Nhà khoa học Singapore hôm 9/5 cho biết nCoV đã trải qua hơn 6.600 lần đột biến riêng biệt tại protein gai để tăng khả năng sinh tồn.
Tiến sĩ Maurer-Stroh, giám đốc Viện Tin - Sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star) Singapore, tham gia thu thập và phân tích những thay đổi trong bộ gene của nCoV trên kho dữ liệu GISAID, nơi chia sẻ 1,5 triệu chuỗi trình tự gene virus. Hôm 9/5, ông cho biết đã xảy ra hơn 6.600 đột biến protein gai của nCoV kể từ khi nó được phát hiện lần đầu vào tháng 12/2019.
Virus đột biến bất cứ khi nào có "sai sót" trong quá trình sao chép. Điều này có thể do việc thêm, xóa hoặc thay đổi mã di truyền của virus. Nếu sự thay đổi đó làm tăng khả năng sinh tồn của virus, những phiên bản virus lỗi sẽ tồn tại lâu hơn, đôi khi áp đảo chủng gốc.
Ví dụ, đột biến D614G bắt đầu tăng mạnh trên thế giới vào tháng 2 năm ngoái, hiện được tìm thấy trong đa số các mẫu virus, bất kể chúng là biến thể nào. Biến thể có đột biến này phổ biến tới nỗi nó được đặt tên riêng theo nhóm riêng, gọi là nhóm G.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù nhóm G có khả năng lây truyền mạnh hơn, nó không gây bệnh nặng hơn, không ảnh hưởng đến chẩn đoán, điều trị hoặc vaccine. Nhóm G và các nhóm phụ, bao gồm GRY - một nhánh được đặt tên cho biến thể B.1.1.7 từ Anh, chiếm ưu thế từ giữa năm 2020, thay thế hoàn toàn chủng nguyên bản xuất hiện ở Vũ Hán.
Nếu có nhiều đột biến của virus như vậy, tại sao WHO mới chỉ liệt kê ba biến thể đáng lo ngại (VOC), cùng với một số ít biến thể đáng quan tâm (VOI) và bỏ qua các chủng còn lại? Virus đột biến được xếp vào nhóm VOC khi đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau: lây truyền dễ dàng hơn, gây bệnh nặng hơn, làm giảm đáng kể khả năng trung hòa của các kháng thể, giảm hiệu quả điều trị, vaccine hoặc làm ảnh hưởng tới việc chẩn đoán.
Tiến sĩ Maurer-Stroh giải thích rằng không phải đột biến nào cũng khiến virus biến đổi theo những cách trên. Do đó, những đột biến này không gây ra các làn sóng lây nhiễm lớn.
Hôm 10/5, WHO xếp B.1.167 ở Ấn Độ vào nhóm "biến thể đáng lo ngại". "Các thông tin sẵn có cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn bản gốc. Vì vậy chúng tôi xếp biến chủng B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ vào nhóm 'biến chủng đáng lo ngại' (VOC) trên quy mô toàn cầu", Maria Van Kerkove, người đứng đầu nhóm ứng phó Covid-19 của WHO, cho biết. WHO trước đó đưa B.1.617 vào nhóm "biến chủng đáng chú ý" (VOI), có mức độ nguy hiểm thấp hơn so với VOC.
Các loại vaccine hiện nay có thể chống lại các biến thể hay không? Giáo sư Ooi Eng Eong của Đại học Y Duke-NUS (Singapore), người đang tham gia phát triển vaccine mRNA cho biết: "Các nghiên cứu về người được tiêm phòng cho thấy vaccine mRNA có khả năng ngăn ngừa các biến thể nCoV đáng lo ngại".
"Ít nhất có bốn báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ nhiễm biến thể nCoV là dưới 1% ở người bệnh có triệu chứng, đã được tiêm vaccine", ông nói.
Các kháng thể do vaccine tạo ra sẽ nhận diện một đoạn gai trên vỏ ngoài virus. Như vậy, nếu gai virus thay đổi, vaccine có thể bảo vệ những người đã được tiêm vaccine hay không? Giáo sư Ooi giải thích rằng vaccine không chỉ giúp cơ thể tạo ra kháng thể mà còn kích hoạt phản ứng miễn dịch, bao gồm sự sản sinh các tế bào lympho T, nhằm tiêu diệt virus và tế bào bị nhiễm bệnh. Các quá trình này không bị ảnh hưởng bởi thay đổi của protein gai.
Mặt khác, giáo sư Hsu Liyang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo những biện pháp hiện nay không phải lúc nào cũng hiệu quả.
"Chúng tôi cho rằng virus sẽ không chịu ngồi yên. Còn nhiều biến thể mới hơn sẽ xuất hiện", giáo sư Liyang nói.
Người đàn ông được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Miami, Mỹ, hôm 8/5. Ảnh:WSJ. |
Mai Dung (Theo StraitsTimes)
Ca mắc COVID-19 tăng đột biến, Mỹ cho phép nhân viên ngoại giao rời Nepal |
Các đột biến COVID-19 ở Ấn Độ có thể "trốn" miễn dịch |