua, hàng dài người đã xuất hiện tại các trạm tiêm chủng ở các trung tâm mua sắm ở Moskva.

Tuy nhiên, nhu cầu vaccine gia tăng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Tính đến giữa tháng 5, chỉ hơn 33 triệu liều được sản xuất ở Nga và một lượng đáng kể đã được xuất khẩu.

Một số khu vực đã báo cáo các vấn đề về nguồn cung trong tuần này, nhưng Peskov khẳng định đó là "những khó khăn hậu cần tạm thời".

Phương Vũ (Theo AP)

Rút ngắn thời gian cách ly người nhập cảnh đã tiêm vaccine Rút ngắn thời gian cách ly người nhập cảnh đã tiêm vaccine
Tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine Covid-19 gửi tại đâu? Tiền nhàn rỗi của Quỹ vaccine Covid-19 gửi tại đâu?
Bộ Y tế quyết định đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax Bộ Y tế quyết định đẩy nhanh tốc độ thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax

/ vnexpress.net