Nga "chắp cánh" cho bom, Ukraine chật vật ứng phó

Lực lượng Nga tăng tần suất sử dụng bom gắn hệ thống cánh lái dẫn đường khi tiến hành các đợt tập kích mới ở Ukraine, trong bối cảnh năng lực phòng không của Kiev ngày một suy giảm.

Hơn một năm kể từ thời điểm khai mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội Nga đến nay vẫn tiến hành không kích các mục tiêu của đối phương với tần suất cao. Dọc chiến tuyến phía Đông, Moscow được cho là đang khai thác lỗ hổng phòng không của Kiev và tăng cường sử dụng bom dẫn đường.

11
Hố bom lớn xuất hiện cạnh một tòa nhà bị phá hủy ở Ukraine. Ảnh: EPA

Ở "chảo lửa" Bakhmut, tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi tin rằng, Nga mới đây sử dụng một quả bom dẫn đường 1.500kg để "dằn mặt" lực lượng Kiev. Sau một cuộc tập kích bằng bom cỡ lớn, mục tiêu chỉ còn lại là một đống gạch đá và binh sĩ Ukraine không thể biến chúng thành cứ điểm phòng thủ.

Tờ KyivIndependent thì cho hay, tháng trước, lực lượng Nga cũng thả bom dẫn đường UPAB-1500B trọng lượng 1.500kg ở tiền tuyến Avdiivka, khiến một loạt tòa nhà kiên cố bị thổi bay. UPAB-1500B mang đầu nổ nặng tới 1.010 kg, dẫn đường quán tính kèm hệ thống định vị vệ tinh, sai số dưới 10m.

Moskovskij Komsomolets tiết lộ, Nga mỗi ngày thả khoảng 100 đơn vị bom KAB, FAB, UPAB và bom nhiệt áp dòng ODAB có trọng lượng từ 500 kg đến 1500 kg ở Ukraine. Do sức công phá rất lớn, sai số vài m của các loại bom này không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả tác chiến.

12
Mẫu bom UPAB-1500 của Nga. Ảnh: ITN

Trong khi các mẫu bom KAB và UPAB có hệ thống dẫn đường tích hợp mới được Nga trình làng vài năm gần đây nên có trữ lượng giới hạn, thì Moscow lại đang sở hữu rất nhiều bom trọng lực FAB sản xuất từ thời Liên Xô, trong đó phiên bản FAB-500М-62 có thể lắp hệ thống điều hướng gắn ngoài mang tên Modul Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) để tăng độ chính xác.

Giới chức Ukraine thừa nhận bom Nga là mối đe dọa đang gia tăng. Bằng cách biến bom trọng lực thông thường thành bom dẫn đường, Moscow có trong tay thêm thứ vũ khí giá rẻ, nguồn cung dồi dào, sức công phá lớn hơn và hiệu quả hơn so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, vào thời điểm kho tên lửa của Nga được phương Tây mô tả là đang sụt giảm sau các cuộc không kích quy mô lớn.

Mẫu FAB-500М-62 nặng 500kg, trong đó phần đầu nổ là 390kg. Theo các nguồn tin Nga, chi phí sản xuất một "đôi cánh" UMPK cho bom FAB khoảng 2 triệu ruble, tương đương 24.000 USD. UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác, kèm theo cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản.

Để so sánh, một quả tên lửa hành trình Kalibr mang đầu đạn 450kg có giá tới 6,5 triệu USD. Tất nhiên, Kalibr có thể phóng từ tàu chiến ở khoảng cách 1.500km.

13
Bom FAB-500 trang bị cánh dẫn đường được treo trên giá một chiếc Su-34 của Nga. Ảnh: Drive

Theo ước tính không quân Ukraine, các mẫu FAB trang bị thiết bị điều hướng của Nga nếu được máy bay thả ở độ cao và tốc độ lớn, chúng có thể lượn xa 50km, tức vươn tới các mục tiêu ở hậu phương của Ukraine. Hầu hết bom dẫn đường của Nga được thả từ máy bay Su-34 và Su-35.

Ukraine cũng sở hữu bom thông minh, mẫu JDAM-ER do Mỹ cung cấp, có tầm bay 72km. Tuy nhiên, thời gian chiến sự kéo dài giúp Moscow tăng cường vũ khí phòng không và tác chiến điện tử ở tiền tuyến nhằm ngăn bom đối phương đánh trúng mục tiêu, còn năng lực phòng không của Kiev đã bị bào mòn.

Quân đội Ukraine hiện vẫn vận hành một số tổ hợp tên lửa S-300, có tầm bảo vệ khoảng 75km và Buk-M1, tầm bảo vệ 35km, nhưng không thể "đánh liều" đưa chúng ra sát tiền tuyến, bởi các hệ thống trinh sát vô tuyến của Nga sẽ nhanh chóng phát hiện vị trí và tiến hành tập kích bằng hỏa lực áp đảo.

14
Hình ảnh mảnh vỡ còn lại của cánh dẫn đường trên các quả bom Nga được sử dụng ở Ukraine. Ảnh: Defense Express

Đó là chưa kể việc các tài liệu tình báo mới bị rò rỉ của Mỹ cho thấy, "khả năng cung cấp đạn phòng không tầm trung để giúp Ukraine bảo vệ tiền tuyến sẽ suy giảm mạnh" từ tháng 5 tới, theo Washington Post. Nếu để Nga chiếm ưu thế tuyệt đối trên không ở tiền tuyến, các lực lượng Ukraine chắc chắn sẽ đối mặt tần suất tấn công từ máy bay tăng lên.

Ukraine vài tháng qua đã nhận được các khẩu đội MIM-104 Patriot do Mỹ cung cấp cũng như SAMP/T của Pháp-Italia có tầm bắn hiệu quả 150km. Với số lượng bệ phóng và hạn dược hạn chế, Ukraine rõ ràng phải bố trí chúng để bảo vệ mục tiêu trọng yếu xa tiền tuyến, ví dụ như thủ đô Kiev.

Chuyên gia Oleh Katkov của Defense Express tin rằng, cách thức đối phó hiệu quả nhất của quân đội Ukraine với bom Nga là tìm cách ngăn chặn máy bay mang bom. Thế nhưng, những chiếc MiG-29 và Su-27 hiếm hoi trong biên chế quân đội Ukraine lại không có tên lửa đối không tầm xa cùng radar tiên tiến để chiếm ưu thế trước những mẫu Su-35 và Su-34 hiện đại của Nga.

Không quân Ukraine rất trông đợi việc được phương Tây cung cấp tiêm kích tiên tiến, đặc biệt là những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất, cùng tên lửa không đối không AIM-120. Mỹ và đồng minh đến nay chưa cho thấy họ sẵn sàng bán hoặc viện trợ những vũ khí đó cho Kiev.

Bích Vân / CAND