NATO chưa đưa quân tới Ukraine

NATO vẫn chưa đưa quân tới Ukraine và người đứng đầu khối này, ông Jens Stoltenberg đã bác bỏ ý kiến cho rằng, một hành động như vậy sẽ được thực hiện trong tương lai gần.

Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 3/4 (giờ địa phương), Tổng Thư ký NATO đã lên tiếng kêu gọi các Ngoại trưởng NATO lên kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Kiev. Hành động này sẽ bao gồm hỗ trợ và đào tạo về an ninh, cũng như tham gia nhiều hơn vào việc phối hợp cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine.

ukraine.png -0
Binh sỹ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine.

Đáp lại những tuyên bố trên, cựu Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 4/4 cho rằng, nên treo tiền thưởng cho việc tiêu diệt binh sĩ NATO nếu họ được triển khai ở Ukraine để chiến đấu chống lại Quân đội Nga. Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Dmitry Medvedev chỉ trích những người phương Tây ủng hộ Kiev, cho rằng họ đang “coi cả thế giới là những kẻ ngu ngốc” nếu tin rằng việc gửi lực lượng nước ngoài tới Ukraine sẽ không dẫn đến leo thang nguy hiểm. Ông tuyên bố, nếu binh sĩ NATO đến Ukraine, họ sẽ không bị giới hạn ở vai trò phi chiến đấu.

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Họ sẽ trở thành một phần của lực lượng chính quy đang chiến đấu chống lại chúng ta. Đó là lý do tại sao họ sẽ bị đối xử như kẻ thù. Chúng ta không nên bắt tù binh! Phần thưởng cao nhất phải được trao cho mỗi lính NATO thiệt mạng”.

Trước đây, các doanh nhân và nhà hoạt động Nga đã từng treo thưởng cho việc phá hủy xe tăng do phương Tây sản xuất ở Ukraine. Nga đã nhiều lần tuyên bố, họ sẽ coi quân đội phương Tây và các hệ thống vũ khí do nước ngoài cung cấp trên đất Ukraine là mục tiêu hợp pháp, và việc NATO triển khai quân tới Ukraine sẽ đẩy khối này đến bờ vực xung đột toàn diện với Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vào tháng trước rằng, việc triển khai lực lượng nước ngoài sẽ là một sự leo thang lớn, dẫn đến “những hậu quả không thể khắc phục được”. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cảnh báo sẽ “chỉ còn một bước nữa là có thể xảy ra Thế chiến thứ ba toàn diện”.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm hiếm hoi diễn ra trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã cảnh báo người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu rằng, việc đưa quân đội Pháp tới Ukraine sẽ gây ra hậu quả tai hại cho Paris.

Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, tại cuộc trao đổi, ông Sergei Shoigu cảnh báo rằng Pháp “sẽ tự tạo ra rắc rối cho chính mình” nếu gửi quân tới Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. “Sự sẵn sàng đối thoại về Ukraine đã được ghi nhận. Điểm khởi đầu có thể dựa trên sáng kiến hòa bình ở Istanbul”, bộ này cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng, hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức sẽ “vô ích nếu không có sự tham gia của Nga”.

Về phần mình, theo Bộ Quốc phòng Pháp, Bộ trưởng Sebastien Lecornu nhắc lại trong cuộc gọi rằng, “Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu dài và mạnh mẽ khi cần thiết trong cuộc đấu tranh vì tự do và chủ quyền, nhằm mang lại hòa bình và an ninh cho lục địa châu Âu”.

Về phía Ukraine, trong thời gian qua, nước này đã ký một loạt các thỏa thuận an ninh riêng lẻ với các nước phương Tây. Các thỏa thuận này bao gồm cam kết viện trợ quân sự cho năm 2024 cùng các điều khoản áp dụng trong toàn bộ thời hạn của thỏa thuận. Các cam kết dài hạn bao gồm hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hỗ trợ nhân đạo và các sáng kiến chống tham nhũng.

Theo ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), sự thất vọng lớn nhất ở các thỏa thuận là thiếu những cam kết viện trợ quân sự ổn định sau năm 2024 để gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga và cho phép Ukraine cùng các nước đồng minh có thể lên kế hoạch cho tương lai. Các thỏa thuận này cho thấy những thách thức hiện tại mà Ukraine và các nước phương Tây phải đối mặt cũng như sự chia rẽ trong NATO. Dù vậy, ông Stefan Meister, người đứng đầu chương trình Đông Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho rằng: “Hiện tại, đây là điều tốt nhất Ukraine có thể có được”.

Sự không chắc chắn trong tương lai là một trong những yếu tố đằng sau các thỏa thuận an ninh song phương, một phần được thúc đẩy bởi lo ngại ngày càng tăng về chủ nghĩa biệt lập của Mỹ, đặc biệt là trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và quay trở lại nắm quyền. Ngoài những cam kết ngắn hạn sẽ được chi cho đạn dược cần thiết khẩn cấp ở tiền tuyến, cả 7 thỏa thuận an ninh đều nhấn mạnh vào việc phát triển lĩnh vực quốc phòng châu Âu - bao gồm cả ở Ukraine.

Theo chuyên gia Max Bergmann, dự luật hỗ trợ Ukraine được Tổng thống Joe Biden đề xuất vào tháng 10/2023 và cho đến nay vẫn bị đình trệ tại Quốc hội. Đây là một “lời cảnh tỉnh” đối với các nước châu Âu. Vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, EU có khả năng sản xuất nhiều hơn nữa nhưng họ đã bắt đầu quá muộn và mọi việc tiến triển chậm chạp.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Stefan Meister nói rằng, châu Âu ngày càng nhận thức rõ rằng một ngày nào đó họ có thể đứng một mình. Các thỏa thuận song phương giữa Ukraine và các đồng minh phản ánh nhận thức này và có thể đem lại cung cấp cái mà ông gọi là “lộ trình” phát triển các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu.

Theo giới phân tích, thông điệp rõ ràng mà các thỏa thuận an ninh gửi tới cả Kiev và Moscow là các đồng minh của Ukraine đã cam kết trong 10 năm tới, nhưng sức mạnh thực sự của chúng lại là điều không chắc chắn. Tiến sĩ Marie Dumoulin, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng, các thỏa thuận này có thể xua tan hy vọng của Nga về việc giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukrainre bằng cách chia rẽ phương Tây.

Ông Max Bergmann cũng có quan điểm tương tự, đồng thời nói thêm rằng không nên đánh giá thấp tín hiệu ngoại giao và những thỏa thuận song phương như vậy thường tạo nền tảng cho các mối quan hệ đối tác lâu dài quan trọng.

Sau cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm 2023, sự đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây bị rạn nứt. Nhiều người lo ngại rằng những năm tới sẽ là những năm xung đột đóng băng, hoặc tệ hơn là cán cân sức mạnh sẽ thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Nga. Không có diễn biến đơn lẻ nào, dù là về quân sự hay chính trị, có thể kết thúc xung đột ngay lập tức. Một số chuyên gia lạc quan về sự xuất hiện sắp tới của các máy bay chiến đấu F-16 và khả năng tích hợp của hệ thống cảnh báo và kiểm soát sớm trên không (AWACS) của NATO. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích khác tỏ ra thận trọng.

Năm 2024 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu và đó sẽ là phép thử đối với sự ủng hộ của đồng minh dành cho Ukraine. Ukraine chỉ có thể phá vỡ bế tắc theo hướng có lợi cho mình nếu các thỏa thuận an ninh là bước khởi đầu cho một khuôn khổ hợp tác quân sự có ý nghĩa trong thập niên tới và xa hơn thế.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nato-chua-dua-quan-toi-ukraine-i727467/

Khổng Hà / cand.com.vn